Thông tin game
- Thể loại: Hành động
- Hãng sản xuất: Ubisoft Montreal
- Hãng phát hành: Ubisoft
- Nền tảng: PC, PS4, Xbox One
- Ngày ra mắt: 14.2.2016
For Honor được trải nghiệm trên hệ máy PC qua Uplay
Link mua game trên Uplay và Steam
For Honor là một trong những tựa game tốn hao nhiều "giấy mực" của báo giới nhất trong quý I năm nay. Được Ubisoft công bố lần đầu tiên tại E3 2015, thương hiệu mới mẻ này đã khiến cộng đồng game thủ phải háo hức mong chờ.
Sau 2 đợt thử nghiệm Closed Beta vào ngày 26.1 và Open Beta vào ngày 9.2, For Honor, xuất phẩm mới toanh của studio Ubisoft Montreal (Prince of Persia, Assassin's Creed, Watch Dogs...) cũng đã chính thức ra mắt và thực sự đây là một sản phẩm thành công.
Chơi đơn tạm ổn
Game lấy bối cảnh thời Trung cổ với 3 phe phái: The Chosen (Samurai), The Warborn (Viking) và The Legion (Knight) với lối chơi tập trung vào yếu hành động chặt chém (hack and slash). Cuộc chiến giữa 3 thế lực diễn ra gần như không có hồi kết, lần lượt từng chiến binh ngã xuống, thân xác nằm sâu dưới dòng sông thăm thẳm hoặc bị vùi chôn dưới lớp đất đá của những tường thành đổ nát, hoang tàn...
Không ai mong muốn chiến tranh cả, nhất là một cuộc chiến bất tận kéo theo nhiều đau thương, mất mát như trong For Honor, đã có lúc tướng lĩnh của cả 3 phe muốn mưu cầu hòa bình. Thế nhưng, một nữ chúa với danh xưng Apollyon không muốn điều đó, ả lãnh đạo Blackstone Legion với mục đích gieo rắc chiến tranh, 'mạnh được yếu thua' chính là tôn chỉ của ả và chiến tranh giữa 3 thế lực lại tiếp diễn.
Là một game tập trung chủ yếu vào chế độ chơi mạng, rõ ràng, phần chơi chiến dịch (Campaign) không được người viết kì vọng nhiều. Tuy nhiên, Ubisoft cũng đã cố gắng mang đến một chế độ Campaign tạm ổn với khoảng 6 tiếng chơi liên tục, người chơi điều khiển các anh hùng theo từng phe gồm Warden (Knight), Raider (Viking), Orochi (Samurai) cùng những trường đoạn khá kịch tính như rượt đuổi trên lưng ngựa hay trấn thủ thành trì...
Sở dĩ phần chơi Campaign của game chỉ dừng ở mức tàm tạm vì cách dẫn dắt câu chuyện không có tính liên kết dù cốt truyện mà nhà sản xuất đưa ra là rất có tiềm năng. Đơn cử như động cơ gây chiến của Apollyon khá bất hợp lý và không rõ ràng. Bên cạnh đó, ngoài nhân vật chính ra thì các nhân vật phụ lẫn phản diện khác đều tương đối mờ nhạt, người chơi khá khó khăn để phân biệt họ với vô số... những tên lính khác.
Chơi mạng tỏa sáng
Sau khi "thư giãn gân cốt" với phần chơi Campaign, phần chơi mạng (Multiplayer) mới chính là thử thách thực sự, tạo nên một For Honor đúng nghĩa. Về mặt lối chơi, nếu đã từng trải nghiệm Beta của game, bạn sẽ thấy For Honor sở hữu hệ thống chiến rất độc đáo, yêu cầu sự phản xạ nhanh nhạy nơi người chơi. Ubisoft gọi hệ thống này là Art of Battle, bạn sẽ sử dụng Ctrl để khóa mục tiêu (Lock Target), chuyển đổi giữa các mục tiêu bằng phím Alt, chém mạnh (Heavy Attack) bằng chuột trái, chém nhẹ (Light Attack) bằng chuột phải và phá thế đỡ (Guard Break) bằng chuột giữa.
Hệ thống này không có nút đỡ đòn (Block) nên khi ra đòn cũng như đỡ đòn, bạn sẽ phải chọn thế ra chiêu (Stances) trái, phải hoặc trên cao bằng cách lắc chuột theo hướng phù hợp. Mỗi chiến binh sẽ có thanh lực (Stamina - tiêu hao dần khi hành động và sẽ dần hồi phục) nên bạn phải chú ý kĩ, tránh cảnh nhân vật hết Stamina, không còn khả năng chống đỡ và trở thành "bao cát" cho đối thủ xả chiêu. Ngoài ra, bạn còn có thể tận dụng địa hình để "hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn" đối thủ bằng cách đẩy hắn xuống vực hay ép vào bẫy chông...
Có thể nói, Art of Battle được nhà sản xuất xây dựng rất kĩ lưỡng, một hệ thống chiến đấu dễ làm quen nhưng khó thuần thục, đòi hỏi người chơi phải dành nhiều thời gian luyện tập.
Hiện tại, game cung cấp tổng cộng 12 hero tương ứng với 3 phe Knight, Samurai và Viking (phiên bản Season Pass sẽ bổ sung thêm 6 hero mới). Ứng với mỗi phe sẽ là 4 lớp chiến binh bao gồm: Vanguard - dễ chơi, cân bằng, Assassin - nhanh nhẹn, nguy hiểm nhưng "mong manh, dễ vỡ", Heavy - nặng nề, "trâu bò" và Hybrid - kết hợp giữa Vanguard, Assassin và Heavy.
