Đánh giá năng lực đợt 1: Toán, văn 'dễ thở'; đến lý, hóa 'thở không ra hơi'

Ngọc Long
Ngọc Long
07/04/2024 13:55 GMT+7

Sau khi hoàn thành bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, nhiều thí sinh 'than trời' với các câu hỏi về khoa học tự nhiên, song nhận xét phần toán, tiếng Việt, tiếng Anh và khoa học xã hội khó mất điểm.

Đánh giá năng lực đợt 1: Toán, văn 'dễ thở'; đến lý, hóa 'thở không ra hơi'- Ảnh 1.

Học sinh hào hứng sau khi hoàn thành bài thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM vào trưa 7.4

NGỌC LONG

Đúng 11 giờ ngày 7.4, sau 150 phút làm bài, gần 96.000 thí sinh chính thức kết thúc kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM. Tại điểm thi Trường ĐH Văn Lang (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), thí sinh có những nhận định khác nhau về độ khó của đề thi chính thức so với đề thi minh họa từ ĐH Quốc gia TP.HCM, song nhiều học sinh đều cho rằng dễ đạt điểm cao ở môn toán, tiếng Việt và các câu xã hội.

Phan Mai Thùy Trâm và Trần Ngọc Diễm Quỳnh, cùng học lớp 12A10 Trường THPT Marie Curie, đánh giá đề "vừa khó vừa dễ". Trong đó, có những phần như toán là chỉ cần áp công thức là có thể giải dễ dàng, hay tiếng Việt không có nhiều câu hỏi lắt léo. "Nói chung tụi em thấy phần toán là 'dễ thở' nhất nếu so với đề minh họa chính thức. Nhưng những câu hỏi môn lý và hóa đặc biệt làm khó chúng em", hai nữ sinh chia sẻ.

Nữ sinh ở Long An ngồi xe lăn đến TP.HCM tham dự kỳ thi đánh giá năng lực 2024

Chung tâm trạng, Phan Bảo Tiến Khoa, học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cũng cho biết em cảm thấy chật vật với các câu hỏi lý, hóa, sinh, trong khi toán không quá đánh đố và em có thể làm hơn một nửa. Đinh Trần Thụy, học cùng trường, thì thẳng thắn: "Em thở không ra hơi với đề lý và hóa, chỉ có thể 'khoanh lụi' hết. Đặc biệt, đề hóa ra những phương trình và các chất rất lạ với em".

Đánh giá năng lực đợt 1: Toán, văn 'dễ thở'; đến lý, hóa 'thở không ra hơi'- Ảnh 2.

Trần Thụy và Tiến Khoa cho biết đều gặp khó ở các môn khoa học tự nhiên trong bài thi đánh giá năng lực đợt 1

NGỌC LONG

Đánh giá năng lực đợt 1: Toán, văn 'dễ thở'; đến lý, hóa 'thở không ra hơi'- Ảnh 3.

Học sinh sau khi hoàn thành bài thi

NGỌC LONG

Cũng học Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Ngọc Bảo Nhi, lớp 12A10, cho biết dù đã có ý định du học Đức và đang chờ kết quả xét tuyển của trường nước ngoài, em vẫn dự thi đánh giá năng lực. "Phần vì em muốn thử thách bản thân để xem khả năng mình đến đâu, phần để tạo kỷ niệm cùng các bạn đồng trang lứa. Phần khó nhất với em là đọc văn bản để giải quyết vấn đề các câu hỏi lý, hóa, sinh", Nhi chia sẻ, nói thêm phần thi tiếng Anh, tiếng Việt, sử và địa không khó để giải quyết.

Bắt đầu tự học và luyện đề từ hơn 1 tháng trước, Ngô Nguyên Anh và Phạm Lê Quỳnh Anh, cùng học lớp 12D5 Trường THPT Marie Curie, nhận định các câu hỏi toán trong đề chính thức khó hơn đề minh họa, nhất là các câu hỏi về tư duy logic. "Chúng em mất khá nhiều điểm ở các câu hỏi toán, lý, hóa, sinh. Nhưng vì chỉ thi với tâm thế thử sức là chính nên chúng em cũng không đặt nặng kết quả đạt được", cả hai bộc bạch.

Năm nay, kỳ thi đánh giá năng lực có 51 trường ĐH, CĐ từ Thừa Thiên-Huế trở vào cùng tham gia phối hợp tổ chức; tại 24 địa phương gồm: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Đánh giá năng lực đợt 1: Toán, văn 'dễ thở'; đến lý, hóa 'thở không ra hơi'- Ảnh 4.

Thí sinh hoàn tất bài thi đánh giá năng lực tại điểm thi Trường ĐH Văn Lang

NGỌC LONG

Đánh giá năng lực đợt 1: Toán, văn 'dễ thở'; đến lý, hóa 'thở không ra hơi'- Ảnh 5.

Kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 năm nay thu hút gần 96.000 thí sinh dự thi

NGỌC LONG

Theo thông tin do Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM) công bố, năm nay dự kiến có 105 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi để xét tuyển một phần chỉ tiêu. Thí sinh sẽ làm bài thi trên giấy theo hình thức trắc nghiệm, gồm 120 câu hỏi trong 150 phút. Độ khó câu hỏi được chia theo 3 cấp độ: cấp độ 1 chiếm 30%, cấp độ 2 chiếm 40% và cấp độ 3 chiếm 30%.

Cấu trúc bài thi gồm 3 phần, mỗi phần kiểm tra các lĩnh vực kiến thức khác nhau. Phần 1 liên quan đến kiến thức tiếng Việt và sử dụng tiếng Anh. Phần 2 về toán học, tư duy logic và phân tích số liệu sẽ đánh giá khả năng áp dụng các kiến thức toán học; khả năng tư duy logic; khả năng diễn giải, so sánh, phân tích số liệu. Phần 3 giải quyết vấn đề sẽ đánh giá khả năng hiểu các kiến thức giáo khoa cơ bản và áp dụng để giải quyết các vấn đề cụ thể thuộc 5 lĩnh vực, gồm 3 lĩnh vực khoa học tự nhiên (hóa học, vật lý, sinh học) và 2 lĩnh vực khoa học xã hội (địa lý, lịch sử).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.