Đánh giá: Pokemon X/Y - Hồi sinh một "huyền thoại"

27/01/2014 20:00 GMT+7

Khi Pokemon X/Y hạ cánh xuống các cửa hiệu game, nó đã lập tức "cháy hàng". Bí mật gì đã khiến Pokemon X/Y có thể vực dậy cả một dòng game tưởng như đã chết? Hãy cùng tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây nhé.

  • Phát triển: GameFreak
  • Phát hành: Nintendo
  • Thể loại: Nhập vai
  • Hệ máy: Nintendo 3DS
  • Ngày phàt hành: 12.10.2013

Ngày 12.10.2013, khi Pokemon X/Y, phiên bản mới nhất của dòng game kinh điển Pokemon được phát hành, tất cả cửa hàng bán lẻ game đã "cháy hàng". Hãng Nintendo phải cấp tốc xuất xưởng thêm 2 đợt hàng với quy mô lớn hơn chỉ 1 tuần sau đó. Pokemon X/Y nhanh chóng soán ngôi phiên bản bán chạy nhất của thế hệ thứ 4, Diamond/Pearl/Platinum, với hơn 4 triệu bản game bán ra chỉ trong 1 tháng.

Vậy, bí mật gì đã khiến Pokemon X/Y đạt được sự hâm mộ đến vậy, nhất là khi những phiên bản trước đã cho thấy sự đi xuống của cả dòng game? Hãy cùng Thanh Niên Game tìm hiểu qua bài đánh giá sau đây.

Cốt truyện

Từ sau thế hệ thứ 2 (Gold/Silver/Crystal), cốt truyện trong các bản game Pokemon chưa bao giờ đạt đến cao trào như người tiền nhiệm này. Cốt truyện của X/Y cũng không thật sự xuất sắc, nhưng nói theo một cách nào đó, đã thổi một làn gió mới mẻ vào bề dày lịch sử của dòng game. Nếu trước đây Pokemon vẫn bị nhận định là game cho… con nít chơi thì giờ đây ai phát biểu câu đó có lẽ sẽ phải suy nghĩ lại.

Cốt truyện trong X/Y nếu xét theo kiểu "nhân vật chính cùng những người bạn" thì sẽ chẳng có gì đáng nói, bởi lẽ nó vẫn… y xì như trước giờ: một ông/bà giáo sư "ấm ớ" nào đó tặng cho bạn một con Pokemon và một quyển PokeDex với sứ mệnh “Gotta catch ‘em all” (Hãy bắt hết cả bọn). Thật sự lắm lúc người chơi sẽ muốn tua qua nhanh đoạn giới thiệu đầu game, bởi từ năm này qua tháng nọ, nội dung chính mà các vị giáo sư muốn truyền tải đến chúng ta… "vũ như cẩn".

Câu chuyện của game chỉ thật sự tỏa sáng khi xuất hiện thế lực phản diện: tổ chức Team Flare và tên trùm Lysandre. Những bi kịch trong đời và cảm giác bất lực nhìn số phận cuốn mất những gì thân thương là động lực khiến Lysandre khát khao tìm lại thứ vũ khí hủy diệt đáng sợ nhất để "thanh tẩy" thế giới. Đan xen trong đó là cuộc hành trình nghìn năm của vị quốc vương thần thoại mãi đi kiếm tìm người bạn Pokemon nhỏ bé đã bỏ ông mà đi khi ông khơi mào trận chiến hủy diệt thế giới cả ngàn năm trước.

Lần đầu tiên trong lịch sử dòng game Pokemon, số phận của những con người cũng như sự phản ánh tâm trạng và bi kịch của họ được khắc họa chân thực và sâu sắc đến thế. Chính tiến bộ này đã giúp dòng game Pokemon thoát khỏi “vòng luẩn quẩn” khi cứ mãi xoay quanh những câu chuyện... nhố nhăng về một nhóm bạn cứu thế giới thoát khỏi tay một nhóm tội phạm "tào lao" nào đó.

Lối chơi

Thuộc tính thứ 18 - Fairy: Từ sau thế hệ thứ 2 với sự ra mắt của 2 thuộc tính Dark (bóng tối) và Steel (sắt thép) vốn đã nâng tổng số thuộc tính trong game lên 17, xây dựng nên một nền tảng luật thi đấu hết sức chặt chẽ, Pokemon đã trải qua 4 thế hệ không có gì đổi mới. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến cho dòng game càng lúc càng đi vào lối mòn.

