Thông tin game
- Thể loại: Chiến thuật/ Lén lút (Tactical/ Stealth)
- Hãng sản xuất: Mimimi Productions
- Hãng phát hành: Daedalic Entertainment
- Nền tảng: PC (Dự kiến sẽ ra mắt trên PS4 và Xbox One trong tương lai)
- Ngày ra mắt: 6.12.2016
- Link mua game trên Steam
Từng làm mưa làm gió hàng chục năm về trước với những tượng đài như Commandos, Desperados, Robin Hood, … tuy nhiên, dòng game chiến thuật lén lút không thể chống chọi với sự thay đổi khốc liệt của thị hiếu ngành game, để rồi đánh mất chính mình, dần dần bị trôi tuột khỏi sự phát triển của ngành.
Cột mốc tiêu biểu nhất cho quá trình trượt dài này chính là Commandos: Strike Force (2006) – phiên bản thứ 5 của dòng game Commandos huyền thoại. Không tự tin vào chính mình và tự phủ nhận những giá trị bản thân, Commandos: Strike Force được xây dựng dưới dạng game hành động góc nhìn thứ nhất, để rồi nhanh chóng thất bại và đặt dấu chấm hết cho thời kỳ hoàng kim của Commandos, hay nói rộng hơn là dòng game chiến thuật lén lút.
Shadow Tatics: Blades Of Shogun là một bất ngờ của năm 2016
Sau cột mốc đen tối ấy, một cuộc “chia tay” vĩ mô đã diễn ra giữa các nhà phát triển và dòng game chiến thuật lén lút. Để rồi hàng chục năm về sau, Commandos, Desperados,… chỉ còn tồn tại trong ký ức của những thế hệ game thủ đời đầu.
Vậy mà ngay trong những ngày cuối năm 2016, phép lạ đã xảy ra, khi một gã vô danh ở tận nước Đức đã hồi sinh dòng game chiến thuật lén lút, với một sản phẩm đầy chỉnh chu có cốt truyện kể về sự phục thù của những người… Nhật Bản.
Đó là câu chuyện cổ tích ngành game, về Mimimi Productions và Shadow Tactics: Blades Of Shogun.
Ký ức tràn ngập
Shadow Tatics: Blades Of Shogun mở màn bằng cuộc đột nhập của Hayato – nhẫn giả có thân thủ xuất quỷ nhập thần, cùng kỹ năng ám sát thượng thừa. Người chơi được làm quen với các pha bay nhảy vượt qua địa hình hiểm trở, trước khi hạ gục kẻ địch bằng thanh Katana sắc bén hoặc những pha “ném tiêu” nhanh như chớp. Chỉ sau vài khoảnh khắc trải nghiệm ngắn ngủi đó, người viết đã nhanh chóng nhận ra đây chính là hiện thân của Commandos, sau quá nhiều năm tháng tồn tại như một ký ức đẹp trong tâm khảm.
Lần mò dọc theo bức tường và những bụi cây, tránh né tầm nhìn của địch, hạ gục từng tên một và phi tang mọi dấu tích, vọt lên mái nhà như một chú mèo để lánh mặt toán tuần tra đông đảo,… chất liệu chiến thuật/lén lút ấy thấm nhuần trong từng thớ thịt của Shadow Tatics. Người viết cá rằng, những game thủ đời đầu từng chơi đi chơi lại cả trăm lần Commandos, Desperados, chắc chắn sẽ không thể không xúc động trước cảm giác kinh điển mà Shadow Tatics mang lại.
Đặc biệt, dù được so sánh nhiều với Commandos, nhưng theo cảm nhận cá nhân của người viết, Desperados mới thực sự là sản phẩm truyền cảm hứng lớn cho đội ngũ Mimimi Productions. Trong đó, chất liệu đồ họa và phong cách thiết kế là yếu tố dễ nhận ra nhất, dù cho bối cảnh của hai trò chơi này là một trời một vực. Ngoài ra, cơ chế Shadow Mode của game cũng chịu ảnh hưởng lớn từ tiền bối Desperados, mà bài viết sẽ đề cập kỹ hơn ở phần sau.
Nền tảng đồ họa 3D của game rất xuất sắc, ấn tượng, kiến tạo những góc quan sát thuận lợi cho game thủ. Các mảng miếng sáng tối, màu sắc, chi tiết nhân vật… được thể hiện vô cùng đặc sắc. Thú vị ở chỗ, dù hoàn toàn 3D nhưng trò chơi không cứng nhắc bám theo xu hướng tả thực, mà sẵn sàng phá cách nhằm mang lại chất lượng “nghe – nhìn” tốt nhất cho game thủ.
