Người sáng lập đồng thời là Chủ tịch hãng PIP Jean-Claude Mas đã không ngần ngại dùng các biện pháp thiếu minh bạch để tăng lợi nhuận.
Trái với một số nhầm lẫn ban đầu, Interpol vừa khẳng định lệnh truy nã ông Mas mới đây không liên quan đến vụ bê bối túi nâng ngực ảnh hưởng hàng chục ngàn người ở châu u và trên thế giới. Ông bị truy nã do từng lái xe trong tình trạng say rượu tại Costa Rica vào tháng 6.2010 và bị tuyên phạt 3 năm tù giam nhưng không chấp hành. Tuy vậy, vụ này một lần nữa cho thấy “lý lịch” đáng ngờ của ông chủ hãng PIP.
Quá khứ hàng thịt
Theo Đài phát thanh Europe 1, ông Jean-Claude Mas trước khi thành lập hãng PIP tại tỉnh Var (đông nam nước Pháp) từng là người bán thịt, một “nghề nghiệp” không hề liên quan đến ngành y. Trả lời đài Europe 1, bác sĩ thẩm mỹ Patrick Baraf cho biết là người quen lâu năm và vẫn thường gặp ông Mas tại các hội thảo về sản phẩm y tế. Trong thập niên 1980, nhà sản xuất túi nâng ngực mới toanh này không ngần ngại ca ngợi sản phẩm của mình và lớn tiếng đả kích các đối thủ. Sau một thời gian chập chững sản xuất túi nâng ngực ở quy mô nhỏ, ông Mas chính thức thành lập hãng PIP vào năm 1991. Đến giữa thập niên 2000, hãng này phát triển mạnh mẽ, đứng đầu Pháp và xếp thứ 3 thế giới về túi nâng ngực với khoảng 100.000 túi/năm. Theo Le Figaro, 84% số này được xuất ra hơn 65 nước trên thế giới. Nam Mỹ là thị trường lớn nhất, tiếp đó là Tây u cùng một số nước châu Á như Iran, Nhật Bản, Trung Quốc, UAE…
|
Túi nâng ngực của PIP bán “đắt như tôm tươi” là nhờ có giá khá rẻ so với các sản phẩm khác. Khi bị đe dọa bởi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các hãng châu Á, ông Mas đã đề ra chiến lược vô lương tâm: thay silicon tiêu chuẩn bằng silicon “lỗi thời”, chỉ còn được dùng trong công nghiệp nhưng giá rẻ hơn 10 lần. Hành động này giúp PIP tiết kiệm được khoảng 1 triệu euro/năm và đến năm 2008 vẫn còn đạt doanh số 10 triệu euro.
Sụp đổ
Lối kinh doanh kinh hoàng của PIP bắt đầu mang lại hậu quả từ đầu năm 2008 khi hàng trăm phụ nữ Anh đâm đơn kiện vì túi nâng ngực của họ bị thấm nứt. Thời điểm ấy, Le Figaro dẫn lời luật sư Yves Haddad của ông Jean-Claude Mas cho biết hãng này bị phạt 1,4 triệu euro vì “không trình diện trước tòa”. Đầu năm 2010, đến lượt Cơ quan An ninh sản phẩm y tế Pháp (Afssaps) cảnh báo nguy cơ nứt vỡ cao gấp đôi so với tiêu chuẩn và chính thức rút giấy phép lưu hành, đồng thời thu hồi túi nâng ngực PIP từ cuối tháng 3.2010. Kết quả thanh tra của Afssaps cho thấy hãng PIP “sử dụng silicon khác với loại đã kê khai trong hồ sơ”. Tòa án Marseille cũng bắt đầu mở cuộc điều tra công ty của ông Jean-Claude Mas với các cáo buộc “gian lận chất lượng sản phẩm, quảng cáo sai sự thật và gây nguy hiểm cho người khác”. Liên tục bị tố cáo, điều tra, hãng PIP phải tuyên bố phá sản vào tháng 3.2010.
Năm ngoái, hầu hết các nước đều đã ra lệnh thu hồi túi PIP. Mới đây, sau khi có 9 trường hợp bệnh nhân mang sản phẩm này bị ung thư được báo cáo với Afssaps, Pháp chính thức khuyến cáo 30.000 phụ nữ từng được ghép túi PIP cần phẫu thuật tháo bỏ ngay. Toàn bộ chi phí (khoảng 60 triệu euro) sẽ do bảo hiểm y tế nhà nước chi trả. Tính đến nay, theo đài Europe 1, ông Jean-Claude Mas chỉ phải trình diện cảnh sát 1 lần vào năm 2010 nhưng chắc chắn thời gian sắp tới ông sẽ phải ra vô các cơ quan điều tra thường xuyên hơn. Hiện Tòa án Marseille đã nhận được 2.172 đơn kiện về tình trạng thấm nứt của túi PIP. Ngày 24.12, Quỹ Bảo hiểm sức khỏe quốc gia của Pháp cũng thông báo sẽ đưa PIP ra tòa vì “gian lận và lừa đảo nghiêm trọng”.
Hiện đang có tin đồn “ông hàng thịt” Mas đã trốn sang Nam Mỹ nhưng Le Figaro dẫn lời luật sư Haddad khẳng định thân chủ của mình vẫn đang ở tỉnh Var.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)