Nhà phát triển GameFreak hẳn muốn thay đổi thế bí này khi giới thiệu thuộc tính thứ 18: Fairy (thần tiên), đủ để khiến cho môi trường thi đấu (metagame) vốn đang vững như bàn thạch lại phải một lần nữa rung chuyển. Nếu từ thế hệ thứ 5 (Black/White) trở về trước, các Pokemon hệ Dragon (rồng) vốn hoành hành "bá đạo" không kiêng kị ai trừ nhóm Pokemon Steel (thép) với sức phòng thủ "trâu bò", thì giờ đây những con rồng hung bạo đã có thêm một khắc tinh chí mạng: Pokemon hệ Fairy hoàn toàn miễn nhiễm với các đòn tấn công hệ Dragon. Siêu tuyệt chiêu Draco Meteor của những con rồng thần vốn một thời gây kinh hoàng với danh hiệu “1 chưởng tắt thở” giờ đây… tịt ngòi trước các Pokemon Fairy dễ thương nhỏ bé.

Nếu trước đây, hệ Steel và Poison (độc tố) vốn chỉ giữ vai trò hỗ trợ đồng đội vì khả năng tấn công hạn chế, giờ đây chúng đã có đất dụng võ hơn khi được giao “trọng trách” khắc chế hệ Fairy. Chính những thêm thắt này đã khiến các tư duy chiến thuật của metagame phải thay đổi cấp tốc - đi kèm với việc các hiệu ứng thời tiết (Sun, Rain, Sandstorm, Hail) chỉ còn tác dụng trong 5 lượt thay vì vĩnh viễn cũng đã khiến cho chiến thuật Weather-War (chiến tranh thời tiết) vốn một thời là "sách gối đầu" của các game thủ giờ đã không còn "đất dụng võ".

Tiến hóa cao cấp Mega-Evolution: Số Pokemon mới trong phiên bản X/Y này không nhiều, một phần lý do là có khá nhiều Pokemon cũ được thay đổi hoặc gán thêm thuộc tính Fairy, khiến chúng trở thành Pokemon mới. Lý do còn lại là vì GameFreak đưa ra một tính năng mới khiến cho các chiến thuật trong Pokemon trở nên đa dạng hơn : Mega-Evolution.

Thông qua những viên đá Mega mà một số Pokemon vốn đã tiến hóa cấp cuối như Charizard, Gyarados… có thể tiến hóa thêm lên một cấp mới, với chỉ số vượt trội cùng những kĩ năng đặc biệt. Chẳng có gì đáng sợ hơn một con MegaLucario hoặc MegaGengar với khả năng tấn công siêu tốc cùng hàng loạt nâng cấp đáng sợ, khiến những linh thần từng thống trị cấp thi đấu Uber như Kyogre, Rayquaza… trở thành trò cười. Thậm chí những Pokemon từng đã phải chịu số phận "cùi bắp" lẹt đẹt mãi ở dưới cấp thi đấu Neverused như Kangaskhan và Mawile giờ đây cũng đã nhảy vèo lên tới mấy bậc chỉ nhờ vào tiến hóa Mega.

Tất nhiên cái gì cũng phải có cái giá của nó, Mega-Evolution cũng không phải ngoại lệ. Mỗi đội 6 Pokemon chỉ có 1 con được phép tiến hóa Mega, và khi nó bị rút vào để thay con khác ra thì trạng thái Mega sẽ mất. Và tuy tiến hóa Mega mang lại nhiều nâng cấp mạnh mẽ, nhưng việc mất đi một món vật phẩm đeo trên người đôi khi sẽ khiến các game thủ phải suy tính lại khi quyết định chọn một Pokemon để Mega-Evolution.

Nói gì thì nói, thật sự các Pokemon được gán đặc quyền Mega-Evolution giờ đây có những hình thù rất “ngầu" khiến ai cũng phải mê tít. Ví dụ như MegaCharizard X giờ đây khoác lên bộ cánh đen sẫm và ngọn lửa xanh bất diệt hoặc MegaMewtwo X trở nên cơ bắp cuồn cuộn, bá khí ngập tràn.

