(Ảnh: TSMPlug)
Chắc hẳn những tín đồ của game bóng đá đã không còn xa lạ gì với cuộc chiến không ngừng nghỉ diễn ra hàng năm giữa hai đối thủ kỳ cựu: Pro Evolution Soccer (PES) và FIFA. Năm nay cũng không phải ngoại lệ, khi phiên bản 2014 của cả 2 tựa game vừa cập bến PS3 và Xbox 360 vài tuần trước.
PES 2014 của Konami được phát triển trên nền tảng Fox Engine, vốn mạnh mẽ về các tác nhân và hiệu ứng vật lý, trong khi FIFA 14 lại hứa hẹn vô số các nâng cấp và cải tiến mới. Chúng ta hãy cùng thử phân tích ưu – khuyết của 2 anh tài này nhé.
I. Đồ họa
Trên nền tảng Fox Engine, PES 2014 chưa bao giờ đẹp lung linh và sắc nét đến vậy trong cả lịch sử dòng game. Những cầu thủ siêu sao như Neymar của Barcelona đạt được độ chi tiết, số đa giác rất cao, cùng với sự nhuần nhuyễn của cử động nhân vật đã tôn lên vẻ đẹp của PES hơn bao giờ hết. Nhưng tất nhiên, không có gì là hoàn hảo, khi phóng to máy quay vào nhân vật, khung thành… thì số khung hình trên giây (FPS) bị giảm đáng kể, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm khi chơi. Thêm vào đó, những cầu thủ ít danh tiếng lại không được chăm chút kỹ, để lại những động tác cứng đơ cùng ánh mắt vô hồn.
(Ảnh: VentureBeat)
Mặt khác, FIFA 14 lại không thay đổi nhiều ở mảng đồ họa vốn đã rất bắt mắt của nó. Cộng thêm lợi thế khung hình rất ổn định nếu so với PES. Và một điểm nhấn quan trọng nữa, thay vì quá chú tâm “chăm sóc sắc đẹp” cho những cầu thủ kỳ cựu như đối thủ của mình, FIFA cải thiện lại diện mạo cho toàn bộ các cầu thủ trong trò chơi, kể cả những người dù không có nhiều danh tiếng cũng được chăm chút rất tỉ mỉ.
Kết quả: PES 2014 tung cú sút thần sầu từ ngoài vòng cấm. Nhưng không may bóng lại chạm cột dọc khung thành của “đội” FIFA 14.
II. Lối chơi
Nhiều năm trước đây, PES luôn đi đầu về lối chơi sáng tạo và chân thực. Nhưng thay vì tiếp tục cải tiến, đội ngũ phát triển đã quyết định chọn con đường an toàn hơn: “Giữ nguyên hầu hết lối chơi truyền thống.”
Trong quá khứ, dòng game PES từng có những bước cải tiến vượt bậc, từng làm người chơi trầm trồ khen ngợi. Nhưng, 2014 mới là phiên bản có lối chơi “sáng” nhất trong cả dòng game. Thực tế đã cho thấy, những game thủ gạo cội đều tỏ ra hài lòng với sự đồ sộ của những cách thức ghi bàn trong game. Bạn có thể tích lũy một “túi căng đầy” những động tác kỹ thuật như các game đối kháng, rồi sử dụng chúng để thể hiện tư duy, lối chơi cá tính của riêng mình.
(Ảnh: VentureBeat)
Hơn thế nữa, PES 2014 rất có chiều sâu và độ khó nhất định. Tuy nhiên, điều này sẽ thu hút một số lượng game thủ kỳ cựu, song có lẽ sẽ tạo rào cản đối với nhiều người vốn chỉ quen với lối chơi đơn giản, thuần túy giải trí. Nếu điều này xảy ra với bạn? Đừng lo! Hãy lưu tâm và ghi nhớ một vài kỹ thuật nâng cao của game. Ban đầu chúng tỏ ra khá phức tạp để bạn nắm bắt, nhưng một khi đã quen, bạn sẽ thấy thỏa mãn với những lợi ích mà những kỹ thuật này đem lại.
Nhờ vào sức mạnh của Fox Engine mà cử động vật lý, kỹ thuật của các cầu thủ trong PES trở nên có chiều sâu và chân thực hơn. Nhưng trong một số trường hợp, ta thấy cầu thủ trên sân dường như chân… không chạm đất. Thêm một điều nữa, những cú sút trong game mang lại cảm giác khá gượng gạo, mất thời gian hơn để thực hiện, làm lãng phí nhiều cơ hội tốt để dứt điểm, không những thế, đường bóng lại bị chệch đi so với dự tính của người chơi, thường có chiều hướng “Bay lên nào bay… qua hàng rào”. Điều này ảnh hưởng lớn đến phong cách chơi của nhiều game thủ. Sự cố trên có nguyên nhân không đâu xa lạ, chính từ công nghệ vật lý của trò chơi mà ra.
