Đánh giá - Desktop dungeon: Hương vị nhập vai cổ điển

27/03/2014 08:00 GMT+7

Desktop dungeon, một game indie đến từ hãng QCF Design, sẽ là một giải pháp nhẹ nhàng để người chơi game giải trí có thể tiếp cận đến thể loại game nhập vai theo lượt vốn nổi danh là kén người chơi.

  • Phát triển/ Phát hành: QCF Design
  • Nền tảng: Windows, Mac
  • Ngày phát hành: 7.11.2013

Desktop dungeon, một tựa game indie đến từ hãng QCF Design, có lẽ là một giải pháp nhẹ nhàng để người chơi game giải trí (casual) có thể tiếp cận đến thể loại game nhập vai theo lượt vốn nổi danh là kén người chơi.

Cốt truyện

Trong Desktop dungeon, bạn là một trong số ít những người còn sống sót sau một thảm họa. Để tiếp tục sinh tồn, bạn phải dẫn dắt các đồng hương lên đường tìm kiếm những vùng đất hứa mới. Trên đường đi, sau khi trải qua đủ mọi gian lao khổ ải, từ những vùng đất khắc nghiệt, bọn cướp đường, lũ thú hoang đói khát… (nói ngắn gọn là đủ “81 kiếp nạn”), bạn đã đến được vùng đất của những hầm ngục tối tăm.

Tại đây, ngoại trừ bọn quái vật lẩn lút trong bóng tối và những cạm bẫy chết người, còn là những kho tàng được ẩn giấu, và trên hết là một lối thoát cho mọi người. Liệu người chơi có thể lãnh đạo mọi người tìm đến một vùng đất hứa hay không? Những hiểm nguy nào còn đang chực chờ họ ở phía cuối đường hầm? Tại sao tên game lại là "Hầm ngục desktop" ? Tất cả chỉ có thể được trả lời nếu người chơi đích thân trải nghiệm mà thôi.

Phần cốt truyện trong Desktop dungeon tương đối sơ sài, có lẽ vì game muốn dẫn dắt người chơi qua lối chơi có chiều sâu hơn là chỉ đơn thuần kể lể một câu chuyện bi thương sướt mướt. Nói cũng phải, bởi vì với đa số game indie, trừ dạng phiêu lưu giải đố, phần lớn đều không đặt nặng vấn đề xây dựng cốt truyện – nguyên nhân chính là để tiết kiệm một khoản kinh phí, thời gian và nhân lực.

Lối chơi

Lối chơi của Desktop dungeon khá đơn giản. Phần lớn nhiệm vụ của bạn trong các màn chơi là điều khiển một anh hùng cấp 1, di chuyển qua một bản đồ dạng ô vuông bàn cờ, để đến đích và tiêu diệt tên trùm. Trên đường đi, hãy cố gắng tìm kiếm những hướng đi an toàn, tránh bọn quái cấp cao hơn mình, và thu thập những vật phẩm hữu ích.

Mỗi lần mở được một ô vuông ra khỏi sương mù bóng đêm, máu và ma lực của anh hùng sẽ được hồi phục lại một chút. Đây là chìa khóa vàng để sống sót trong Desktop dungeon, bởi lẽ nếu di chuyển thiếu tính toán và mở quá nhiều ô vuông không cần thiết, để rồi khi đối mặt với tên trùm với nửa cây máu – sẽ chẳng còn biện pháp nào để anh hùng của bạn có thể chiến thắng ngoại trừ việc cay đắng ấn nút “Restart” màn chơi.

Đan xen giữa những cuộc phiêu lưu qua các hầm mộ, người chơi có thể tự tay xây dựng và phát triển một vương quốc cho riêng mình. Bằng việc xây dựng những công trình cụ thể, các lớp nhân vật mới sẽ được mở khóa, cho phép người chơi trải nghiệm nhiều lối đánh cho đến khi tìm ra những phong cách chơi thích hợp nhất cho bản thân mình. Liệu bạn sẽ trở thành một người cai trị khôn ngoan khi chỉ chọn lựa những hướng phát triển cần thiết, hay là một gã quốc vương ăn xài xa hoa phung phí khi vung tiền xây bất cứ thứ gì mình thấy?

Hình - âm

Đồ họa trong Desktop dungeon được thể hiện dạng 2D đơn giản. Các màn chơi trong hầm ngục được vẽ tương đối sơ sài, như những game 8-bits thời xưa. Các hiệu ứng đòn đánh và phép thuật cũng không được đầu tư mấy, đây rõ ràng là một điều “cải lùi” trong cái thời đại chuộng đồ họa khủng như hiện nay.

Bù lại, bản đồ vương quốc và các công trình trong đó lại được thể hiện khá tỉ mỉ. Tuy chỉ là những hình vẽ 2D, nhưng phong cách kiến trúc của một công trình thể hiện rất rõ bản chất và công dụng của nó. Người viết không khỏi liên tưởng đến tựa game Heroes of might and magic III lừng danh một thời, vốn cũng rất được hoan nghênh bởi lối vẽ các công trình 2D nhưng rất có phong cách riêng.

Âm thanh trong game lại là một nỗi thất vọng to lớn, khi ngoài những tiếng động mô phỏng rời rạc và những bản nhạc nền vô hồn, kém sức sống, thì không còn gì đáng để lọt vào tai người chơi nữa. Tất nhiên, nhược điểm này có thể được “bốc thuốc” bằng cách… tắt hẳn âm thanh trong game và mở nhạc... Lady Gaga thế vào.

Tổng kết

Với cái giá 14,99 USD, có vẻ như Desktop dungeon chưa làm được điều gì để xứng đáng với một số tiền không hề nhỏ đó. Tuy có khá nhiều cách tân cũng như những điểm nhấn để thu hút người chơi, thế nhưng bản thân lối chơi tương đối đơn giản và lặp lại khá tuyến tính đã bóp nghẹt tiềm năng phát triển của Desktop dungeon.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.