Lối chơi (tiếp theo):

Horde Battle: Nếu bạn từng than chán vì cứ phải 1 chọi 1 với Pokemon trong hoang dã, và phải chờ đối mặt với các đối thủ Trainer khác mới được tham gia vào những trận đánh 2 chọi 2, 3 chọi 3, thì trong Pokemon X/Y sẽ cho bạn cơ hội được… 1 chọi 5 với tính năng Horde Battle.

Ngẫu nhiên trên đường đi, bạn sẽ chạm trán với một nhóm 5 Pokemon cùng loại. Cấp độ của bọn này chỉ bằng phân nửa so với khu vực đó, tuy vậy nếu bạn không sở hữu các tuyệt chiêu đánh diện rộng như Surf hoặc Earthquake thì bạn sẽ phải tiêu tốn kha khá thời gian để hạ gục chúng đấy.

Tuy vậy, Horde Battle chính là "chìa khóa" cho những Trainer gạo cội muốn cày điểm EV (Effort Values) cho Pokemon của mình, bởi lẽ chỉ cần đánh một trận là bạn có thể thu về lượng EV gấp 5 lần bình thường.

Nhân nhắc về EV, giờ đây X/Y cung cấp cho người chơi thêm mục Super Training có thể truy cập bất cứ lúc nào. Bạn có thể cho Pokemon của mình dợt bao cát để tăng EV, hoặc tham gia minigame bắn bóng để tích lũy điểm EV nhiều hơn. Cày EV là một công việc nhàm chán và đầy ác mộng ở các bản trước, vì có khi bạn sẽ phải đánh hạ hơn 1000 con Rattata chỉ để cày max chỉ số EV cho MỘT Pokemon của mình. Giờ đây, với nhiều thay đổi ưu ái này, người chơi sẽ thấy "dễ thở" hơn.

Làm đẹp: Nếu bạn đã từng phát chán vì nhân vật mình lỡ chọn quanh năm suốt tháng chỉ mặc mỗi… một bộ đồ cùng vẻ mặt "ngố rừng", hẳn sẽ vui mừng với tính năng cực sáng giá: diện thời trang cho nhân vật.

Rải rác trong các thành phố lớn dọc hành trình qua vùng đất Kalos là những cửa hiệu quần áo và tiệm hớt tóc. Mỗi khi chiến thắng một thủ lĩnh Gym hoặc gia tăng chỉ số “sành điệu” thì số vật phẩm được bày bán trong các tiệm càng nhiều, tha hồ cho bạn trổ tài "tạo mẫu" cho nhân vật chính. Số vật phẩm trong game vô cùng đa dạng, từ mũ nón, áo quần cho đến kính đeo mắt, giày vớ, túi xách…

Bên cạnh đó, yếu tố tương tác với Pokemon vốn được yêu thích trong phiên bản Yellow đến mức Nintendo đã mang nó trở lại trong bản remake Heart Gold/ Soul Silver trên DS giờ đây lại tái xuất hiện với quy mô lớn hơn. Bạn có thể chơi đùa cùng Pokemon của mình qua những minigame dễ mà khó, thậm chí là cho chúng ăn và vuốt ve chúng. Chưa bao giờ khoảng cách giữa người chơi và Pokemon lại gần đến như vậy, không khác gì bạn đang nuôi những bé thú cưng thật cả!

Hình ảnh - âm thanh

Khi lên nền 3DS, ai cũng biết đồ họa của Pokemon X/Y sẽ được cải tiến vượt bậc, nhưng chắc chắn không ai ngờ đến việc toàn bộ thế giới cũng như tạo hình nhân vật trong game hoàn toàn đều là  mô hình 3D!

Đã qua rồi thời nhân vật trong game là tạo hình chibi "đầu to đít teo" hoặc những tòa nhà phẳng lỳ được sao chép một cách máy móc. Pokemon X/Y  có một thế giới 3D rộng mở với độ nét chi tiết được đầu tư hết sức tỉ mỉ, và các nhân vật được tạo hình trưởng thành chín chắn hơn hẳn. Tuy hình ảnh trong game vẫn còn nhiều răng cưa, nhưng nếu không dí mắt vào cố tình soi mói thì sẽ chẳng ai để ý tới. Đặc biệt, thời gian trong game sẽ theo thời gian thực, và cảnh trí cũng sẽ thay đổi theo mùa ở nơi người chơi đang sống.

