Tuổi thơ vừa chớm nở nhưng nhiều em nhỏ đã phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ hoặc bị cha mẹ bỏ rơi. Vẫn cặp mắt ngây thơ, hồn nhiên như bao đứa trẻ khác nhưng trong mắt các em rực lên sự khao khát, khắc khoải yêu thương…
|
Khao khát yêu thương
|
Bước chân vào các trung tâm bảo trợ xã hội ở Bình Dương như Trung tâm nhân đạo Quê Hương (TX. Dĩ An), Trung tâm bảo trợ xã hội Ngọc Quý (TP. Thủ Dầu Một), Trung tâm bảo trợ xã hội Bình Dương cơ sở 1 (TP. Thủ Dầu Một)… một điều thấy rõ là các em không chỉ thiếu thốn vật chất mà còn khao khát tình cảm của mọi người. “Nhiều khi nhìn các con ngồi thẫn thờ và tự hỏi cha mẹ đẻ mình là ai mà lòng tôi lại thắt lại. Có khi, đang chơi với đám trẻ con ngoài đường chúng chạy về khóc nức nở, giọng lạc đi và bảo con không muốn ra đường chơi với mấy bạn nhà giàu nữa, các bạn nói con là đứa không cha không mẹ….”, bà Nông Thị Khuyên, bảo mẫu tại Trung tâm bảo trợ xã hội Ngọc Quý chia sẻ.
Ở những nơi này, bao nhiêu mảnh đời là bấy nhiêu số phận bất hạnh. Trong một góc sân tại Trung tâm Nhân đạo Quê Hương, cô bé Huỳnh Tiểu Như (14 tuổi) đang say sưa đọc một cuốn sách nói về nghị lực vượt lên của Nick. Ngước ánh mắt trong veo, cô bé kể: “Đây là cuốn sách của các anh chị tình nguyện viên tặng cho tủ sách của trung tâm, bọn em thay phiên nhau đọc để biết cách vượt lên chính mình và sống tốt hơn”. Cô bé bị bỏ rơi trước cổng trung tâm khi mới được mấy ngày tuổi. Không một mối dây liên lạc với gia đình, chưa bao giờ có người thân đến thăm, thể trạng lại gầy yếu do mắc bệnh viêm phổi. Câu nói của Như làm lòng tôi xót xa: “Em ước mình có ba có mẹ như bao người bình thường khác. Được ba mẹ chở đi học, đi chơi…Khi đó, em không còn bị chúng bạn nói mình là đứa mồ côi nữa”.
Nhìn các em nhỏ ngủ, gương mặt ngây thơ, thánh thiện, khó ngờ rằng ẩn sau nó là những hoàn cảnh éo le không dễ tưởng tượng. Chị Trần Thị Quý, nhân viên Trung tâm Nhân đạo Quê Hương kể: “Từ khi nhận công việc ở đây, tôi không ít lần chứng kiến những đứa trẻ bị bỏ lại ven đường. Nhiều đêm đang ngủ, nghe tiếng đập cổng hoặc rồ ga xe máy bật điện, chạy ra thì người ta đã bỏ đi, chỉ còn lại đứa bé đỏ hỏn, có khi còn chưa cắt dây rốn đang khóc oe oe... ẵm lên, nhìn mà xót ruột lắm”.
Gánh nặng mưu sinh
Một buổi tối mùa mưa đầu tháng 8, tại lớp học tình thương ấp Bình Thung (TX. Dĩ An), cậu bé Lê Văn Hoàng (14 tuổi) co ro trong chiếc áo thung rộng thùng thình đã sờn vai, khuôn mặt nhợt nhạt vì dầm mưa bán vé số cả buổi chiều nói: “Em không nhớ mặt mẹ vì mẹ mất lúc em mới 2 tuổi, còn ba thì đi làm xa lắm, rất ít khi về thăm bọn em. Chúng em ở với ông bà nội, nhưng nhà nghèo lắm. Nên vừa đi bán vé số, chúng em vừa đi xin gạo về để ông bà nấu cơm”.
|
Ở một góc khác trong lớp, cô bé Nguyễn Thị Thùy Uyên (11 tuổi) và Nguyễn Thị Thùy Dương (9 tuổi) đang tập viết chữ cái. Trước đây em cũng có ba có mẹ nhưng rồi cả 2 đều bỏ các em lại cho ông bà ngoại nuôi. Gần 70 tuổi nhưng ông ngoại vẫn chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập vừa trông coi 2 cô cháu gái đi bán những thanh kẹo cao su, bà em thì làm tạp vụ cho một cơ sở y tế tư nhân. Kinh tế khó khăn nên ông bà chỉ có thể gửi cháu vào học tại lớp học tình thương. Gạt nước mắt bà Hồ Ngọc Ánh (ngoại Thùy Uyên và Thùy Dương) nói: “Chẳng biết tương lai các cháu sẽ đi về đâu khi không có học?...Xót xa lắm”.
Huy Anh
>> Chuyển toàn bộ trẻ mồ côi tại chùa Bồ Đề vào trung tâm bảo trợ xã hội
>> Nâng cấp Trung tâm Bảo trợ xã hội Lâm Đồng
>> Tăng mức trợ cấp cho đối tượng bảo trợ xã hội
>> Trao tiền bạn đọc giúp các trung tâm bảo trợ xã hội
Bình luận (0)