Hai năm trở lại đây, do làm ăn thua lỗ nên người dân xã Tam Tiến (H.Núi Thành, Quảng Nam) không còn mặn mà với nghề nuôi tôm thẻ chân trắng khiến hàng loạt ao nuôi bị bỏ hoang.
Đầu tư hàng trăm triệu đồng vào ao hồ và máy móc nhưng giờ người dân đành bỏ hoang - Ảnh: Mạnh Cường
|
Ven biển địa phương này trước vốn là một vùng phủ kín bởi rừng dương, tạo thành lá chắn che chở cho nhiều ngôi làng. Thế nhưng, giá tôm thẻ chân trắng tăng chóng mặt, nên người dân không ngần ngại triệt hạ hàng loạt khu rừng. Chúng tôi đi dọc theo dòng sông Trường Giang đến xã Tam Tiến, nơi trước đây được xem là vùng đất có những hồ ao nuôi cho lãi hàng trăm triệu/ha, giờ đây chỉ còn là vùng đất trống. Ông Nguyễn Văn Đức (50 tuổi, trú thôn Lập Đông) cho biết: “Vốn liếng dành dụm được bao nhiêu đều đổ vào 20 sào hồ tôm. Nhưng nuôi tôm như một cuộc đánh bạc, giờ cả hàng trăm triệu đồng đã đội nón theo tôm, gia đình tôi lâm vào cảnh nợ nần chồng chất”.
Không riêng gì ông Đức, tại xã Tam Tiến, chúng tôi còn nghe được nhiều câu chuyện chát đắng khi tôm thẻ chân trắng chết hàng loạt.
Theo thống kê của UBND xã Tam Tiến, hiện người dân có nuôi tôm đang nợ ngân hàng số tiền lên đến 15 tỉ đồng. Đó là chưa kể nhiều khoản nợ mà người dân vay từ các nguồn khác. Chẳng hạn, gia đình bà Bảy (54 tuổi) đầu tư 200 triệu đồng vào 15 sào ao nuôi tôm. Thế nhưng do thua lỗ liên tiếp nên số nợ cứ thế tăng dần trong khi bà không có cách nào xoay xở. Không chỉ người nuôi tôm mắc nợ mà mà các đại lý bán thức ăn cho tôm cũng điêu đứng theo.
Chủ một đại lý chuyên cung cấp thức ăn chua xót cho biết, hiện các chủ ao tôm trên địa đang nợ bà gần 1,5 tỉ đồng. “Nhiều lần tôi đến từng nhà đòi nợ nhưng chỉ nhận được lời hứa, hết lần này đến lần khác. Giờ đa số người nuôi tôi đều nợ nần. Trong khi tôm thì chết không thể nuôi lại nên không biết khi nào mới thu được nợ”, bà này ngao ngán.
Chạy dọc theo sông Trường Giang, chúng tôi còn chứng kiến cảnh hàng loạt ao, hồ nuôi tôm trơ đáy, bị bỏ hoang. Bên bờ hồ, những căn nhà xây dựng tạm bợ, sơ sài vốn là chỗ ăn chỗ ngủ của người giữ ao tôm cũng mặc cho nắng mưa, hoang tàn đổ nát. Nhiều người dân cho biết, phong trào nuôi tôm mới bùng phát khoảng 3-4 năm trở lại đây. Những năm đầu thuận lợi, nhiều hộ thu lãi lớn, nhiều hộ khác cũng chạy theo. Họ bỏ nghề biển, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tận dụng vườn, đất trồng cây lâu năm, đất hoa màu để đào ao nuôi tôm. Nhiều cánh rừng dương chắn sóng, chắn gió, nhiều diện tích đất sản xuất hoa màu bị cày xới. Nạn lấn sông làm hồ nuôi tôm cũng khiến dòng sông Trường Giang bị thu hẹp ở nhiều điểm. Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết: “Đa số người dân nuôi tôm dọc con sông này đều xả nước thải trực tiếp từ ao ra sông. Việc làm này khiến con sông ngày càng ô nhiễm nặng nề”.
Hệ lụy từ việc nuôi tôm trái phép từng được ngành chức năng và chính quyền địa phương cảnh báo nhiều lần nhưng khi trong cơn sốt tôm không mấy hộ dân đủ tỉnh táo để hiểu ra cách làm ăn xổi ở thì sẽ nhận lại quả đắng như hiện nay. Ông Giúp cho biết thêm, có lúc tại địa phương số người dân đào ao nuôi tôm trái phép lên đến 200 hộ, với diện tích gần 20ha. Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần thành lập đoàn kiểm tra yêu cầu địa phương có biện pháp cứng rắn, quyết liệt để ngăn chặn “bùng phát” nuôi tôm trái phép. Theo đó, xã Tam Tiến đã nhiều lần tổ chức ngăn chặn, tịch thu các phương tiện làm hồ, xử phạt hành chính cũng như ban hành các văn bản cấm.
“Nhưng cấm ban ngày thì dân làm ban đêm, có lúc 3 giờ sáng vẫn nghe tiếng xe múc đất ầm ầm. Thậm chí, xã cắt điện không cho người dân nuôi tôm nhưng họ vẫn không chùn tay mà tìm đủ mọi cách”, ông Giúp ngao ngán.
Bình luận (0)