Đánh giá Asus ROG Strix Z270G – Đầy đủ các món 'ăn chơi'

10/06/2017 11:10 GMT+7

Phần lớn các bo mạch chủ kích thước ATX đều đem lại cho người dùng cảm giác mạnh mẽ, cứng cáp. Tuy nhiên, Asus đã chứng minh được điều ngược lại, mặc dù nhỏ nhắn với kích thước mini-ATX nhưng bo mạch chủ ROG Strix Z270G vẫn đem lại cảm giác cứng cáp cùng thiết kế khá “ngầu”, đúng chất game thủ.

Sản phẩm hỗ trợ các bộ vi xử lý Kabylake và Skylake socket 1151 của Intel, được trang bị 4 khe RAM DDR4, đầu cắm USB 3.1 Gen 1, 2 khe M.2 và hỗ trợ kết nối VGA kép SLI hoặc CrossFireX. Đó là những tính năng cơ bản của một sản phẩm được định nghĩa “dành cho game thủ”. Ngoài ra, tính năng thú vị dành cho các dân chơi Aura Sync RGB LED có thể đồng bộ hoá với nhiều linh kiện khác như RAM, dải đèn LED ngoài... để đem lại một thùng máy tuy nhỏ gọn nhưng cũng đầy cá tính theo sở thích của từng game thủ. Các khe RAM của ROG Strix Z270G tốc độ thấp nhất là 2.400MHz và cao nhất là 4.000MHz, đảm bảo đem lại khả năng hoạt động mượt mà ở hầu hết các tác vụ nặng.
Hệ thống giải trí cũng được Asus đặc biệt chú ý. Đối với các bo mạch chủ kích thước nhỏ, các hãng sản xuất thường trang bị các chip âm thanh tầm trung, và chỉ có 3 cổng cắm dành cho hệ thống âm thanh ngoài. Tuy nhiên, trên ROG Strix Z270G, Asus đã ưu ái sử dụng hệ thống âm thanh ROG SupremeFX 8 kênh, cùng 6 cổng xuất tín hiệu âm thanh, giúp người dùng có thể kết hợp với các hệ thống giải trí nghe nhìn hoành tráng, hỗ trợ đầy đủ hiệu ứng.

Thiết kế

Asus sử dụng tông màu đen làm chủ đạo, với điểm xuyết màu bạc dành cho các khu vực linh kiện. Do kích thước của bo mạch nhỏ, và phải giữ lại một số tính năng chủ đạo dành cho game thủ, Asus đã phải cắt bớt một số cổng SATA. Tuy nhiên, đó là cổng kết nối duy nhất bị thiếu, và thành thật mà nói, ở thời điểm hiện tại, SATA cũng không còn quan trọng lắm so với nhu cầu của game thủ. Nếu là game thủ phổ thông, họ cũng không kết nối nhiều ổ cứng, và nếu là game thủ tầm trung hoặc cao cấp, họ sẽ sử dụng các chuẩn ổ cứng SSD với kết nối PCIe hoặc NVMe, đem lại tốc độ cao hơn và Z270G hoàn toàn có thể đáp ứng được các nhu cầu đó.
Điểm quan trọng nhất đối với bất kì game thủ nào là thiết lập đồ hoạ. May mắn thay, Z270G được trang bị 2 khe VGA, hỗ trợ cả chuẩn kết nối SLI hoặc CrossFireX dành cho các nhu cầu sử dụng thiết lập 2 card đồ hoạ. Mặc dù chỉ có thể sử dụng với thiết lập tốc độ 8x/8x cho cả 2 dòng VGA, nhưng với vũ trang hạng nặng như vậy, người dùng hoàn toàn có thể trang bị cho hệ thống của mình khả năng xử lý đồ hoạ khủng, đủ để nuốt gọn bất kì tựa game nào hiện đang có mặt trên thị trường.