Cũng cần phải nói thêm, thành công nhất khâu thiết kế đồ họa của game chính là sự kinh điển, mang lại cảm giác rất thân thuộc cho những ai từng say mê Commandos lẫn Desperados.
Cân não, hung tàn và quyến rũ
Không chỉ tái tại phần “vỏ” từ những người tiền nhiệm, chất liệu màn chơi của Shadow Tatics mới thật sự là mảng miếng thể hiện sự đầu tư của đội ngũ phát triển.
Với độ khó “kinh hoàng”, bản đồ tràn ngập địch thủ và sự nguy hiểm đeo bám trên từng bước chân,… Shadow Tatics buộc người chơi phải tính toán từng đường đi, nước bước dù là nhỏ nhất – tương tự như những người tiền nhiệm trước đây. Thậm chí, không quá khi nói rằng tính thử thách mà Shadow Tactics mang lại còn khủng khiếp hơn các sản phẩm tiền bối. Đáng chú ý, độ khó của game không hề tăng tiến dần theo thời gian, mà lập túc trở thành... cơn ác mộng ngay từ màn chơi thứ… 2.
Với tư duy “phủ sóng” từng tấc đất, kẻ địch trong Shadow Tatics được bố trí dày đặc, bọc lót và yểm trợ nhau cực kỳ chặt chẽ. Các toán tuần tra, chốt canh gác, những cao điểm chiến lược,… đều trùng trùng tai mắt địch thủ. Tuy dày đặc như thế, nhưng sự hiện diện của kẻ địch trong màn chơi rất logic, hợp lý và không hề kiên cưỡng. Không chỉ tồn tại để “tìm và diệt” người chơi, các NPC còn có sự tương tác tốt với nhau (bao gồm cả NPC dân thường), tạo ra quang cảnh sống động.
Chính vì độ khó “trời ơi đất hỡi”, hầu hết diễn tiến màn chơi diễn ra trong trạng thái căng thẳng, buộc người chơi phải vận hành mọi giác quan ở trạng thái cao nhất, không ngừng quan sát và thử nghiệm các phương án tác chiến khác nhau. Mọi sai lầm đều sẽ bị trừng phạt, nhẹ là đợt báo động và lùng sục tổng lực, nặng thì… buộc phải load lại màn chơi. Việc phải thao tác hai phím F5 – F8 (save và load) hàng trăm lần trong một màn chơi là điều rất đỗi bình thường.
Sự hung tàn của cơ chế gameplay này khiến Shadow Tatics bị gắn mác hardcore (chỉ dành cho game thủ hạng nặng), tuy nhiên, nếu đã từng say mê Desperados/Commandos hoặc yêu thích thử thách trí tuệ, thì bạn sẽ dễ dàng nhận ra những nét quyến rũ ẩn tàng bên trong trò chơi.
Để hình dung rõ hơn về độ khó của trò chơi, có thể trích đoạn một tình huống điển hình như sau:
“Thoáng thấy ánh mắt của gã lính gác chuyển hướng, Hayato tăng tốc và vọt qua mé tường, chỉ tránh khỏi việc bị phát hiện đúng ½ giây. Ở phía đối diện, Yuki nhẹ nhàng lướt qua được toán lính gác 3 người, vì chúng đang bị nhan sắc của Aiko làm cho xao nhãng. Yểm trợ đằng sau là tấm thân to lớn của Mugen, cùng khẩu súng tỉa đáng tin cậy trên tay Takuma.
Khi tất cả đã vào vị trí, cả đội thích khách đồng loạt ra tay theo một kế hoạch chặt chẽ đến từng cái chớp mắt. Takuma ra hiệu cho chú chồn Kuma kêu to đánh lạc hướng địch, chớp lấy thời cơ quý giá đó, Yuki hồi hộp chạy như bay ra phía sau, kết liễu và phi tang xác địch trong tổng cộng 4 giây, vừa kịp lúc ánh mắt của chúng quét về phía cô. Từ trên nóc nhà, Hayato phi thân và đâm gục kẻ địch bên dưới, chàng ném phi tiêu và lao đến hạ gục một lúc hai địch thủ - không sai lệch một động tác nào. Tên samurai gần đó đã phát hiện sự việc, nhưng ngay khi hắn vừa mở miệng định hô hoáng, Mugen – thành viên duy nhất trong nhóm có khả năng hạ gục một Samurai – vọt người ra khỏi bụi cây đã mai phục từ trước, hạ gục hắn ta.
Chứng kiến kế hoạch đã thành công trong đường tơ kẻ tóc, Aiko thở phào nhẹ nhõm, rồi nhẹ mỉm cười và tiếp tục hóa thân thành ả Geisha lẳng lơ”.
