Bức cung, nhục hình chỉ là hiện tượng cá biệt nhưng để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thậm chí làm suy yếu cả chế độ nên cần phải được xem xét, giải quyết triệt để.
|
Đây là nhìn nhận của 3 ngành tố tụng T.Ư và nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên giải trình “Việc chấp hành pháp luật trong thu thập đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự”, do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức hôm qua 11.9.
|
Các bên có trách nhiệm giải trình gồm: Bộ Công an, Viện KSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Quốc phòng. Đây cũng là lần đầu tiên một phiên giải trình liên quan đến việc bức cung, nhục hình được tổ chức và nhận được mối quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự.
Dùng nhục hình có xu hướng gia tăng
Báo cáo giải trình của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cho biết trong 3 năm qua, từ 1.1.2011 đến 31.12.2013, đã có 19 cán bộ, chiến sĩ bị tước danh hiệu công an nhân dân (CAND) và bị khởi tố điều tra về hành vi dùng nhục hình, không có trường hợp nào bị khởi tố về tội bức cung.
183 trường hợp khác trong cơ quan cảnh sát điều tra các cấp do có sai phạm và vi phạm về quy trình, quy chế công tác bị xử lý kỷ luật với nhiều hình thức như: tước danh hiệu CAND, điều chuyển công tác, giáng cấp... Trong khi đó, Cục Điều tra của Bộ Quốc phòng cho biết không phát hiện các vụ bức cung nhục hình trong hoạt động điều tra.
Đáng chú ý, Phó chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn đánh giá tội dùng nhục hình đang có xu hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Trong 3 năm qua, TAND các cấp đã thụ lý 10 vụ án với 23 bị cáo phạm tội dùng nhục hình. Cụ thể năm 2011, tòa án thụ lý 1 vụ với 2 bị cáo; năm 2012 có 4 vụ, 7 bị cáo; năm 2013 tăng lên 5 vụ, 14 bị cáo.
Dù đánh giá các ngành tố tụng T.Ư đã có nhiều cố gắng nhưng nhiều đại biểu cho rằng những con số nói trên chưa phản ánh đúng thực tế đang diễn ra và “còn nhiều vấn đề băn khoăn”.
“Luật đã nhẹ, xử còn nhẹ hơn”
Ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN, cho rằng trong khung hình phạt tội dùng nhục hình là quá nhẹ, 15 năm là cao nhất, thậm chí một số địa phương khi xét xử các vụ án nhục hình gây chết người còn cho hưởng tình tiết giảm nhẹ. “Điều luật đã nhẹ rồi, khi xử lại còn nhẹ hơn”, ông Anh nói.
Dẫn lại số liệu từ báo cáo của TAND tối cao về việc xử lý các bị cáo phạm tội nhục hình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói: “Có nhiều vụ xử lý không đúng người đúng tội. Gần nhất là vụ Ngô Thanh Kiều, vừa sai tội danh, hình phạt nhẹ. Sai tới mức có thể chấp nhận được lại là lẽ khác, nhưng sai tới mức người ta không học luật cũng biết là sai, tuyên thì biết sai ngay, như vụ Nguyễn Thanh Chấn thì xử lý thế nào, thẩm phán có bị xử lý gì không...”.
Ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, nêu câu hỏi: “Trong thời gian gần đây số nghi can, bị can chết trong trại giam là bao nhiêu? Áp lực của cơ quan tố tụng trong công tác điều tra là gì, liệu có tiêu cực trong lực lượng điều tra viên?”.
Bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho rằng cần xem xét lại việc đánh giá của Viện KSND tối cao khi cho rằng “các vụ dùng nhục hình đều được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật”. Bà Nga dẫn chứng: “Vụ dùng nhục hình ở TP.Tuy Hòa, Phú Yên, công an bắt người ban đêm khi không có lệnh, đối tượng bị bắt không nằm trong diện bắt ban đêm nhưng Viện kiểm sát tỉnh nói chỉ vi phạm về thủ tục thì có hợp lý không. Mặt khác, vụ này chưa xem xét đến trách nhiệm của trưởng ban chuyên án là không đúng pháp luật, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”.
Ông Nguyễn Sơn cho biết số vụ án dùng nhục hình không nhiều, một số vụ án có báo cáo về việc xử nhẹ sẽ kiểm tra lại xem tính chất, mức độ và xem xét trên cơ sở quy định pháp luật. Tuy nhiên đến nay các vụ án này đã hết thời hiệu. Ông Sơn cũng khẳng định từ nay về sau sẽ giám sát chặt chẽ hơn đối với các loại tội phạm này.
Ông Nguyễn Hải Phong, Phó viện trưởng Viện KSND tối cao, cũng thừa nhận các con số đưa ra chưa phản ánh đúng thực tế. Ông lý giải trong báo cáo của cơ quan này có đánh giá “số vụ đưa ra xử lý chưa phản ánh hết được”, bởi tội bức cung, nhục hình xảy ra trong hoàn cảnh đặc biệt, chủ yếu xảy ra trong giai đoạn tiền khởi tố, bị tạm giữ, bắt quả tang, khẩn cấp. Nhiều trường hợp sau khi truy tố, xét xử mới tố cáo.
