Khủng hoảng thực sự ở mức nào?
Lúc này tại Philippines, bất cứ nơi nào có gạo của chính phủ được bán với giá trợ cấp, người ta lại xếp hàng dài để đợi mua. Chính phủ thì đang ráo riết tìm các nguồn gạo trên thị trường quốc tế để bổ sung vào nguồn lương thực quốc gia. Từ trước đến nay, Philippines luôn phải nhập gạo và là nước nhập gạo lớn nhất thế giới. Không giống như nước láng giềng Thái Lan và Việt Nam, 2 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, các đời chính phủ ở Philippines luôn thất bại trong việc đầu tư vào nông nghiệp. Việc mua gạo trên thị trường quốc tế đã trở nên khó khăn hơn. Dù sao Chính phủ Philippines cũng đã nhanh chóng ký một thỏa thuận hồi đầu năm nay với Việt Nam để mua 1,5 triệu tấn gạo. Tính cả các thỏa thuận khác, năm nay Philippines sẽ phải nhập 2,7 triệu tấn gạo - nhiều hơn nhu cầu của nước này. Thế nhưng, bằng cách công bố thông tin này và kêu gọi các biện pháp tiết kiệm gạo khác như giảm khẩu phần cơm trong các nhà hàng, Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo có lẽ đã vô tình làm cho cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn những gì xảy ra trên thực tế.
Những người dân thường ở Philippines khi thấy giá gạo trên thị trường tăng cùng những phản ứng kể trên từ chính phủ đã bắt đầu náo loạn. Họ đi mua gạo về nhà dự trữ. Nghiêm trọng hơn, những người bán bắt đầu đầu cơ một số lượng gạo rất lớn với hy vọng kiếm lời từ việc giá gạo tăng vùn vụt. Tổng thống Arroyo đã phải thiết lập ngay một đội đặc nhiệm chống đầu cơ và buôn lậu gạo. Các chiến dịch truy quét được thực hiện và nhằm vào các nhà kho khả nghi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra hoài nghi rằng, việc Tổng thống Arroyo phóng đại cuộc khủng hoảng gạo này là nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi hàng loạt các cáo buộc tham nhũng đang làm rung chuyển chính phủ của bà. Nếu đúng như vậy thì đây là một chiến lược đầy rủi ro, bởi trong trường hợp chính phủ không cung cấp đủ lương thực cho người dân, mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn. Nếu chỉ mua lượng gạo vừa đủ trên thị trường quốc tế để lấp đầy trở lại kho gạo của chính phủ thì cũng ngốn mất 1% GDP của Philippines trong năm nay và gây ra một vết lõm lớn trong ngân sách.
Tập trung phát triển nông nghiệp
Cuộc khủng hoảng gạo cũng làm dấy lên tranh cãi quanh câu hỏi: Tại sao Philippines chưa bao giờ có thể tạo ra nguồn lương thực vừa đủ cho mình ? Chính phủ Philippines vừa mới đưa ra một chương trình hành động để nền nông nghiệp nước này trở nên hữu ích hơn. Nông dân thì đang mong cho hệ thống tưới tiêu tốt hơn, khi đó họ sẽ thu hoạch 3 - 4 mùa vụ một năm chứ không phải 2 vụ như hiện nay. Bộ trưởng Nông nghiệp Arthur Yap một mặt công nhận nông nghiệp đã không được ưu tiên trong quá khứ, nhưng cũng chỉ ra rằng lĩnh vực này đã có những tiến bộ trong thời gian qua khi lượng gạo thu hoạch tăng 5% một năm.
Tuy nhiên theo BBC, con số này có lẽ không đáp ứng đủ nhu cầu khi mà dân số ở Philippines đang tăng nhanh, hơn rất nhiều quốc gia ở châu Á khác. Dân số cũng là một lý do gây tranh luận qua cuộc khủng hoảng gạo này cũng như vai trò của Giáo hội Thiên chúa trong việc ngăn cản chương trình kế hoạch hóa gia đình. Vào năm 1990, dân số của Philippines đã là 60 triệu người. Hiện nay, dân số nước này đã đạt đến con số 90 triệu. Ông Yap cho hay hiện 80% dân số Philippines chi 60% thu nhập cho thực phẩm và 40% trong số này là để mua gạo.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cho hay, tình hình giá lương thực tăng cao như hiện hay có thể đẩy khoảng 100 triệu người ở các nước nghèo lún sâu hơn vào đói kém. Lời cảnh báo của WB theo sau thông báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nói rằng, hàng trăm ngàn người đang nằm trong nguy cơ thiếu ăn. BBC dẫn lời Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn nói hôm 12.4 rằng tình trạng giá lương thực tăng mạnh như hiện nay có thể dẫn tới một hậu quả khốc liệt. Theo Bloomberg, tính đến tháng 3.2008, giá lúa mì trên thế giới tăng 130%, đậu nành tăng 87%, gạo là 74% và ngô là 31%. Ông Zoellick cũng kêu gọi viện trợ thêm lương thực cho những nước nghèo; mặt khác ông kêu gọi các nước giàu nhanh chóng quyên góp để bù đắp vào khoản thâm hụt ngân quỹ ước tính 500 triệu USD của Chương trình Lương thực thế giới. Ngoài ra, "Thỏa thuận mới về chính sách lương thực toàn cầu" vừa được WB và bộ trưởng phát triển của các nước thông qua tại Washington (Mỹ) cũng sẽ giúp tăng cường các chính sách nông nghiệp ở các nước nghèo trong thời hạn dài hơn. |
Việt Phương (VP Bangkok)
Bình luận (0)