(TNO) Bóng đá Tây Ban Nha đang trải qua giai đoạn rất thành công. Tuy nhiên, đằng sau sự hào nhoáng đó là một mảng tối ít ai biết.
>> Ronaldo lập hat-trick trong trận derby thành Madrid
>> Barca chỉ còn kém Real 1 điểm
>> Nóng bỏng cuộc đua vô địch
|
Mùa bóng này, Real Madrid và Barcelona là hai đại diện của La Liga có mặt ở bán kết Champions League. Bên cạnh đó, ba đội bóng khác của xứ sở đấu bò tót vào đến bán kết Europa League.
Tuy nhiên, theo một báo cáo mới đây đây mà AFP có được, các đội bóng hàng đầu của Tây Ban Nha đều đang ngập trong nợ nần.
Trên bảng xếp hạng La Liga, Real Madrid đang hơn Barcelona 4 điểm. Về lĩnh vực nợ nần, đội bóng Hoàng gia này cũng tỏ ra trội hơn so với kình địch. Hiện Real đang có khoản nợ 589 triệu euro trong khi số nợ của Barca “chỉ” là 578 triệu euro.
Các khoản nợ này còn lớn hơn mức doanh thu trong mùa giải 2010-2011 mà hai đội công bố. Trong mùa giải vừa qua, Real có doanh thu 479 triệu euro, còn Barcelona thu về 450 triệu euro.
Bên cạnh Real và Barca, hai đội bóng đã vào bán kết Europa League là Valencia cùng Atletico Madrid cũng đang ở trong tình trạng nợ nần chồng chất. Khoản nợ của Valencia là 382 triệu euro, còn Atletico Madrid nợ 514 triệu euro.
Không chỉ vậy, các đội bóng hàng đầu tại Tây Ban Nha còn là những con nợ “cỡ bự” của cơ quan thuế nước này. Tổng cộng số tiền thuế mà các đội bóng tại La Liga chưa đóng là 752 triệu euro. Đây là một điều hết sức vô lý trong bối cảnh Tây Ban Nha đang có 5 triệu người thất nghiệp và chính phủ đang kêu gọi người dân thắt lưng buộc bụng.
|
Tình trạng tài chính của bóng đá Tây Ban Nha càng tồi tệ hơn khi có 6 đội bóng ở La Liga (Rayo Vallecano, Racing Santander, Real Betis, Zaragoza, Granada và Mallorca) cùng 6 đội khác ở hạng nhất đang làm thủ tục xin phá sản.
Theo bản nghiên cứu mà AFP có được, tổng số nợ của tất cả các đội bóng Tây Ban Nha lên đến 3,5 tỉ euro. “Bóng đá đã phản ánh nền kinh tế của Tây Ban Nha. Trong nhiều năm, chúng tôi đã chi tiêu nhiều hơn nhu cầu và ngày càng lún sâu vào nợ nần.
Bóng đá cũng vậy. Trong nhiều năm, các đội bóng cũng đầu tư rất nhiều tiền mà không có hiệu quả. Việc họ trở thành những con nợ lớn là điều đương nhiên”, giáo sư Jose Maria Gay de Liebana của Trường đại học Barcelona nhận xét.
Một ví dụ cho việc đầu tư thiếu khôn ngoan là dự án xây dựng sân vận động mới của CLB Valencia vào năm 2007. Mặc dù chỉ có 39.000 cổ động viên mua vé cả mùa nhưng đội này lại muốn xây một sân có sức chứa 70.000 khán giả.
Dự án đó tiêu tốn 300 triệu euro và ban lãnh đạo Valencia dự định sẽ lấy tiền từ việc bán sân vận động Mestalla. Tuy nhiên, hai năm sau, khi tình hình kinh tế bắt đầu khó khăn, dự án đó đã bị dừng lại bởi họ không thể tìm ra đối tác mua sân Mestalla.
Tân Lam
Bình luận (0)