Đằng sau chuyện Trung Quốc mua tàu sân bay

21/01/2015 03:00 GMT+7

Một doanh nhân từng đứng ra mua lại tàu sân bay giùm Trung Quốc tố cáo chính phủ nước này không hoàn trả chi phí, khiến ông lâm vào cảnh khó khăn.

Một doanh nhân từng đứng ra mua lại tàu sân bay giùm Trung Quốc tố cáo chính phủ nước này không hoàn trả chi phí, khiến ông lâm vào cảnh khó khăn.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hiện nay - Ảnh: AFPTàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc hiện nay - Ảnh: AFP
Trong 2 ngày qua, tờ South China Morning Post (SCMP) đăng loạt bài chi tiết về thương vụ mua sắm tàu sân bay Varyag từ Ukraine cho hải quân Trung Quốc cách đây gần 2 thập niên để cải tạo thành tàu Liêu Ninh. Tờ báo dẫn lời doanh nhân Từ Tăng Bình đang làm ăn ở Hồng Kông cho hay ông là người được hải quân Trung Quốc chọn để thực hiện sứ mệnh bí mật vào năm 1996. Ông Từ không nói rõ lý do vì sao ông là người được chọn, nhưng theo SCMP, ông từng là đội trưởng đội bóng rổ của Quân khu Quảng Châu hồi cuối thập niên 1970 trước khi đến Hồng Kông mở hoạt động kinh doanh, có quan hệ tốt với nhiều sĩ quan cấp cao của Trung Quốc và một số nước.
Nhiệm vụ bất khả thi
Do không được chính phủ công khai ủng hộ việc mua tàu bởi “tình hình chính trị lúc đó”, hải quân Trung Quốc cảnh báo ông Từ về 2 trở ngại lớn: hải quân thiếu vốn nghiêm trọng và không có sự hỗ trợ từ trung ương cho dự án này. Nếu nhận nhiệm vụ, ông Từ phải chấp nhận rủi ro liên quan đến chính sách của chính phủ. “Tôi nhận ra rằng đó là nhiệm vụ bất khả thi vì mua những thứ như tàu sân bay là việc quốc gia, không phải của một công ty hay một cá nhân. Nhưng tình cảm đã khiến tôi nhận nhiệm vụ vì đó là cơ hội có một không hai cho Trung Quốc mua tàu sân bay mới từ một xưởng ở Ukraine sắp vỡ nợ”, ông Từ kể lại.
Bắt đầu thực hiện nhiệm vụ mới, ông Từ thuê nhiều kỹ sư hàng hải và chuyên gia, lập văn phòng cho họ ở thủ đô Kiev (Ukraine) để phục vụ việc mua tàu. Do xưởng tàu không muốn bán tàu Varyag cho mục đích quân sự, nhóm ông Từ bịa với Ukraine rằng họ sẽ biến tàu này thành sòng bạc và khách sạn nổi lớn nhất thế giới. Để lấy lòng tin của giới chức Ukraine, ông Từ lập một công ty “ma” ở Macau và chi gần 800.000 USD để có được những thủ tục cần thiết cho sòng bạc.
Đến tháng 1.1998, ông Từ bay đến Ukraine thương lượng với chủ xưởng tàu và giới chức nước này. Ông kể rằng sau vài ngày chi số lượng lớn USD cho ban quản lý xưởng và tổ chức các buổi tiệc xa hoa, chủ xưởng tàu và giới chức Ukraine mới đồng ý bán tàu Varyag cùng toàn bộ bản thiết kế quan trọng với giá 20 triệu USD. Tuy nhiên, đến giữa tháng 2, giới chức Ukraine lại thông báo rằng tàu sân bay Varyag sẽ được bán đấu giá công khai và các bên muốn tham gia chỉ có 3 ngày để nộp hồ sơ. Nhờ sự giúp đỡ của “những người bạn Ukraine”, ông Từ là bên duy nhất có thể nộp hồ sơ đúng hạn và đáp ứng một số yêu cầu quan trọng. Đến ngày 19.3.1998, ông Từ vượt qua các đối thủ từ Mỹ, Úc, Hàn Quốc và Nhật Bản với mức giá đã trả, 20 triệu USD.
Còng lưng trả nợ
Chính thương vụ này khiến ông Từ rơi vào tình cảnh khó khăn về tài chính và mắc nợ do không được Bắc Kinh hoàn tiền. Ông Từ khẳng định với SCMP: “20 triệu USD chỉ là tiền đấu giá tàu sân bay. Thực tế, tôi đã chi ít nhất 120 triệu USD cho thương vụ từ năm 1996 - 1999. Nhưng tôi chưa nhận được một xu nào từ chính phủ”. Để có số tiền nói trên, ông bán một lâu đài, cầm cố một khu bất động sản ở Hồng Kông, mượn tiền từ nhiều người quen ở Hồng Kông, trong đó một người bạn cho mượn gần 30 triệu USD. “Tôi phải trả món nợ này 18 năm, gồm cả vốn lẫn lãi và trong năm nay sẽ trả hết phần còn lại”, ông Từ chia sẻ với SCMP.
Theo một cuốn sách về tàu sân bay của Trung Quốc, ông Từ đã cố thương lượng với chính phủ Trung Quốc để được hoàn lại số tiền ông chi cho việc mua tàu, nhưng Bắc Kinh chỉ hứa trả 20 triệu USD tiền đấu giá, đồng thời nhấn mạnh ông sẽ được hoàn trả những chi phí khác nếu có hóa đơn. “Thật là lố bịch và không công bằng. Làm sao những người Ukraine cấp hóa đơn cho các bữa ăn sang trọng, quà cáp, những nắm USD được chi ra?”, một người liên quan đến vụ việc bức xúc nói với SCMP.
Còn theo ông Từ, chính phủ Trung Quốc từ chối trả số tiền trên vì “hải quân không có ngân sách trong cuối thập niên 1990 do kinh tế Trung Quốc lúc đó chưa phát triển”. Ông Từ khẳng định đó không phải là “lý do chính đáng”, chỉ ra rằng vào thập niên 1960, lúc “kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn nhất”, nước này vẫn phát triển bom nguyên tử và đưa phi thuyền không người lái đầu tiên vào không gian.
Hành trình về nước
Sau khi mua được tàu, ông Từ còn đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn khác là kéo chiếc tàu về tỉnh Liêu Ninh vào tháng 6.1999. Quá trình kéo tàu, do một công ty Hà Lan đảm trách, diễn ra suôn sẻ cho đến khi đội tàu tới eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là thành viên NATO. Giới chức nước này không cho phép đội tàu đi qua eo biển vì quan hệ Mỹ - Trung khi đó đang căng thẳng. Đội tàu kéo phải nằm chờ một tháng trước khi quay trở lại Ukraine. Đến tháng 8.2001, hơn 1 năm sau khi Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân thăm Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ mới cho phép đội tàu kéo đi qua. Đến tháng 3.2002, tàu Varyag mới về tới Liêu Ninh. Sau hơn một thập niên được tu bổ, tàu Varyag được đổi tên thành Liêu Ninh và giao cho hải quân Trung Quốc hồi tháng 9.2012.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.