Đàng trong qua khảo cứu nước ngoài: Cách ăn mặc của người Đàng Trong

20/07/2016 08:00 GMT+7

Về y phục thì như chúng tôi đã nói, tơ lụa rất thông dụng ở xứ Đàng Trong đến nỗi ai cũng mặc hàng tơ lụa. Bây giờ chỉ nói về cách họ mặc mà thôi.

Trang phục nhiều màu sắc
Bắt đầu từ phái nữ, cách mặc của họ tôi vẫn coi là giản dị hơn khắp cõi Ấn Độ, vì họ không để lộ một phần nào trong thân thể, ngay cả trong mùa nóng bức nhất. Họ mặc tới năm hay sáu váy lụa trơn, cái nọ chồng lên cái kia và tất cả có màu sắc khác nhau. Cái thứ nhất phủ dài xuống chấm đất, họ kéo lê rất trịnh trọng, khéo léo và uy nghiêm. Sau đó là cái thứ hai ngắn hơn cái thứ nhất chừng bốn hay năm đốt ngón tay, rồi tới cái thứ ba ngắn hơn cái thứ hai và cứ thế trong số còn lại theo tỷ lệ cái nọ ngắn hơn cái kia, để cho các màu sắc đều được phô bày trong sự khác biệt của mỗi tấm. Đó là thứ phái nữ mặc từ thắt lưng xuống bên dưới. Còn trên thân mình thì họ khoác vắt chéo như bàn cờ với nhiều màu sắc khác nhau, phủ lên trên tất cả một tấm voan rất mịn và rất mỏng cho người ta nhìn qua thấy tất cả màu sặc sỡ chẳng khác mùa xuân vui tươi và duyên dáng, nhưng cũng không kém trịnh trọng, giản dị.
Họ để tóc xõa, có người để tóc dài chấm đất, càng dài càng được coi là đẹp. Họ đội trên đầu một thứ mũ lớn riềm rộng che hết mặt khiến họ chỉ có thể trông xa hơn ba hay bốn bước trước mặt họ. Thứ mũ đó cũng đan bằng lụa và kim tuyến tùy theo gia thế của từng người. Phép xã giao không buộc người phụ nữ làm gì khác khi phải chào hỏi những người mình gặp, ngoài việc cất nón đủ để trông thấy mặt.
Đàn ông thì không nai nịt, nhưng quàng cả một tấm vải, rồi cũng thêm năm hay sáu áo dài và rộng. Tất cả đều bằng lụa màu sắc khác nhau với ống tay rộng và dài. Còn từ thắt lưng trở xuống thì tất cả đều sắp đặt các màu rất khéo và rất đẹp. Thế nên khi ra phố thì họ phô trương màu sắc hài hòa, nếu có gió nhẹ thổi từ bên trong làm tung bay thì thực ra có thể nói như là những con công xoay tròn khoe màu sắc đẹp của mình.
Các văn nhân và tiến sĩ thì ăn mặc trịnh trọng hơn, không màu mè lòe loẹt. Họ choàng lên trên tất cả một áo dài đen. Họ còn khoác một thứ khăn quấn cổ và ở cổ tay một khăn bằng lụa màu da trời, còn đầu thì thường đội một thứ mũ kiểu như mũ giám mục. Cả đàn ông đàn bà đều ưa cầm quạt rất giống như ở châu Âu. Họ cầm là cầm lấy lệ thôi. Người châu Âu chúng ta khi để tang thì mặc đồ đen, còn họ dùng màu trắng. Khi họ chào nhau, không bao giờ họ cất nón cất mũ, cho đó là không lịch sự, cũng giống như người Tàu, họ cho đó là không phải phép đối với người thế gia và rất vô lễ. Vì thế, để cho hợp với họ các cha dòng chúng tôi đã thấy cần phải được Đức thánh cha Giáo hoàng Phaolô V cho phép dâng thánh lễ đầu đội mũ trong những miền đất này.
Người quý phái để tóc dài, móng tay dài
Đàn ông cũng để tóc dài như đàn bà, cho xõa tóc tới gót chân và cũng đội nón. Người có râu thì hiếm, họ không bao giờ cắt. Về điểm này, họ làm theo người Tàu. Họ còn để móng tay dài. Người quý phái không bao giờ cắt, nhưng cứ để dài, coi đó như dấu hiệu của sự quý phái, và để mình khác biệt với thường dân và thợ thuyền - những người không để móng tay dài được vì vướng víu trong khi hành nghề, tỷ như kỵ mã nếu để móng tay dài thì không sao nắm chặt dây cương trong lòng bàn tay. Họ không thể thưởng thức cách cắt tóc ngắn và cắt móng tay của chúng ta, họ đưa lý do là thiên nhiên ban cho các thứ đó để trang trí bản thân con người. Có lần nói chuyện về tóc, họ bắt bẻ chúng ta và không dễ gì đáp lại được. Họ nói, nếu Đức Chúa cứu thế mà các ông khoe là các ông bắt chước hết mọi việc người làm, nhưng chính người để tóc dài theo kiểu người Na gia rét, như chính các ông quả quyết và cho chúng tôi coi hình ảnh, thì tại sao các ông không làm theo như người. Họ nói thêm để cho có thế lực hơn nữa là đấng cứu thế còn để tóc dài, như vậy là người muốn cho chúng ta biết đó là cách tốt nhất. Nhưng họ cũng hài lòng khi chúng tôi trả lời là bắt chước không phải là làm theo một cách lố lăng.
Sau cùng người Đàng Trong không đi dép cũng không đi giày, cùng lắm thì họ chỉ mang một miếng da buộc mấy dây lụa và khuy trên mu bàn chân như kiểu xăng đan của ta để cho bàn chân không bị gai hay vật nhọn đâm. Họ cho rằng đi chân không không phải là không biết cách ăn ở, họ đi dép hay đi chân không thì chân họ vẫn lấm bẩn, họ biết lắm, nhưng họ không ngại vì trước nhà họ bao giờ cũng có một chậu đầy nước để rửa chân. Còn kẻ đi dép thì phải để dép ở ngoài lúc ra mới xỏ vào, vì trong nhà không cần, họ đã trải chiếu nên họ không sợ bẩn.
(Trích từ Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.