Mỗi chiến binh sẽ sở hữu cho mình bộ combo, tuyệt chiêu cùng các chiêu thức kết liễu (Execution) khác nhau. Điểm hay của Ubisoft là tạo nên sự riêng biệt của từng chiến binh từ thần thái cho đến cách họ ra đòn. Đơn cử như Peacekeeper luôn lựa thế để kéo máu đối phương rồi rút về an toàn, Kensei phòng thủ chặt, chọn thời điểm tung combo lấn át đối thủ hay Orochi tung những đòn thế bất ngờ, phản công nhanh khiến kẻ địch không kịp trở tay...
Chiến trường trong For Honor mang đến cho người chơi những cảm xúc khác nhau, từ kịch tính trong chế độ "một mất một còn" 1v1 Duel, "song đấu" 2v2 Brawl đến hoành tráng, máu lửa trong chế độ "chiếm cứ điểm" 4v4 Dominion hay Team Death Match.
Khác với dòng game hack and slash Dynasty Warriors của Koei Tecmo, A.I trong For Honor tạo cho bạn cảm giác đang chiến đấu với những thực thể sống động, có sự tương tác dù bạn cũng chỉ mất 1-2 phát đánh để hạ gục chúng. Do For Honor cho phép bạn tương tác với tất cả các đối tượng, nên lắm lúc, bạn hoàn toàn có thể... "choảng" nhầm đồng đội cùng chiến tuyến nếu như không cẩn thận. Sau mỗi trận chiến căng thẳng, người chơi sẽ được thưởng điểm để lên cấp độ (tối đa là 20) để chiêu mộ hero cũng như trang bị, nâng cấp vũ khí.
Là một game thiên về online nên For Honor cũng bổ sung cơ chế Faction Wars, sau mỗi trận chiến, người chơi sẽ được thưởng điểm War Assets và cộng dồn vào các lãnh thổ mà phe của bạn đang tranh giành. Sau mỗi 6 tiếng, game sẽ thống kê điểm War Assets trong khu vực để chọn ra phe nào giành được lãnh thổ đó.
Mỗi mùa giải (Season) trong game kéo dài 10 tuần và sau khi kết thúc một Season, người chơi của mỗi phe sẽ có cơ hội nhận được các phần thưởng giá trị, xứng đáng với công sức bạn bỏ ra để góp phần chinh phục các lãnh thổ.
Đồ họa đẹp nhưng không "nặng máy"
Cấu hình của For Honor rất "dễ thở" đúng như lời nhà sản xuất tuyên bố trước đó. Thật vậy, trò chơi không hề "sát" phần cứng khi bạn hoàn toàn có thể chạy ở mức Medium - High trên chiếc card tầm trung GTX 750ti. Với những dòng card thuộc phân khúc cao cấp như R9 290 thì người chơi có thể tự tin để mức đồ họa Extreme mà không gặp khó khăn gì.
Sau nhiều "cú phốt" downgrade (giảm chất lượng đồ họa) game của Ubisoft từ "kẻ tiên phong" Watch Dogs cho đến gần nhất là Tom Clancy’s The Division khiến niềm tin nơi các fan dần mai một. Nhưng với màn thể hiện tốt của Watch Dogs 2, người viết tiếp tục tin tưởng vào For Honor và thật sự, đồ họa của game đã không khiến cho người hâm mộ thất vọng. Từ ngoại trang, thần thái, bắt chuyển động (motion capture) của binh lính, các hero đến những đòn thế đẹp mắt, hiệu ứng khói lửa, cháy nổ... tất cả đều được chăm chút kĩ lưỡng.
Sánh đôi cùng đồ họa là âm thanh chất lượng với giọng lồng tiếng hùng hồn cũng những bản nhạc nền bi tráng, hào hùng đến từ bộ đôi nhà soạn nhạc tài năng Danny Bensi và Saunder Jurriaans như thổi hồn vào từng trận chiến.
Điểm yếu còn tồn đọng của For Honor chưa được khắc phục từ bản Beta đó là tình trạng server thiếu ổn định. Game sử dụng cơ chế hoạt động Peer-to-peer (khi vào trận, game sẽ chọn một người có đường truyền tốt nhất làm host cho cả phòng) để tiết kiệm chi phí nên trò chơi vẫn xảy ra tình trạng mất kết nối, nhất là trong chế độ 4v4. Một số trận, người viết phải chờ đợi khá lâu để đủ 8 người chơi, không tài nào thoát được room hoặc vào trận bị văng ra. Đôi khi, bạn còn phải "cặp bồ" với 2-3 A.I dẫn đến những trận thua tức tưởi.
Lời kết
For Honor là sản phẩm mới đến từ Ubisoft Montreal đạt được thành công ngoài mong đợi. Mặc dù phần chơi đơn chưa đủ sức hấp dẫn và server của game lắm lúc "gây khó dễ" cho game thủ nhưng với cơ chế chiến đấu lôi cuốn cùng phần chơi mạng thú vị, For Honor vẫn xứng đáng có mặt trong bộ sưu tập game hay của bạn.
Điểm |
Ưu Điểm
|
Nhược Điểm
|
Game được đánh giá trên hệ máy PC. Cám ơn nhà phát hành Ubisoft đã hỗ trợ Thanh Niên Game thực hiện bài viết này.
This review is based on a PC copy of the game. Thank Ubisoft for providing us downloadable code.
Bình luận (0)