Đang tìm kiếm 16 ngư dân mất tích ở Gaven, Trường Sa

14/05/2015 17:58 GMT+7

** Việt Nam theo dõi, sẵn sàng ứng phó Giàn khoan Hải Dương-981 (TNO) Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao chiều nay 14.5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định các cơ quan chức năng của Việt Nam đang khẩn trương tìm kiếm 16 ngư dân đảo Lý Sơn bị mất tích khi đang đánh cá gần đảo Gaven, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

(TNO) Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao chiều nay 14.5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang khẩn trương tìm kiếm 16 ngư dân đảo Lý Sơn bị mất tích khi đánh cá gần đảo Gaven, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

bo-ngoai-giaoNgười phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình - Ảnh: Lê Quân
Theo thông tin Thanh Niên Online tìm hiểu, trong ngày 5.5 vừa qua, chủ một tàu cá tên Dương Minh Thạnh ở huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi liên lạc từ ngư trường Trường Sa về cho biết, trong các ngày 4 - 5.5, tàu cá của ngư dân Nguyễn Thành Châu (ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) với 16 ngư dân trên tàu đang khai thác hải sản tại đảo Gaven, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất ngờ bị hỏng máy tàu.
Khi đang nỗ lực đưa tàu cập đảo đá Gaven để sửa chữa thì bị lực lượng chức năng Trung Quốc đi trên ca nô xua đuổi, không cho tàu bị nạn cập đảo đá. Do không liên lạc được với đất liền nên các ngư dân đã liên lạc với tàu của ông Thạnh đề nghị ứng cứu trong tình trạng bị trôi dạt trên biển. Tuy nhiên, đến nay, 16 ngư dân trên tàu cá này vẫn mất tích.
Tại cuộc họp báo Bộ Ngoại giao chiều nay, ông Lê Hải Bình cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đang khẩn trương tìm kiếm 16 ngư dân này.
Cũng liên quan đến quần đảo Trường Sa, trả lời câu hỏi của hãng thông tấn AP về phản ứng của Việt Nam khi một số bức ảnh vệ tinh chụp thể hiện việc Việt Nam mở rộng các đảo Đá Tây, Sơn Ca, xây dựng một số cấu trúc quân sự trên các đảo này thuộc quần đảo Trường Sa; đồng thời, ảnh vệ tinh cũng thể hiện việc Trung Quốc mở rộng 7 đảo đá chìm ở quần đảo Trường Sa, điển hình là đảo đá Chữ Thập, ông Lê Hải Bình khẳng định: "Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Các hoạt động nhằm cải thiện các cơ sở vật chất trên quần đảo Trường Sa để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của con người trên các cấu trúc mà Việt Nam đang quản lý tại quần đảo Trường Sa là hoàn toàn bình thường, phù hợp với luật pháp, tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC); không làm tổn hại môi trường, không làm phức tạp tình hình khu vực. Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại biển Đông".
Việt Nam theo dõi chặt chẽ giàn khoan HD-981
Bình luận về thông tin trên trang web của Cục Hải sự Trung Quốc là giàn khoan Hải Dương 981 sẽ hoạt động ở vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở khu vực Hoàng Sa từ ngày 16.5, ông Lê Hải Bình cho hay, đại diện Cảnh sát biển đã trả lời rất đầy đủ báo chí về vấn đề này. Trong đó nhấn mạnh Việt Nam luôn theo dõi chặt chẽ, đồng thời đã có chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra trên biển.
“Việc duy trì hòa bình, an ninh hàng hải, hàng không ở khu vực Biển Đông là nguyện vọng, lợi ích chung của các nước trong khu vực. Chúng tôi mong muốn các bên liên quan và các quốc gia trong khu vực nỗ lực đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, không có những hành động làm phức tạp tình hình. Mọi hoạt động của các bên liên quan cần tôn trọng luật pháp quốc tế, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia trên Biển Đông và tuân thủ nghiêm túc DOC”, ông Bình nói.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc thăm Việt Nam
Theo ông Lê Hải Bình, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon và phu nhân sẽ đến thăm Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ ngày 22 - 23.5.
Qua chuyến thăm lần này của Tổng thư ký Liên hiệp quốc, Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ giữa hai bên và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Liên hiệp quốc về chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 trong các lĩnh vực: bảo vệ môi trường, giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki Moon sẽ chào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dự lễ khánh thành ngôi nhà chung của Liên hiệp quốc và gặp gỡ các cơ quan của Liên hiệp quốc tại Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.