Tuy vậy, không hiểu vì lý do gì, một số đoạn chuyển cảnh hoặc trong các trận Horde Battle, khung hình của game đôi khi trồi sụt khá thất thường. Tuy việc này không mấy ảnh hưởng đến trải nghiệm chơi, nhưng cũng đủ khiến chúng ta băn khoăn liệu Pokemon X/Y đã chạm đến giới hạn phần cứng của 3DS chưa?

Một điểm cộng khác là các trận đấu Pokemon đã trở nên khốc liệt hơn, do các Pokemon có thể cử động để hiển thị các tư thế ra đòn, đi kèm với những hiệu ứng chiêu thức hoành tráng cùng những góc nhìn ngẫu hứng được thay đổi tinh tế.

Âm thanh trong game không có gì đáng để phàn nàn. Vẫn những đoạn nhạc vui tươi thể hiện rõ rét những cảnh quan khác nhau trong game. Đặc biệt, cao trào nhất hẳn là đoạn nhạc bi tráng khi trận chiến với Lysandre kết thúc bằng việc kẻ kiêu hùng này phải vùi thân dưới đất sâu, chôn chặt thứ vũ khí hủy diệt thế giới mà hắn từng trăm phương ngàn kế để kích hoạt.

Vẫn còn những hạt sạn...

Ngoài những cải tiến đáng khen, Pokemon X/Y vẫn còn mắc phải một số vấn đề nhỏ. Đầu tiên là cốt truyện trong phần chơi đơn quá ngắn. Game gần như đã kết thúc hoàn toàn sau khi người chơi đánh bại Tứ Đại Thiên Vương (Elite Four) chứ không có phần hậu cảnh (post-game) như các phiên bản trước. Nguyên nhân theo người viết dự đoán, có lẽ vì Nintendo chú trọng nhiều đến mảng chơi mạng hơn.

Nhân nhắc đến chơi mạng, lần này Nintendo đã làm xuất sắc việc tạo dựng một công cụ mạnh để giúp cộng đồng Pokemon kết nối với nhau. Ngoài những tính năng vốn có như Battle (đấu tay đôi) hoặc Trade (trao đổi), giờ đây người chơi thậm chí còn có thể add nickname của nhau và sử dụng chế độ voice chat để trao đổi. Dịch vụ trao đổi toàn cầu (global trading) cho phép bạn đưa một Pokemon lên mạng cùng yêu cầu trao đổi nào đó. Nnếu được đáp ứng, việc trao đổi sẽ được tiến hành tự động mà không cần bạn phải online.

Một điểm trừ khác của Pokemon X/Y hẳn là các linh vật đại diện cho dòng game lần này như Xerneas (bản X) và Yveltal (bản Y) ngoài cái mã đẹp ra thì… khá là "cùi bắp". Cả về chỉ số lẫn bộ kĩ năng đều không thể so với những huyền thoại một thời như Mewtwo, Dialga, Palkia… Còn linh vật thứ 3 thì thà đừng làm còn hơn, bởi lẽ Zygarde vừa xấu vừa dị hợm đến mức ai cũng phải hồ nghi là liệu Nintendo… có cho ra đời một phiên bản thứ 3 có tên Z hay không. Sẽ chẳng ai muốn mua một bản Pokemon mà linh vật chính lại là một con… sâu béo ú và xấu mù như thế cả.

Đánh giá: Pokemon X/YĐánh giá: Pokemon X/Y

Từ trái sang: Xerneas, Yveltal và Zygarde

Tổng kết

Sau một quãng thời gian sụt giảm cả về chất và lượng từ sau thế hệ thứ 3 Ruby/Sapphire/Emerald, sau cùng dòng game Pokemon cũng đã trở về lại với thời hoàng kim của mình. Phiên bản Pokemon X/Y thực sự là một cú “hit” của dòng game với vô vàn cải tiến trong lối chơi đi kèm với một nền tảng đồ họa xuất sắc. Dù bạn là fan của Pokemon hay không thì X/Y vẫn rất đáng để trải nghiệm, và hy vọng rằng phiên bản tiếp theo vẫn duy trì được phong độ này, thậm chí là tốt hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.