Nỗi đau sau vỏ bọc hào nhoáng
|
Chiếc giường không chân này là một trong những sắp đặt tại triển lãm Đằng sau cánh cửa, được trưng bày từ 23.11 - 31.12 tại Bảo tàng Phụ nữ VN.
Xung quanh chiếc giường vốn chỉ được treo lên bằng sợi dây có những bức ảnh và câu chuyện của người bị bạo hành, kể cả bạo hành tình dục. Một nữ lao động tự do ở Hà Nội chia sẻ câu chuyện con mình trầm cảm vì bố bạo hành tình dục với mẹ: “Thậm chí có lần chồng đòi quan hệ, tôi không đồng ý, anh cởi trần cởi truồng rồi bật đèn lên bất chấp sự có mặt của con. Tôi bảo: Anh không thấy con anh đang nhìn anh à? Anh nói: Tao đẻ ra nó thì nó nhìn có làm sao?”.
Ở một sắp đặt khác có tên Mặt nạ của hạnh phúc, những mẩu gương vỡ vụn được đắp lên một tấm gương lành. Nhìn thoáng qua nó dường như không vỡ, nhưng kỳ thực nó đã vĩnh viễn không còn lành lặn. Ở đó từng nhân vật có thể soi chiếu vào để thấy nỗi đau tận cùng của bạo lực gia đình lẫn sự hào nhoáng vỏ bọc. “Ông ấy bao che giỏi lắm. Để giữ danh tiếng. Trước mặt mọi người, ông ấy luôn thể hiện mình là người chồng tốt, mua quà cho tôi nhiều, có người khác thì ngọt ngào gọi em, ăn cơm có mặt các con hay người khác cũng luôn gắp thức ăn cho tôi, chăm chút lắm. Nhưng cứ đêm xuống là chửi bới, mạt sát tôi, gia đình tôi không tiếc lời. Tôi thấy kinh tởm sự giả tạo ấy”, một phụ nữ gần 60 tuổi ở Hải Dương chia sẻ.
Trong khi đó, sắp đặt về mâm cơm lại trống trơn và lạnh lẽo. Trong nhiều câu chuyện gắn với mâm cơm này có một tâm sự của người vợ chỉ duy nhất một lần trong đời được chồng đưa tiền sắm tết. Khi con trai út 3 tuổi mổ trực tràng, chồng chỉ vào viện thăm con một lần, hỏi vợ “mày để con tao đau thế này à” rồi về luôn, không đưa một đồng nào. Tới lúc cưới con cả, chồng đưa cho vợ 15 triệu đồng và giao hẹn “mày lo cho con xong mày trả lại tao”. “Mâm cơm cho thấy sự không chia sẻ của gia đình. Người vợ phải làm hết mọi việc nhà, có thể còn phải lo cả tài chính. Người đàn ông không có sự chia sẻ nên mâm cơm cũng lạnh lẽo”, bà Hoàn lý giải.
Tại trung tâm trưng bày là một sắp đặt gồm những mặt nạ soi chiếu vào tấm gương đã vỡ và những mặt nạ được giấu dưới tấm bạt trắng. Tất cả chỉ như những người giấu mặt. Họ sợ mất mặt, họ thương và giận lẫn lộn rồi chìm trong những cảm giác đó. Sắp đặt này vì thế có tên Bỏ thì thương vương thì tội.
Phá tan im lặng
Bà Hoàng Như Hoa, một thành viên nhóm thực hiện, cho biết trong suốt quá trình nghiên cứu làm dự án, điều khó nhất là thuyết phục nhân vật “lộ sáng”. Họ có thể tâm sự nhưng nhất định không lộ danh tính, cũng không muốn phơi bày câu chuyện của mình vì sợ cuộc sống bị ảnh hưởng.
“Bạo lực gia đình không phải đề tài mới. Bản thân chúng tôi cũng đã làm trưng bày về những ngôi nhà bình yên để lánh bạo lực rồi. Thế thì làm thế nào để cho mới. Làm thế nào để nạn nhân có thể nói”, bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ VN, cho biết và nói thêm: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy mấu chốt của vấn đề bạo lực gia đình vẫn là sự im lặng và chúng tôi quyết định tấn công sự im lặng ấy”.
Chính vì thế, hình ảnh những chiếc mặt nạ được trải qua nhiều góc của triển lãm, những tấm gương vỡ cũng thế. Nó như động viên những người đang chịu bạo lực nhìn ra vấn đề của mình để đầu tiên là nói ra. Bởi nếu không, theo chuyên gia về giới Lê Thị Phương Thúy: “Bạo lực gia đình để lại những hậu quả nặng nề tới con trẻ do chúng luôn phải chứng kiến và sống trong môi trường bạo lực. Trẻ gái lớn lên dễ chấp nhận bạo lực như một phương thức hành xử bình thường; trẻ trai cho rằng bạo lực là phương thức giao tiếp hiệu quả”.
Triển lãm vì thế cũng có phần tương tác để công chúng có thể hiểu vấn đề của mình ở đâu, nhận thức của mình về bạo lực gia đình ra sao.
Bình luận (0)