“Thằng nào bảo lui?”
Với lực lượng dân công trên 260.000 người, bằng đủ loại phương tiện chuyển chở và quyết tâm cao hơn núi, ta đã khắc phục được khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được, đảm bảo cung cấp đủ vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men cho 50.000 bộ đội và hàng vạn dân công tại mặt trận, mở hàng chục km đường để đưa pháo vào tận trận địa.
Bộ đội ta đã phá tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt, làm bị thương và bắt sống toàn bộ hơn 16.000 quân địch đồn trú tại đây, đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất của thực dân Pháp, đánh sụp ý chí tiếp tục chiến tranh đối phương. Mặc dù tổn thất của địch ở Điện Biên Phủ chỉ chiếm khoảng 4% tổng số binh lực của đội quân viễn chinh Pháp trên toàn Đông Dương, nhưng Pháp vẫn phải ngồi vào bàn đàm phán và ký Hiệp định Geneve ngày 21.7.1954, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Đông Dương.
Trở lại việc xác định tác giả thay đổi phương châm tác chiến, hẳn bạn đọc đã rõ là ai sau khi đọc toàn bộ loạt bài này. Những người trong cuộc đã cho chúng ta biết thêm những điều thú vị.
Lời mở đầu trong bài viết trên tờ Le Monde nhân 50 năm trận Điện Biên Phủ (6.5.2004) có đoạn: “Chính ở đó, nửa thế kỷ trước, quân đội Pháp đã gánh chịu một trong những thất bại cay đắng nhất trong lịch sử của mình. Càng cay đắng hơn, khi người Pháp đã chọn Điện Biên Phủ để gài bẫy lực lượng Việt Minh của ông Hồ Chí Minh, nhưng chính nơi này lại khiến họ vào thế bị bao vây. Thất bại thảm hại đánh tiếng chuông báo tử của một đế chế thực dân”. |
Còn Thượng tướng Trần Văn Quang, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhớ lại: “Khi Đại tướng ra quyết định chuyển phương châm, mọi việc phải làm thật nhanh, rút người và pháo ra đồng thời rời chỉ huy sở vào Mường Phăng. Nhớ một đêm hành quân, trời sáng trăng, trên đường vào Mường Phăng, chúng tôi gặp dân công đi ra, có người nói: “Chưa đánh vào đã rút, thế mà nói là quyết tử”. Nhiều người thắc mắc, kể cả trong các cán bộ. Địch rải truyền đơn trong đó có thư của De Castries (chỉ huy tập đoàn cứ điểm) thách tướng Giáp đánh Điện Biên Phủ. Tôi tự nhủ: “A, thằng này chuẩn bị sẵn sàng rồi, nó mong mình đánh mà mình không đánh, rút đi là đúng”. (Chuyện những người làm nên lịch sử, Sđd, tr.69).
Quyết định “chính xác và phúc đức”
Đại tá Hoàng Minh Phương viết: “Nhiều năm sau ta mới biết thực ra ông Vi Quốc Thanh cũng thấy đánh nhanh không ổn, ngày 24.1, ông ấy điện về xin ý kiến Quân ủy Trung ương Trung Hoa và Mao Chủ tịch, nhưng đến sáng 27.1 mới nhận được câu trả lời”. (Chuyện những người làm nên lịch sử, Sđd, tr.75). Điều này trùng với chi tiết mà một giáo sư sử học - năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đoàn cán bộ nghiên cứu, cựu chiến binh của ta sang dự Hội thảo khoa học về chiến thắng Điện Biên Phủ, tổ chức tại trường Đại học Trịnh Châu (Trung Quốc) - công bố. Chi tiết này lại được sưu tầm từ bài viết của một học giả Trung Quốc.
Như thế, quyết định thay đổi phương châm “đánh nhanh giải quyết nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”, hoãn nổ súng mở màn chiến dịch, đã được đưa ra bàn tập thể trong Đảng ủy Mặt trận và được Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định vào sáng ngày 26.1.1954, sau khi có trao đổi với Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh. Còn bức điện trả lời của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc thay đổi phương châm thì đến 27.1, đoàn cố vấn mới nhận được.
|
Năm 2004, người viết có dịp gặp bác Thanh, nguyên khẩu đội trưởng khẩu đội pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sau này nghỉ hưu từ Bộ Giáo dục - Đào tạo. Tôi hỏi: “Các bác vừa mới kéo pháo vào hôm trước rất vất vả, hôm sau lại được lệnh kéo ra, có bực mình không?”. Bác cười, trả lời: “Bực mình là thế nào! Tôi và anh em còn thấy mừng là đằng khác, vì vào đến nơi thấy hầm hố cho pháo mới làm xong, nhưng thấy không an toàn, còn sơ sài lắm, lộ lắm. Nó (Pháp) mà phát hiện, pháo nó giã cho mấy quả thì cả pháo và người đi đứt. Nên được lệnh kéo pháo ra, không ai kêu ca gì”.
