Sáng nay, 21.6, tại Hà Nội, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì hội nghị với các bộ, ngành đánh giá công tác thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, để gỡ “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản của Việt Nam.
Theo thông tin từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), vào tháng 10 tới đây, Ủy ban châu Âu (EC) cử đoàn công tác sang Việt Nam để đánh giá những biện pháp của Việt Nam trong thực hiện cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU).
Nếu như không đạt được các yêu cầu để gỡ “thẻ vàng” thì ngành hàng thủy sản Việt Nam có nguy cơ cao bị “thẻ đỏ”. Theo đó, toàn bộ sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài là điều kiện kiên quyết để gỡ "thẻ vàng". Nhưng từ năm 2017 đến nay, Việt Nam chưa thể kiểm soát để chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị số 45/CT-TTg (chấm dứt sau ngày 30.6.2018).
Đáng lưu ý, năm 2018, số vụ vi phạm tiếp tục tăng với 85 vụ, gồm 137 tàu và 1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng 28 vụ với 46 tàu và 379 ngư dân vi phạm so với năm 2017.
Trong 5 tháng đầu năm, tình trạng ngư dân vi phạm đánh bắt ở vùng biển nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp khi đã xảy ra 41 vụ với 69 tàu và 271 ngư dân vi phạm. Các tỉnh có nhiều tàu cá vi phạm gồm: Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Bình Định, Bình Thuận…
Chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành T.Ư và lãnh đạo 28 tỉnh, thành phố ven biển cần xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu hiện nay. Nếu không gỡ được "thẻ vàng", hoặc bị nâng lên "thẻ đỏ" sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thuỷ sản, tiêu cực đến nền kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Phó thủ tướng giao Bộ Quốc phòng chủ trì, chịu trách nhiệm về việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ tàu cá khi xuất, nhập bến; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, kiên quyết xử lý các tàu cá có hành vi vi phạm khai thác IUU.
Đặc biệt, Phó thủ tướng giao Bộ Công an tổ chức điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; tàu cá tự ý sử dụng biển số giả, sơn tàu cá giống tàu cá nước sở tại để đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; khởi tố hình sự một số vụ việc điển hình để đảm bảo tính răn đe.
Bình luận (0)