Ông Phong cũng cho hay sau vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, các ngành tố tụng đã nhận được nhiều đơn kêu oan các vụ án khác và đã lập tổ công tác liên ngành rà soát, đến nay đã xử lý được 8 vụ, riêng Bắc Giang có 3 vụ. “Vụ nhục hình ở Phú Yên có nhận được kiến nghị của bà Lê Thị Nga và Chủ tịch nước, chúng tôi đã thành lập tổ liên ngành, tôi là trưởng đoàn trực tiếp đi Phú Yên nghe các cơ quan, chúng tôi đã chỉ đạo kháng nghị; hiện các ngành tố tụng đang xem xét khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Phó trưởng công an TP.Tuy Hòa, về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, ông Phong cho hay.
Lắp đặt camera, cho phép ghi âm...
Tại phiên giải trình, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp chống bức cung, nhục hình. “Về việc lắp đặt camera trong các phòng hỏi cung và trại giam, Bộ Công an cho rằng khó khăn về kinh phí chưa thể lo được hết thì tôi đề nghị khắc phục trước mắt cho phép bị can, bị cáo và bên thứ ba được quyền ghi âm ghi hình việc hỏi cung, coi đó là quyền của họ, đề xuất này được hay không, nếu mình làm đàng hoàng thì không sợ gì cả”, bà Lê Thị Nga đề nghị.
Ủng hộ quan điểm này, ông Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN, cho rằng vấn đề cơ bản nhất là các ngành tố tụng phải thay đổi về nhận thức tư duy. “Nhục hình vẫn diễn ra, coi bị can, bị cáo không bình đẳng với mình, coi họ như kẻ thù”, ông nói và đề nghị phải thực hiện nghiêm túc quy định về việc luật sư được tiếp xúc với bị can, bị cáo bởi thực tế, Bộ Công an đã có quy định nhưng luật sư gặp không ít khó khăn.
“Oan sai, nhục hình, bức cung chính là làm suy yếu chế độ, đời con đời cháu của họ có thù hằn với mình; gấp 2 - 3 lần chứ không phải chỉ với riêng cá nhân ông Nguyễn Thanh Chấn đâu. Qua vụ án ở Sóc Trăng, vụ Nguyễn Thanh Chấn cho thấy hậu quả hết sức khủng khiếp. Chúng ta đã có những nạn nhân bị giết, hiếp nhưng bức cung nhục hình lại tạo ra nạn nhân oan sai”, ông Nghĩa nói.
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho rằng quyền ghi âm, ghi hình cần được nghiên cứu và phải được luật hóa; đồng thời cho biết Bộ Công an đang nghiên cứu nhiều biện pháp chống bức cung, nhục hình, trong đó giám thị trại tạm giam, thủ trưởng quản lý nhà tạm giữ phải chịu trách nhiệm liên đới khi xảy ra sự việc.
“Dù có máy gì mà ý thức tuân thủ pháp luật kém, làm qua loa cho nhanh thì vẫn còn nhục hình, con người dù đào tạo gì mà ý thức pháp luật kém thì vẫn thế. Ở đâu oan sai, bỏ lọt (tội phạm) đồng chí viện trưởng chịu trách nhiệm; ở đâu có bức cung nhục hình, thủ trưởng cơ quan điều tra chịu trách nhiệm thì sẽ giảm rất nhiều. Tới đây sửa bộ luật tố tụng rồi thì quyền, trách nhiệm sẽ được quy định rõ, cụ thể”, ông Nguyễn Hải Phong nói.
Sẽ khởi tố thêm nhiều cán bộ dùng nhục hình Theo ông Nguyễn Hải Phong, sắp tới các cơ quan tố tụng sẽ khởi tố thêm nhiều bị can để xảy ra oan sai, nhục hình. Ngoài vụ án ở Phú Yên, sẽ khởi tố thêm 2 cán bộ trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án và thiếu trách nhiệm. “Chúng tôi thừa nhận lỗi của Viện kiểm sát ở đây. Còn xử lý trách nhiệm ấy ở từng vụ việc cụ thể, vụ Sóc Trăng, vụ Bắc Giang bắt giam cả điều tra viên, kiểm sát viên. Nếu kiểm sát chặt không có tình trạng này. Không có sự bao che. Còn những vụ khác trách nhiệm từ xa, không phải trực tiếp. Với những vụ như Thanh Chấn, định hướng vụ án sai từ đầu nên kiểm sát viên có trách nhiệm, kiểm sát viên đồng lòng cùng điều tra viên làm sai từ đầu nên phải xử lý thôi. Xử lý điều tra viên rất băn khoăn, trăn trở nhưng sai thì phải xử lý thôi”, ông Phong nói. |
Thái Sơn
>> Các vụ án dùng nhục hình có xu hướng tăng
>> Phúc thẩm vụ 5 sĩ quan công an dùng nhục hình: Trả hồ sơ để điều tra lại
>> Sửa luật để chống bức cung, nhục hình
>> Có bao nhiêu con thỏ được tuyên là gấu?
Bình luận (0)