Còn ông Nguyễn Việt, cán bộ Cục Quân báo, hồi tưởng: “Khi nghe Đại tướng lệnh rút pháo, lui quân chờ đánh, tôi thấy quyết định của ông thật chính xác và phúc đức. Về sau, càng đánh càng thấy nếu ta “đánh nhanh thắng nhanh” như ban đầu thì thua rồi. Công lao của bác Giáp lớn lắm, không có quyết định ấy của ông thì không có chiến thắng Điện Biên Phủ”. (Chuyện những người làm nên lịch sử, Sđd, tr.79).
Về phía Pháp, một học giả đã viết một cuốn sách nhan đề Tướng Giáp suýt thua trận ở Điện Biên Phủ, đề cập đến việc vì ông thay đổi phương châm tác chiến nên mới giành được thắng lợi.
Cũng trong hồi ký, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ghi lại: “Chỉ mười năm sau (1964), nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, một số đồng chí phụ trách các đại đoàn mới nói thực với tôi ý nghĩ của mình. Chính ủy đại đoàn công pháo (351) Phạm Ngọc Mậu, sau này là Thượng tướng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, nói: “Khi có lệnh kéo pháo ra, đúng là “Được lời như cởi tấm lòng”. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn, sau này là Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng QĐNDVN, nói: “Nếu không có quyết định chuyển phương châm ngày đó thì phần lớn chúng tôi sẽ không có mặt trong kháng chiến chống Mỹ”. Riêng Đại đoàn trưởng (308) Vương Thừa Vũ, sau này là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN, nói: “Ở Thẩm Púa, khi nghe phổ biến pháo binh của ta sẽ bắn hai ngàn viên pháo 105, ai cũng trầm trồ, cho rằng quân địch sẽ tan nát. Nhưng tôi hoàn toàn không tin như vậy. Ở Tu Vũ (trong chiến dịch Hòa Bình Đông - Xuân 1951-1952 - NV), địch đã bắn năm ngàn quả pháo mà đồn vẫn bị trung đoàn 88 tiêu diệt. Hai ngàn quả pháo với một tập đoàn cứ điểm rộng nhiều cây số vuông như Điện Biên Phủ có là bao. Tôi nghĩ nếu lần đó cứ “đánh nhanh giải quyết nhanh”, thì cuộc kháng chiến có thể lùi lại mười năm!” (Tổng tập Hồi ký, Sđd, tr.929).
Lực lượng hai bên ở Điện Biên Phủ 1. Quân đội Liên hiệp Pháp: - 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh (trong chiến dịch được tăng viện 4 tiểu đoàn và 2 đại đội lính dù) - Có 3 tiểu đoàn pháo 105 mm gồm 24 khẩu, sau đó được tăng viện 4 khẩu nữa - 1 đại đội pháo 155 mm gồm 4 khẩu - 2 đại đội súng cối 120 mm gồm 20 khẩu - 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc (có 7 khu trục, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 máy bay lên thẳng) - 1 tiểu đoàn công binh - 1 tiểu đoàn xe tăng 18 tấn gồm 10 chiếc loại M-24 của Mỹ - 1 đại đội xe vận tải gồm 200 chiếc. Ngoài ra còn có 100 máy bay Dakota C47, 16 chiếc Packet C119 thuộc lực lượng không quân vận tải của Pháp và một số máy bay dân dụng của Mỹ; 168 máy bay ném bom của không quân và hải quân, trong đó có 48 chiếc B26 - Invader; 8 chiếc B24 - Privater; 112 máy bay cường kích các loại như F6F - Hellcat, F8F - Bearcat, Helldiver SB2C, Corsair F4U. Tập đoàn cứ điểm có quân số khoảng 16.000, chia làm 3 phân khu: bắc, trung tâm, nam; với 8 trung tâm đề kháng, tổng cộng là 49 cứ điểm. Có hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm. 2. Quân đội nhân dân Việt Nam: - Có 4 đại đoàn bộ binh (308, 312, 304 và 316) gồm 10 trung đoàn và 1 đại đoàn công binh - pháo binh 351. - Trung đoàn 45 lựu pháo 105 mm gồm 24 khẩu - Trung đoàn 675 sơn pháo 75 mm gồm 24 khẩu - 4 đại đội súng cối 120 mm gồm 16 khẩu - 1 tiểu đoàn gồm 12 dàn hỏa tiễn 6 nòng - H6 - 1 tiểu đoàn ĐKZ 75 mm và súng cối 82 mm gồm 54 khẩu - Trung đoàn 367 pháo cao xạ 37 mm gồm 36 khẩu - Súng máy phòng không 12,7 mm gồm 132 khẩu của các đơn vị pháo cao xạ và bộ binh - 628 xe vận tải, 21.000 xe đạp thồ và 20.000 phương tiện vận chuyển khác - Tổng quân số tham gia chiến dịch khoảng 50.000 người - Số dân công phục vụ chiến dịch hơn 260.000 người - Sử dụng 25.000 tấn lương thực, hơn 900 tấn thịt và hàng ngàn tấn thực phẩm khác. |
PGS-TS Nguyễn Mạnh Hà
Bình luận (0)