Tất cả những thao tác đó đều diễn ra liền mạch, gối đầu lên nhau, và không một nhịp điệu nào được phép sai sót. Tất nhiên, cái giá phải trả để người chơi thực hiện thành công pha tác chiến phức tạp đó là… hàng chục lần load game.
5 sắc thái hoàn hảo
Một trong những yếu điểm thường xảy ra trong Commandos và Desperados, là có khá nhiều nhân vật trong game tỏ ra ít hữu dụng, không có đóng góp và tác động nhiều đối với màn chơi. Điều này đã được khắc phục trong Shadow Tatics, nhưng, đội ngũ phát triển trò chơi buộc phải gói gọn con số nhân vật trong game còn 5 thành viên: nhẫn giả Hayato, samurai mạnh mẽ Mugen, cô bé trẻ tuổi gan dạ Yuki, lão thiên tài cơ khí Takuma và mỹ nữ Aiko.
Sự phân bố sức mạnh cho 5 nhân vật đã được làm rất tốt, ai cũng có điểm mạnh/yếu riêng biệt và tỏ ra hữu dụng ở đa số trường hợp. Tuy vậy, vẫn có ba cái tên mà người chơi sẽ dành nhiều thời lượng để điều khiển hơn hết thảy: Hayato, Mugen và Yuki.
Hayato đại diện cho trường phái ám sát nhanh gọn, dứt khoát, dễ sử dụng. Mugen có khả năng chém giết “bá đạo” nhất trong nhóm, cùng con bài chiến thuật dụ địch ra khỏi vị trí (bằng chai rượu sake). Trong khi đó, Yuki đa dụng ở nhiều tình huống, và có tiềm năng khai thác lớn nhất trong cả ba, tùy theo mục đích sử dụng của game thủ.
Theo đánh giá cá nhân của người viết, cả 5 nhân vật này cung cấp hàng trăm cách thức tác chiến khác nhau, mang lại nhiều sự lựa chọn chiến thuật. Bản thân phần gợi ý của trò chơi cũng luôn luôn đề cao sự tự do trong tư duy, triển khai lối chơi của game thủ. Nói một cách dễ hiểu, trò chơi luôn luôn cổ vũ người chơi thử nghiệm các miếng đánh mới lạ, sáng tạo. Tuy nhiên, nếu bàn về mặt hiệu quả, thì mỗi màn chơi của Shadow Tatics trên thực tế chỉ có từ 3-4 phương án tiếp cận.
Dù vậy, chừng đó cũng là quá đủ để người chơi thưởng thức những gì tinh túy nhất của Shadow Tatics.
Ngoài những điểm nhấn ấn tượng về kỹ năng, cả 5 nhân vật của trò chơi đều được tạo hình, khắc họa rất có chiều sâu. Dần dà theo diễn tiến cốt truyện, các tuyến nhân vật này dễ dàng đi vào lòng game thủ, khiến người chơi “cảm” được động cơ chiến đấu và cá tính của mỗi người, từ đó thấm thía được các tình huống/diễn biến xảy ra trong game.
Kết: Nét đẹp của sự kinh điển
Không chỉ kinh điển về lối chơi, cấu trúc gameplay, thiết kế màn chơi,… Shadow Tatics còn rất thành công trong việc phục dựng cốt truyện đậm chất Á Châu, mang thần thái của những bộ phim cổ điển. Trong đó, đề tài chính vẫn xoay quanh câu chuyện về danh dự, tình bạn và sự trung thành. Đặc biệt, cách kể chuyện của game không vồn vã, thú vị, và có được sự bất ngờ cần thiết để tạo thành những điểm nhấn khó quên cho người chơi.
Một điều mà người viết cực thích ở Shadow Tatics, là sự chỉn chu và công sức đáng kể mà đội ngũ làm game đã bỏ ra, để trau chuốt các chi tiết nhỏ nhặt nhất của game. Từ phục trang, sự phối màu, ngoại cảnh, chất liệu màu sắc/thiết kế màn chơi… đều cho thấy tâm huyết lớn, tỉ mỉ và tinh tế của những người làm game. Không quá khi nói rằng, sau Shadow Tatics: Blades Of Shogun, Mimimi Production là một trong những hãng làm game mà chúng ta phải “để mắt” đặc biệt.
Điểm
|
Ưu Điểm
|
Nhược Điểm
|
Game được đánh giá trên hệ máy PC. Cám ơn nhà phát hành Daedalic Entertainment đã hỗ trợ Thanh Niên Game trong việc thực hiện bài viết này.
This review is based on a PC copy of the game. Thank Daedalic Entertainment for providing us downloadable code.
Bình luận (0)