Đang xét xử đại án ‘bầu’ Kiên

20/05/2014 08:13 GMT+7

(TNO) 8 giờ 25 phút, “bầu” Kiên được dẫn giải vào phòng xử. Khác với các bị cáo còn lại phải mặt trang phục xanh, “bầu” Kiên được mặc áo trắng, quần đen, chân đi dép quai hậu đen và không còn bị cùm, nhưng tay vân bị còng.

(TNO) 11 giờ 5 phút, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính đã đọc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá, do mắc bệnh hiểm nghèo.

>> Ngày mai mở xét xử lại vụ 'bầu' Kiên
>> Hoãn xử vụ ‘bầu’ Kiên do ông Trần Xuân Giá không đủ sức khỏe
>> Bầu' Kiên nói mình bị cùm chân trong trại giam
>> Nguyên Bộ trưởng Trần Xuân Giá khai gì về ‘bầu’ Kiên
>> Hình ảnh đầu tiên 'bầu' Kiên tại tòa

11 giờ 5 phút, Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Chính đã đọc quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá, do mắc bệnh hiểm nghèo.

10 giờ 50 phút, chủ tọa phiên tòa nêu quan điểm về việc các bị cáo, luật sư đề xuất triệu tập thêm 1 số người. Về việc này, HĐXX cho rằng, đối với một số người đã triệu tập mà không đến sẽ tiếp tục triệu tập. Với những người triệu tập thêm, Tòa nhận thấy không cần thiết, trong quá trình xét xử nếu cần sẽ bổ sung.

Đối với đề xuất của các luật sư về yêu cầu cho người thân tiếp xúc bị cáo, Chủ tọa cho biết: Tại tòa là thẩm quyền của tòa. Còn ở trại tạm giam là thuộc thẩm quyền của cơ quan công an.

Việc bị cáo Nguyễn Đức Kiên yêu cầu được nhận văn bản pháp luật, hồ sơ vụ án là yêu cầu chính đáng. HĐXX yêu cầu luật sư và các bên liên quan cung cấp tài liệu cho bị cáo.

10 giờ 30 phút, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, không cần thiết triệu tập thêm những người liên quan mà các bị cáo, luật sư đề nghị.

10 giờ 20 phút, “bầu” Kiên kiến nghị: “Tôi là một công dân Việt Nam thì tôi phải có những quyền tự do. Hơn 30 năm công tác trong lĩnh vực kinh doanh, tôi chưa vi phạm pháp luật, chưa tiền án tiền sự. Tôi đề nghị HĐXX cho phép và tạo điều kiện để tôi được trình bày quan điểm và nhận các văn bản quy phạm pháp luật từ luật sư bào chữa. Có văn bản tôi mới trình bày một cách đầy đủ, chính xác nhất, kết thúc mỗi phiên xử tôi sẽ trả lại đầy đủ”.

“Tôi không trốn trách nhiệm, đùn đẩy tội danh... đề nghị Viện Kiểm sát và HĐXX xem xét lại từng hành vi của tôi”, bị cáo Kiên nói.

“Tôi bị bắt 21 tháng rồi nhưng chưa được gặp gia đình mặc dù Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã có ý kiến đồng ý tiếp xúc với người thân.

Trước khi bị dẫn giải ra Tòa, tôi yêu cầu cơ quan điều tra cho tôi được mặc thường phục. Khi tôi không mặc đồng phục trại giam đã bị công an cùm chân tôi. Tôi đề nghị làm rõ việc này và muốn được chuyển lời tới Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang”, bị cáo Kiên nói.

Đối với việc ông Trần Xuân Giá, bị cáo Kiên "đề nghị HĐXX xem xét nếu ông Giá dự được là tốt, nếu vì sức khỏe buộc phải điều trị thì đình chỉ. Tôi đề nghị chưa đình chỉ vụ án đối với ông Trần Xuân Giá. HĐXX vẫn cứ tiến hành trong vòng 10 ngày đầu với các hành vi không liên quan đến bị cáo Trần Xuân Giá. Sau đó sẽ triệu tập ông Giá đến. Nếu sức khỏe vẫn không cho phép thì mới ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Giá".

10 giờ 15 phút: các luật sư tham gia tố tụng cũng đồng ý với quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Trần Xuân Giá do sức khỏe.

10 giờ, được nói lời trước tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đề nghị HĐXX mời đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vì đây là những cơ quan liên quan đến vụ án. Ngoài ra, bị cáo Kiên còn đề nghị mời đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam vì không chỉ liên quan đến bị cáo và còn liên quan đến hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong nước.

Đề nghị triệu tập bà Phạm Tuyết Loan, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam - người soạn thảo văn bản liên quan đến tội danh mà bị cáo bị truy tố. Bên cạnh đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên cũng yêu cầu triệu tập một số người vắng mặt có liên quan vụ án.

