Đằng sau “trỗi dậy hòa bình” là tham vọng

11/06/2011 01:15 GMT+7

Trao đổi với Thanh Niên sau các vụ việc tàu TQ gây hấn, phá hoại cáp thăm dò của Tập đoàn dầu khí quốc gia VN trong vùng biển thuộc chủ quyền của VN vừa qua, đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng phòng Thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược quân sự (Bộ Quốc phòng) nhận định:

* Khởi đầu cho mưu đồ kiểm soát toàn bộ biển Đông
* Hành động nguy hiểm và vô ích của Trung Quốc
* Vấn đề biển Đông tại Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN
* Mỹ đưa tàu chiến tới Tây Thái Bình Dương

 

Tàu Trung Quốc (phía xa) tham gia vụ phá hoại tàu Viking II hôm 9.6 (ảnh chụp từ tàu Viking II - Ảnh: Petrotimes) 

Kể từ thời kỳ lãnh đạo đầu tiên lên nắm quyền đến nay, tư tưởng xuyên suốt của Trung Quốc (TQ) vẫn luôn là độc chiếm biển Đông. TQ đã xác định trước sau cũng sẽ giải quyết biển Đông, vấn đề chỉ là thời điểm mà thôi.

Trong những năm qua TQ duy trì môi trường hòa bình, ổn định nhằm phát triển kinh tế và luôn cố gắng xây dựng hình ảnh tốt đẹp. Trong khi thực thi chính sách “giấu mình chờ thời”, TQ vẫn âm thầm thực hiện chiến lược của họ đối với biển Đông. Đến nay dường như TQ cho rằng mình đã có đủ sức mạnh để bắt đầu thể hiện vai trò nước lớn của mình. Trước nay TQ vẫn luôn nói là “trỗi dậy hòa bình” nhưng các vụ việc vừa qua thấy đằng sau cái gọi là “trỗi dậy hòa bình” chính là tham vọng đối với biển Đông của TQ.

"Một mặt Trung Quốc vừa tuyên bố chủ trương hòa bình, hữu nghị nhưng mặt khác lại tạo ra các hoạt động gây hấn, tạo áp lực, đi ngược lại hoàn toàn với các tuyên bố của mình"

Điều khiến dư luận quốc tế bất ngờ nhất là việc họ không chỉ ráo riết phát triển lực lượng hải quân, xây dựng các căn cứ quân sự trong khu vực biển Đông mà còn ngang nhiên xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia trong khu vực. Tất nhiên ngay một lúc TQ không thể thực hiện mưu đồ này mà phải leo thang từng bước. Những việc họ đang làm là nhằm tạo dư luận, biến vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp, áp đặt “đường lưỡi bò” phi lý.

Sau vụ cắt cáp tàu Bình Minh 02 hôm 26.5, phía TQ đã tuyên bố đây là các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của TQ. Sau vụ cản phá tàu Viking II, TQ cũng đã vu cáo rằng tàu cá của họ bị tàu vũ trang VN xua đuổi và hành động này đã gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sự an toàn của các ngư dân TQ. Những hành động và tuyên bố này của TQ được dư luận đánh giá là “vừa ăn cướp vừa la làng”. Các hãng tin và tờ báo lớn của thế giới như AFP, Reuters, BBC, Financial Times... đều nhìn nhận TQ đang có các động thái chưa từng có, làm tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng.

Điều có thể thấy rõ là sách lược của TQ trước sau vẫn không thay đổi. Một mặt họ vừa tuyên bố chủ trương hòa bình, hữu nghị nhưng mặt khác lại tạo ra các hoạt động gây hấn, tạo áp lực, đi ngược lại hoàn toàn với các tuyên bố của mình. Đây là điều TQ không chỉ thực hiện ở biển Đông mà còn là sách lược chung được họ sử dụng đối với các nước láng giềng. Đơn cử như việc mặc dù đã ký hiệp định biên giới với Nga nhưng TQ vẫn liên tục đẩy người, gây ảnh hưởng sang khu vực Viễn Đông - Siberia của Nga. Khi Nga phản đối, TQ nói đây không phải là chủ trương mà là do ở cấp dưới thực hiện.

 Trong khi VN cũng như các nước láng giềng luôn chủ trương hòa bình, hữu nghị thắt chặt quan hệ với TQ thì trong nhiều năm vừa qua thông qua nhiều cách thức khác nhau TQ thường xuyên tuyên truyền cho chủ quyền bất hợp pháp của họ trong đó có chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay cả trong thời điểm chưa có những hành động gây hấn như hiện nay nhưng TQ đã chuẩn bị dư luận xã hội cho người dân TQ rằng “...biển Nam Trung Hoa (biển Đông) là vùng biển của TQ bị các nước khác chiếm đoạt, thành ý duy trì hòa bình của TQ ở biển Đông bị nước ngoài lợi dụng...”. Trên các trang mạng của TQ đầy rẫy các bài viết mang tư tưởng hận thù, kích động bạo lực đối với các quốc gia lân cận và về vấn đề biển Đông.

 

Giàn khoan khổng lồ của Trung Quốc đang chuẩn bị đưa ra biển Đông - Ảnh: Shanghaidaily 

Sau những sự kiện vừa qua, VN và ASEAN cần lên án mạnh mẽ các hành động và chủ trương của TQ. Chúng ta cần thiết có sự tuyên truyền rộng khắp trong và ngoài nước về vấn đề này, tận dụng và khai thác các diễn đàn quốc tế để làm cho dư luận quốc tế hiểu được mưu đồ độc chiếm biển Đông của TQ.

Nguyên Phong (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.