Danh cầm về cõi lặng

10/10/2014 12:40 GMT+7

(TNO) Người nghệ sĩ từng được mệnh danh là “ đệ nhất danh cầm ”, người có công đưa dòng nhạc flamenco vào Việt Nam, nhạc sĩ Trần Văn Phú, vừa từ giã cõi đời ở tuổi 68 trên xứ Huế yêu thương của mình.

>> Vĩnh biệt hai nghệ sĩ của miền Trung

Danh cầm Trần Văn Phú biểu diễn guitar tại buổi ra mắt Gác Trịnh ở đường Nguyễn Trường Tộ, TP.Huế ngày 1.4.2013 - Ảnh: Đình Toàn
Danh cầm Trần Văn Phú biểu diễn guitar tại buổi ra mắt Gác Trịnh ở đường Nguyễn Trường Tộ, TP.Huế ngày 1.4.2013 - Ảnh: Đình Toàn

Sau những năm tháng bôn ba ở TP.HCM, cách đây 2 năm, nhạc sĩ Trần Văn Phú đã rời công việc ở Nhà văn hóa quận Phú Nhuận, trở về sống với gia đình người anh trai tại ngôi nhà số 37, đường Trần Văn Kỷ (phường Tây Lộc, TP.Huế, Thừa Thiên-Huế).

Tuổi ngoài 60, trong lần trở về cố hương này, ông mang theo người con trai nhỏ mới 6 tuổi Trần Kim Pháp, con người vợ sau mà ông chia tay cách nay không lâu.

Xót thương cảnh “gà trống nuôi con”, các anh chị em ruột đã giúp đỡ ông xây một ngôi nhà nhỏ trong khuôn viên ngôi nhà số 37 Trần Văn Kỷ cho hai bố con cùng ở. Ngày ngày, trong gian nhà nhỏ ấy, ông mở lớp dạy đàn cho một số ít em nhỏ như để khuây khỏa với thời gian và kiếm thêm chút tiền cho sinh hoạt phí.

Ngại ông vất vả, gần đây chị Nguyễn Thị Hồng Liên (người vợ sau) đã đưa cháu Pháp vào lại TP.HCM để nuôi nấng, học hành.

Thông tin nghệ sĩ Trần Văn Phú qua đời khiến không ít bạn bè của ông bỡ ngỡ, tiếc thương. Vang danh một thời, nhưng càng về cuối đời người nghệ sĩ này dường như đã chọn con đường ẩn dật, thu mình giữa xứ Huế trầm lắng.

“Sau khi Phú về Huế chú ấy sống trầm lặng. Kinh tế khá chật vật, nhưng sức khỏe vẫn tốt. Gần đây chú ấy có những biểu hiện xuống sức, nhưng không ngờ lại phát bệnh tim nặng. Gia đình đưa chú ấy lên bệnh viện điều trị nhưng chưa được một tuần thì qua đời hôm 5.10”, ông Trần Văn Kính, anh trai của nghệ sĩ Trần Văn Phú, kể.

Sáng 10.10, đoàn xe tang đưa tiễn nghệ sĩ Trần Văn Phú rời đường Trần Văn Kỷ dọc theo dòng Ngự hà hướng lên nghĩa trang nằm ở phía tây TP.Huế. Ngoài đông đảo người thân, chỉ có một số ít bạn bè văn nghệ sĩ đến tiễn đưa ông trong tiết trời se lạnh cuối thu. Ai đó trong đoàn đưa tang cất câu hát khẽ khàng trong bài Không tên số 4 của Vũ Thành An Triệu người quen có mấy người thân, khi lìa trần có mấy người đưa...

Trong cuộc tiễn đưa người nghệ sĩ tài danh này còn có hai người vợ và hai người con trai. Nếu có chút gì bẽ bàng trong chuyện duyên tình thì hình ảnh ấy có lẽ cũng làm cho người nghệ sĩ ấm áp trên đường đến cõi thiên thu.

Nơi an táng ông là một khu đất trên những ngọn đồi bát úp đầy tiếng thông reo và có dòng suối chảy kề bên. Đó có thể là cõi lặng trên đất mẹ mà ông đã chọn cho ngày trở về…

Nhạc sĩ Trần Văn Phú sinh năm 1947 tại Huế, tốt nghiệp thủ khoa Trường quốc gia Âm nhạc Huế năm 1969, sau đó vào lập nghiệp và giảng dạy tại Nhạc viện Sài Gòn. Thời gian này ông còn làm trợ giảng cho nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Ông cũng sớm thụ giáo và là học trò xuất sắc của các giáo sư, nhạc sĩ Đỗ Đình Phương, Dương Thiệu Tước và Trương Huệ Mẫn.

Ngoài việc biểu diễn và tham gia biểu diễn guitar nhiều nơi ở Sài Gòn thập niên 1970 - 1980, tên tuổi của nghệ sĩ Trần Văn Phú còn nhận được sự ngưỡng mộ của nhiều thế hệ yêu âm nhạc nói chung và giới guitar classic nói riêng thông qua cuốn Kỹ thuật reo dây (trémolo).

Đầu những năm 1970, cuốn sách này được nhà sách Khai Trí mua bản quyền và chỉ trong một thời gian ngắn, cuốn sách đã phát hành lên đến cả vạn bản.

“Trong cuốn sách đó, ngoài những kỹ thuật reo dây cơ bản cho guitar classic, còn có phần reo dây chỉ dành cho loại nhạc flamenco…”, nhà thơ Lê Huỳnh Lâm, một “tín đồ guitar” và có thời gian gần đây hầu chuyện với nghệ sĩ Trần Văn Phú ở Huế, cho biết.

Không chỉ biểu diễn, dạy nhạc, “đệ nhất danh cầm” một thời này còn có những sáng tác tấu khúc theo nhạc điệu Malaguena, Soleares… cho guitar flamenco như: Alegrias, Granadinas, Danza Oriental; chuyển soạn một số tác phẩm Việt Nam cho guitar classic như: Tuổi đá buồn (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), Nghìn trùng xa cách (nhạc sĩ Phạm Duy), Cửu khúc (dân ca quan họ Bắc Ninh)...

Theo chị Nguyễn Thị Hồng Liên thì ngoài cuốn sách Kỹ thuật reo dây đã xuất bản, nghệ sĩ Trần Văn Phú còn viết một cuốn sách về âm nhạc và chị đã từng xem qua. Rất tiếc cuốn sách mới chỉ viết được khoảng 200 trang (bản thảo viết tay trên khổ giấy A4), chưa kịp hoàn thành thì người nghệ sĩ tài hoa này đã ra đi.

Bùi Ngọc Long - Đình Toàn

>> Danh cầm cổ nhạc hội ngộ
>> Danh cầm Ignacio Rodes biểu diễn tại VN
>> Đánh cảm" bằng lòng trắng trứng
>> Vì yêu nên đành cam chịu?
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 3: Nguyễn Vĩnh Bảo - đệ nhất danh cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.