Đầu ra của nhiều mặt hàng như thanh long, dừa, khoai lang và hiện nay thậm chí là cả lúa gạo đều phụ thuộc vào TQ. Điều này cũng giống như chúng ta đang cầm dao đằng lưỡi nên thường xuyên bị đứt tay. Cụ thể như hồi năm ngoái, giá dừa khô chỉ còn mấy chục ngàn đồng một chục, khoai lang hơn 100.000 đồng/tạ, thấp hơn nhiều lần so với giá thành sản xuất. Nhiều người dân đã phải đốn dừa, bỏ khoai lang để trồng thứ khác. Nay những thứ này đang ào ào tăng giá và người dân lại ồ ạt quay về với nó.
Trên thực tế, nhiều nông dân cũng ý thức được sự nguy hiểm khi làm ăn với thương lái TQ. Dù biết là rủi ro cao nhưng nhiều người vẫn chấp nhận vì mức lợi khá lớn nên đành “tới đâu hay tới đó”. Niềm tin hay sự hy vọng mơ hồ ấy càng được củng cố khi có một số người TQ đến địa phương mướn đất để trực tiếp canh tác. Cách đây mấy năm, nông dân trồng khoai lang ở H.Bình Tân (Vĩnh Long) vừa làm vừa run vì lo sợ “cứ cái đà này có ngày thế nào họ cũng cho mình chết”. Và đúng là hồi năm ngoái, nhiều nông dân trồng khoai lang “chết” thật. Nói như vậy để thấy rằng đó là một cái chết đã được báo trước nhưng vẫn không tránh khỏi.
Cũng khó trách người nông dân trong chuyện này vì trước mắt công sức lao động của họ được trả hậu hĩnh. Không mạo hiểm với cây khoai lang và thương lái TQ thì họ cũng phải đối mặt với tình trạng được mùa mất giá thường xuyên xảy ra, nếu sản xuất các mặt hàng nông sản khác. Từ thực tế này, chắc rằng người nông dân vẫn sẽ tiếp tục đánh cược với thương lái TQ. Muốn thay đổi được điều này rất khó bởi nền sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn chưa thực hiện tốt trách nhiệm quy hoạch, định hướng phát triển của ngành.
Người nông dân vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng khoai khi mà giá khoai đang tăng. Họ vẫn ý thức rằng mình đang tham gia vào một canh bạc mới!
Chí Nhân
Bình luận (0)