Hệ thống thử nghiệm

Bộ vi xử lý: Intel i7-7700K
RAM: Kingston 16GB DDR4 2400MHz
Tản nhiệt: Cooler Master Hyper D92
VGA: Colorful GTX 1050Ti
Ổ cứng: Intel 730 480GB SSD
Nguồn: Cooler Master Masterwatt 700W

Test khả năng xử lý với PCMark 8 Video Editing

Bài thử nghiệm này sử dụng FFmpeg để tích hợp các bộ lọc video ở bitrate cao H.264 và sau đó mã hoá thành một định dạng phổ biến để sử dụng. Ở bài thử nghiệm này, hệ thống Asus ROG Strix Z270G xử lý tác vụ trong 104 giây, tương đương với các hệ thống sử dụng bo mạch chủ Asus khác, và nhỉnh hơn 1 giây so với một số hệ thống sử dụng bo mạch chủ Z270 đến từ MSI. Dĩ nhiên, trong hoạt động thực tế, con số này rất khó để nhận ra.
Bài thử nghiệm kế tiếp sử dụng hàng loạt các thay đổi, chỉnh sửa hình ảnh thông qua ImageMagik, một bộ mã nguồn mở, cân chỉnh độ sáng, độ tương phản, độ bão hoà và gamma của tấm ảnh. Khi độ cân bằng của các tấm hình đạt được mong muốn của người dùng, các thay đổi theo trình tự sẽ được áp dụng cho toàn bộ chuỗi hình trong hệ thống. Thử nghiệm được thực hiện với các file TIFF dung lượng 67MB. Kết quả cho thấy, Asus ROG Strix Z270G đạt được điểm số 32 giây, ngang ngửa với các hệ thống sử dụng bo mạch chủ Asus và MSI chipset Z270 khác, và chậm hơn so với hệ thống sử dụng bo mạch chủ Gigabyte 1 giây. Một lần nữa, con số này là hoàn toàn không đáng kể khi ứng dụng trong các điều kiện thực tế.

Chất lượng âm thanh (RightMark Audio Analyzer)

Trong phần thử nghiệm này, Thanh Niên Game benchmark với các file nhạc 24-bit băng tầng 192kHz. Kết quả cho thấy, Asus ROG Strix Z270G cho ra âm trường (dBA) là 113, ngang ngửa so với hầu hết các bo mạch chủ Z270 khác, nhưng lại bị sản phẩm Aorus Gigabyte Z270X-Gaming 7 bỏ khá xa (133). Tuy nhiên, ở phần thử nghiệm độ ồn (dB), kết quả xoay chiều 180 độ: Sản phẩm đến từ Asus đạt -108dB, bỏ khá xa Z270X-Gaming 7 (-400dB). Cuối cùng, về độ nhiễu khi xử lý âm thanh, Z270G đạt được điểm số THD là 0,0027, bỏ khá xa điểm 0,0085 của MSI Z270 XPower Gaming Titanium.

Tiêu thụ điện năng

Một trong những mối quan tâm nhất của game thủ là khả năng tiêu thụ điện của hệ thống. Hệ thống thử nghiệm Asus ROG Strix Z270G được “gánh” bởi bộ nguồn Cooler Master Masterwatt 700W, và kết quả cho thấy là sản phẩm này hoàn toàn có thể kéo được thoải mái hệ thống kể trên. Trong suốt quá trình hoạt động, do sử dụng linh kiện chất lượng cao, kết hợp với sự ổn định của Masterwatt 700 Lite, hệ thống không gặp phải hiện tượng biến điện, qua đó đem lại trải nghiệm game mượt mà và liên tục. Và với kích thước nhỏ gọn của mình, Asus ROG Strix Z270G giành chiến thắng tuyệt đối với lượng điện năng tiêu thụ chỉ 124W, trong khi các đối thủ khác có chỉ số thấp nhất là 129W và cao nhất là 163W. Đây là mức điện năng tiêu thụ được ghi nhận khi sử dụng Prime95 để đẩy sức mạnh của CPU lên 100%. Có thể thấy, đây là một trong những điểm nhấn đáng giá trên chiến binh của Asus.

Kết luận

Khá là thú vị khi thấy các hãng sản xuất bo mạch chủ dần để tâm đến các sản phẩm kích thước nhỏ, và Asus đã có được một ROG Strix Z270G Gaming ấn tượng. Dĩ nhiên, với kích thước vật lý nhỏ, bạn sẽ phải hi sinh một số tính năng, nhưng không có gì là quá to tát. Người dùng vẫn có được hầu hết các tính năng cao cấp dành cho game thủ như 2 cổng kết nối M.2, 2 khe VGA, bộ vi xử lý âm thanh SupremeFX 8 kênh, đem lại trải nghiệm cao cấp nhất có thể. Nhìn chung, nếu muốn có một hệ thống mạnh mẽ nhưng nhỏ gọn, Asus ROG Strix Z270G Gaming sẽ là lựa chọn đáng giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.