Đằng sau một thương vụ

16/03/2018 06:31 GMT+7

Ngày 25.12.2015, MobiFone ký 8 hợp đồng với AVG mua 95% cổ phần của công ty này với giá 8.889,8 tỉ đồng.

Ngay trong ngày, MobiFone phải thế chấp tài sản, vay vốn ngân hàng để chỉ trong vòng hơn hai tuần, chuyển trả cho AVG 8.445,3 tỉ đồng, bằng 95% giá trị của hợp đồng (ngày 28.12.2015 trả lần một, 30%; ngày 14.1.2016 trả lần hai, 65%).
Vấn đề lớn nhất của thương vụ MobiFone vẫn là giá. Quy trình thực hiện thương vụ này có vẻ như rất chặt chẽ: MobiFone chọn các công ty thẩm định giá "độc lập"; đàm phán với AVG; Bộ TT-TT lập "Tổ thẩm định giá" do Thứ trưởng Trương Minh Tuấn "trực tiếp chỉ đạo...". Tuy nhiên, bản thân việc 3 công ty thẩm định đưa ra mức giá chênh lệch nhau hàng chục ngàn tỉ đồng và giá mua cuối cùng vẫn "cao gấp 7 lần giá vốn" là điều cần phải làm rõ.
Bằng cách nào mà các chuyên gia thẩm định giá có thể đưa giá một tài sản lên hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ khi mà, theo sổ sách kế toán của chính AVG, trị giá tài sản phần truyền hình mà MobiFone mua chỉ là 629 tỉ đồng trong khi hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này của AVG đã lỗ gấp 3 lần vốn: lỗ lũy kế 1.600 tỉ; năm 2013, lỗ 473,2 tỉ; năm 2014, lỗ 323,1 tỉ; năm 2015, lỗ 416,7 tỉ đồng...
Bản chất vấn đề MobiFone là một doanh nghiệp, lấy hiệu quả kinh doanh làm đầu; việc ủng hộ MobiFone làm truyền hình không phải là một chủ trương sai. Nhưng diễn biến vụ việc cho thấy hậu quả và nguy cơ của những quyết định không tính đến hiệu quả đầu tư từ một doanh nghiệp nhà nước dùng đồng vốn có nguồn gốc nhà nước
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.