8 giờ 45 phút: HĐXX bước vào phần kiểm tra căn cước. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên bước ra vành móng ngựa đầu tiên để khai báo về bản thân. Tiếp sau đó, các bị cáo Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn, Trần Ngọc Thanh và bị cáo Nguyễn Thị Hải Yến trả lời HĐXX về nhân thân.

Riêng bị cáo Trần Xuân Giá vắng mặt vì lý do sức khỏe. 

8 giờ 30 phút: Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định khai mạc phiên xét xử.

8 giờ 25 phút, “bầu” Kiên được dẫn giải vào phòng xử. Khác với các bị cáo còn lại phải mặc trang phục xanh, “bầu” Kiên được mặc áo trắng, quần đen, chân đi dép quai hậu đen và không còn bị cùm, nhưng tay vẫn bị còng.

Đúng 8 giờ 20 phút, các bị cáo được mời vào phòng xử.

 Đang xét xử đại án ‘bầu’ Kiên
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên xử sáng nay 20.5 - Ảnh: Hà An


Bị cáo Lê Vũ Kỳ - Ảnh: Hà An


Bị cáo Trịnh Kim Quang - Ảnh: Hà An


Bị cáo Phạm Trung Cang - Ảnh: Hà An


Bị cáo Lý Xuân Hải - Ảnh: Hà An

8 giờ, những người liên quan, tham gia tố tụng bắt đầu được mời vào phòng xử. Bà Đặng Thị Ngọc Lan, vợ của “bầu” Kiên xuất hiện tại phiên xử với vẻ điềm tĩnh, khuôn mặt trang điểm nhẹ. Khi phát hiện ống kính máy quay chĩa về phía mình, bà Lan liền cúi xuống và đeo vội cặp kính lên mặt.

Đang xét xử đại án ‘bầu’ Kiên
Bà Đặng Thị Ngọc Lan, vợ "bầu Kiên" - Ảnh Hà An

Theo quan sát của Thanh Niên Online, tới thời điểm các bị cáo xuất hiện tại tòa vẫn không thấy có ông Trần Xuân Giá.

7 giờ 30 phút, phóng viên các báo đài bắt đầu được làm thủ tục liên quan tới an ninh để tham dự phiên tòa. Và cũng giống với phiên xử sơ thẩm đã mở trước đó, phóng viên các báo đài được ngồi trong một phòng riêng để theo dõi qua một chiếc ti vi.

Đúng 6 giờ 45 phút, xe thùng đặc chủng đã chở “bầu” Kiên cùng các đồng phạm tới trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội (43 đường Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm).

 Đang xét xử đại án ‘bầu’ Kiên
Xe đặc chủng đưa "bầu" Kiên và các đồng phạm tới tòa - Ảnh: Hà An

Trước đó ít phút, lực lượng cảnh sát thuộc các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố Hà Nội đã có mặt ở các khu vực nút giao thông xung quanh tòa. Theo đó, các khu vực ngã ba, ngã tư dẫn tới trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đều được phong tỏa, hạn chế số lượng phương tiện tham gia giao thông.

Trong vụ án này có 9 bị cáo bị đưa ra xét xử với 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trốn thuế và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, ông Nguyễn Đức Kiên (50 tuổi), nguyên Phó chủ tịch HĐQT, Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập và Chủ tịch Hội đồng đầu tư ACB, Chủ tịch HĐQT các Công ty B&B, ACI, ACBI, AFG, Thiên Nam và Chủ tịch HĐTV Công ty ACI-HN, bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, "Trốn thuế", “Kinh doanh trái phép”.

Ông Trần Xuân Giá (75 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB), Lê Vũ Kỳ (58 tuổi), Trịnh Kim Quang (60 tuổi), Phạm Trung Cang (60 tuổi), Lý Xuân Hải (49 tuổi), Huỳnh Quang Tuấn (56 tuổi), đều cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Còn Trần Ngọc Thanh (62 tuổi, nguyên Giám đốc ACBI) và Nguyễn Thị Hải Yến (45 tuổi, nguyên kế toán ACBI) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo cáo trạng: “bầu” Kiên và thường trực HĐQT Ngân hàng đã chỉ đạo ACB cấp cho Công ty ACBS 1.500 tỉ đồng cùng vốn tự có. Sau đó Công ty ACBS đã chuyển cho các Công ty ACI, ACI-HN tổng số tiền hơn 1.557 tỉ đồng để đứng tên mua hộ hơn 52,5 triệu cổ phiếu ACB, đến nay mới thu về hơn 364 tỉ tiền gốc… gây thiệt hại hơn 614 tỉ đồng.

Đặc biệt việc “bầu” Kiên chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank và đã bị Huỳnh Thị Huyền Như là nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Vietinbank Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh chiếm đoạt, gây thiệt hại cho ngân hàng ACB hơn 718 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã điều tra làm rõ hành vi trốn thuế với số tiền hơn 25 tỉ đồng của “bầu” Kiên trong vụ kinh doanh vàng giữa Công ty B&B và ACB thu lãi được hơn 100 tỉ đồng.

Thanh Niên Online đang cập nhật

Hà An - Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.