Tại Khoa Phẫu thuật cột sống của Bệnh viện (BV) Việt Đức, gần đây, số bệnh nhân đến điều trị cong vẹo cột sống ngày càng tăng.
Tiến triển nhanh ở tuổi dậy thì
Bệnh nhân Nguyễn Việt Ng. (Hà Nội) vừa được BV này phẫu thuật tạo hình lại cột sống cong vẹo. Mẹ của Ng. cho biết lúc Ng. 12, 13 tuổi, bà đã sờ thấy cột sống của con hơi cong nhưng nghĩ đang “tuổi ăn tuổi lớn” sau này trưởng thành, tập luyện thể thao sẽ hết. Rồi Ng. ngày càng rõ cái dáng “bà còng”, thêm vào đó là chứng tức ngực và khó thở nên phải đi khám. Với mức vẹo cột sống lên đến hơn 70 độ, các bác sĩ đã phải can thiệp bằng cách vừa nẹp vít vừa ghép xương để nắn lại cái lưng gù. Sau khi được kéo thẳng cột sống, Ng. đã lấy lại hơn 6 cm chiều cao của cơ thể mình.
|
Bác sĩ Đinh Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống BV Việt Đức, cho biết nếu tính ở thể nhẹ (độ vẹo giữa các đốt sống là 10 độ) thì ước khoảng 2%-3% dân số vẹo cột sống. Bệnh thường xuất hiện từ bé và tiến triển nhanh ở tuổi dậy thì, khoảng 14-17 tuổi là thời điểm biểu hiện rõ nhất do đây là thời kỳ mà hệ xương khớp phát triển mạnh. Khoa này vẫn thường tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân tới khám cong vẹo cột sống mà đa phần đã ở mức độ nặng.
Điều trị sai, vẹo càng nặng Các bác sĩ cho biết khi góc vẹo còn nhỏ, bệnh nhân có thể dùng áo chỉnh hình nhưng khi góc vẹo từ 50 độ trở lên và mặc áo nẹp không có tác dụng thì phải phẫu thuật. Theo bác sĩ Đinh Ngọc Sơn, phần lớn bệnh nhân đến điều trị khi tình trạng vẹo cột sống đã khá nặng. Ngoài những trường hợp phát hiện muộn, không điều chỉnh kịp thời còn có những trường hợp không điều trị đúng cách khiến vẹo ngày càng nặng. Nhiều trường hợp được phẫu thuật nhưng vì cột sống cong góc quá lớn nên chỉ khắc phục được một phần. |
Ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng sống
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Thạch, Phó Giám đốc BV Việt Đức, vẹo cột sống là một bệnh lý nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của bệnh nhân: không chỉ mất thẩm mỹ, tác động tiêu cực đến tâm sinh lý mà còn làm giảm chức năng hô hấp, tim mạch... Lúc đầu, bệnh khó phát hiện bởi cơ thể thường tự bù trừ giúp giữ thăng bằng nên mọi người ít để ý nhưng đến khi trưởng thành thì người bệnh sẽ thấp đi khoảng 5-6 cm. Không những thế, bệnh còn khiến trẻ ngồi học dễ bị mỏi, tê chân dẫn đến kém tập trung. Nếu vẹo 50 - 60 độ thì các chức năng hô hấp và tim mạch sẽ bị ảnh hưởng, các em gái có thể sẽ khó khăn cho việc sinh nở sau này.
Người bị cong vẹo cột sống dễ mất đi cơ hội theo những ngành đòi hỏi có thân hình cân đối như phi công, vũ công, vận động viên, người mẫu... Ảnh hưởng rõ nhất của bệnh là tính thẩm mỹ bởi cái lưng gù khiến họ mất tự tin. Vì thế, khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường về cột sống thì nên đưa đi khám để phát hiện sớm, việc điều trị sẽ hiệu quả hơn.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)