Lê Thị Huệ di chuyển và sinh hoạt rất khó khăn - Ảnh: Minh Minh |
Sự khắc nghiệt của thể thao đã cướp đi của Huệ những hy vọng được tỏa sáng cùng sới vật. 7 năm qua, sự khắc nghiệt ấy buộc cô gái nghèo miền ven biển này phải sống cuộc đời của một phế nhân trong nỗi đau thể xác tột cùng. Nhưng còn một nỗi đau khác lớn hơn, khiến Huệ “vật” thêm tan nát khi nghĩ về quá khứ và cả tương lai bản thân mình, ấy là sự thờ ơ của những người có trách nhiệm.
7 năm sống với đớn đau
Trong căn nhà nhỏ ở làng biển Châu Chính (Quảng Xương, Thanh Hóa), Huệ vật vã giữa những cơn co giật và da dẻ thì xanh lét như tàu lá chuối. Bên cạnh cô, bà mẹ già gần 70 tuổi cặm cụi đỡ con gái, vừa lấy khăn dấp nước lau những giọt mồ hôi. Quay mặt về những tấm huy chương treo đầy trên tường nhà, nơi có cả tấm hình ghi dấu một Lê Thị Huệ mạnh mẽ trên sới vật, khẽ lấy tay quệt nước mắt, bà bảo: “Bất thần lúc nào nhìn lại tấm ảnh ấy, tôi cũng khóc”.
Mà không khóc làm sao được, khi hơn chục năm trước, lúc ra bến xe tiễn con gái lên Hà Nội gia nhập tuyển trẻ với thật nhiều khát vọng, bà chưa từng nghĩ sẽ có tai ương này. Cái tai ương đã xảy đến, khi Huệ vì quá hăng hái trong một buổi tập đã tiếp đất sai kỹ thuật và gặp phải tai nạn thương tâm. Từ lúc bị ngã xuống, đưa vào bệnh viện cấp cứu đến khi tỉnh dậy 3 ngày sau đó, Huệ còn được bác sĩ động viên “cứ nghỉ ngơi rồi sẽ khỏi”. Nhưng nhìn bệnh án, bà biết con gái mình thế là “hỏng mất rồi”. Gãy 3 đốt sống cổ như Huệ, vượt qua được “lưỡi hái tử thần” đã là chuyện xưa nay hiếm. Có điều, may mắn ấy sẽ trở thành nỗi bất hạnh đeo đẳng Huệ suốt cuộc đời còn lại, bởi cô thậm chí không còn khả năng đi lại bình thường nữa.
7 năm ngược xuôi điều trị, người bố thương binh và 7 anh chị em (cũng rất nghèo) của Huệ đã phải gom góp, thậm chí bán đi phần lớn tài sản trong gia đình, với hy vọng giúp cô giảm thiểu đau đớn. Nhưng đến giờ, kể cả sau thời gian rất dài châm cứu và chữa bằng vật lý trị liệu tại Bệnh viện Bảo Long, hai tay Huệ vẫn không đủ sức cầm vật nặng. Để di chuyển một khoảng cách chỉ vài mét, Huệ phải cần “người bạn thân” là chiếc xe lăn. Đau khổ nhất là cả chuyện vệ sinh đơn giản, người mẹ già cũng phải giúp cô lo liệu toàn bộ.
7 năm đối mặt với cuộc sống tàn tạ quanh 4 bức tường như thế đã in hằn trong suy nghĩ của Huệ tư tưởng chấp nhận. Cô bảo đã quen với những cơn đau, quen với việc người ta nhìn mình bằng ánh mắt cảm thông, thương hại và cả sự thông suốt về tinh thần: “chấp nhận theo nghiệp thể thao đỉnh cao thì phải sẵn sàng cho những tai nạn. Định mệnh đã chọn mình thì mình phải sống với chấn thương và đau đớn cả đời thôi. Ngày mới về nhà, em chỉ muốn chết, nhưng bây giờ em biết suy nghĩ ấy không nên chút nào. Nhưng em vẫn đau, vẫn buồn vì chuyện khác…”
Những tấm lòng… vô cảm
Một thời gian trước, đại diện của Sở VH-TT&DL Thanh Hóa từng xuống hỏi thăm và tặng quà cho Huệ. Mẹ cô bảo: “Cũng chẳng nhớ thời gian cụ thể nữa, hình như là cách đây một, hai năm. Anh quan chức đó nghe đâu mới đắc cử”. Lần viếng thăm ấy cũng là lần hiếm hoi Huệ nhận được sự quan tâm. Từ thời điểm bị tai nạn và trở thành một “gánh nặng”, đội tuyển đã quên Huệ và những người có trách nhiệm cũng thờ ơ trước một số phận bất hạnh đến thê thảm.
Thực ra 7 năm qua, cũng có đôi lần Huệ được hứa hẹn những điều kiện chữa chạy tốt nhất. Nhưng đó là câu chuyện khi có truyền hình, hoặc đột nhiên một vài tờ báo nào còn nhớ cô và viết bài. Có điều, lần nào cũng chỉ là dăm ba lời hứa hẹn mà Huệ chờ mỏi mòn không thấy được thực hiện. Toàn bộ những gì mà Huệ có lúc này, chỉ là mức lương bảo hiểm 1.500.000 đồng/tháng và khoản trợ cấp 700 ngàn đồng từ lòng hảo tâm của GS Nguyễn Hữu Khai (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bảo Long). Một năm vài tháng, Huệ cũng được thu xếp lên Bệnh viện Bảo Long chạy vật lý trị liệu miễn phí.
Nhưng sự trợ giúp chỉ từ phía Bảo Long càng khiến Huệ thêm đau lòng. Hồi năm 2003 khi mới bị tai nạn và còn được báo chí quan tâm nhiều, một vài lãnh đạo ngành thể thao từng phát biểu trên báo chí rằng sẽ cho Huệ ra nước ngoài phẫu thuật. “Nếu điều đó được thực hiện, thì dù không thể trở lại sàn đấu, em đã có hy vọng đi lại bình thường chứ không phải chịu cảnh tàn tật đau khổ như thế này”, Huệ nức nở.
Không rõ ngày ấy, ai đã hứa với Huệ và gieo vào lòng cô gái bất hạnh những hy vọng rồi chuyển thành thất vọng. Để bây giờ, cô bảo mình thấy đau và mất hết niềm tin vào cái gọi là sự quan tâm dành cho VĐV của lãnh đạo ngành thể thao. “Một lãnh đạo từng bảo cha em khi ông lên xin chế độ rằng thể thao là trò chơi. Thôi đành. Người ta đã nói thế thì phải chấp nhận”.
7 năm, Huệ đã sống và gặm nhấm những nỗi đau tinh thần lớn lao của một VĐV bị phụ bạc. Câu chuyện của cô cũng là hoàn cảnh của nhiều số phận thể thao bất hạnh khác. Chỉ có điều, với riêng Huệ, sao người đối diện cứ thấy mắt cay xè và ám ảnh, bởi sự oan nghiệt mà cô gái trẻ đang mang ngoài định mệnh đã lựa chọn cô, còn đến từ những yếu tố khác…
Hải Minh
Bình luận (0)