(Ảnh: VentureBeat)
Phía bên kia “chiến tuyến”, FIFA 14 thêm vào tính năng Pure Shot. Nhưng thật đáng buồn, chức năng này không có tác dụng rõ rệt lên kĩ thuật ghi bàn của các cầu thủ như đã hứa hẹn. Có vẻ EA Sports đang nỗ lực biến FIFA thành một trải nghiệm bóng đá mượt mà hơn, mọi động tác của các cầu thủ trong game đều tạo cảm giác rất thanh thoát, gọn ghẽ nhưng không hề đi theo lối mòn của những phiên bản trước đây. Đồng thời FIFA 14 cũng là phiên bản có AI (trí thông minh nhân tạo) tinh quái nhất từ trước đến giờ. Không như trước đây, vào được vòng chung kết của chế độ đá loại sẽ đòi hỏi ở người chơi nhiều kỹ năng hơn. Trái với FIFA 12 và 13, động tác ăn mừng chiến thắng đã không còn được EA Sports chú trọng, điều này thực ra cũng không phải vấn đề gì to tát lắm.
Kết quả: Fifa tung ra cú sút hiểm hóc, bóng vượt qua bàn tay thủ môn và bay thẳng vào giữa lưới. Tỉ số là 1-0 nghiêng về “đội bóng” Bắc Mỹ.
III. Các chế độ chơi
FIFA 14 và PES 2014 đều có những chế độ mang đặc trưng riêng. FIFA có Be a Pro, biến bạn trở thành một cầu thủ, kiêm luôn quản lý đội. Trong chế độ Ultimate Team, bạn sẽ phải thu thập những thẻ bài để có những cầu thủ cho đội của mình, sau đó tăng chỉ số cá nhân và tiềm năng cho họ. Tựa game cũng có chế độ EA Football Club cho phép bạn đặt cược điểm kinh nghiệm cho đội tuyển ưa thích của mình.
(Ảnh: VentureBeat)
Trong khi đó, ở PES vẫn hiện hữu những lựa chọn quen thuộc như Career Mode cho phép bạn tự tạo nhân vật và bắt đầu sự nghiệp tuyển thủ bóng đá của riêng mình. Cùng đó là chế độ Master League đầy cạnh tranh. Nhưng, người viết có cảm giác Career Mode trong PES hơi thua kém và gây thất vọng hơn so với Be a Pro của FIFA, người chơi sẽ mất dần sự kiên nhẫn và cảm thấy nhàm chán dần vì mục chơi này cung cấp quá ít lựa chọn.
Kết quả: Sau một đường chuyền bóng rất thông minh từ phía cầu thủ của đội Bắc Mỹ, đồng đội của anh nhanh chóng dứt điểm, đội Nhật Bản thủng lưới lần thứ 2. Tỉ số trận đấu là 2-0 cho FIFA.
IV. Âm thanh
Về lĩnh vực này, FIFA đã khẳng định mình có mảng bình luận viên hay nhất trong tất cả các tựa game thể thao. Cùng đó là những bài nhạc bản quyền cực kỳ chất lượng. Bao quát nhiều thể loại và ca sĩ khác nhau như Loc Party, Nine Inch Nails và Marcelo D2. Tiếng cổ vũ trên khán đài cũng hết sức sống động. Bạn có thể nghe fan hâm mộ Arsenal hát về đội tuyển của họ cả ngày mà không biết chán.
(Ảnh: EASports)
Âm thanh trong PES tỏ ra kém hơn đối thủ, bình luận trong game rất thiếu tự nhiên và bị giới hạn. Âm nhạc có phần gây rối rắm cho người nghe. Song, vì thiếu bản quyền của rất nhiều đội tuyển, nên tiếng cổ động viên dù không đến nỗi tệ, nhưng chưa thể đa dạng bằng FIFA, và có chiều hướng lặp đi lặp lại.
Kết quả: Sau khi đội Bắc Mỹ ghi được bàn thắng thứ 3, tình hình chuyển biến cực kỳ xấu cho đội tuyển Nhật.
V. Giao diện
Giao diện trong FIFA 14 có một dung mạo hoàn toàn mới, khiến nó khác biệt hoàn toàn với đối thủ của mình, giao diện này mang hơi hướng màn hình điều khiển của Xbox 360, nhã nhặn và thân thiện, nhưng không vì thế mà mất đi tính chuyên nghiệp của nó.
(Ảnh: VentureBeat)
Ngược lại hoàn toàn với FIFA 14, giao diện của PES 2014 có dáng dấp khá xấu xí và tẻ nhạt. Nhiều lúc nó khiến người chơi bị nhầm lẫm giữa các mục với nhau. Không chỉ thế, con trỏ điều khiển gợi lại giao diện của những phiên bản PES từ hệ máy PS2 cũ kĩ. Thật đáng thất vọng!
Vấn đề bản quyền trong PES không hề được cải thiện so với những phiên bản trước đây. Mặc dù đã có bản quyền của UEFA Champions League và Conmebol Copa Libertadores, nhưng đội tuyển Arsenal vẫn bị nhái dưới cái tên “North London”. Chưa hết, một số đội còn phải làm giả tên cầu thủ và màu đồng phục, làm mất đi tính chân thực của trò chơi.
FIFA luôn áp đảo PES ở khâu bản quyền, bằng chứng là game có hầu hết bản quyền của tất cả các đội tuyển.
Kết quả: Bị tung lưới lần thứ 4, Đội tuyển Nhật gần như suy sụp.
VI. Cải tiến
Trong vài năm gần đây, PES bị đối thủ của mình vượt mặt khá xa. Hiển nhiên Konami cần cải tiến thêm cho trò chơi của mình sao cho không bị che khuất bởi cái bóng của đối thủ FIFA. Một sự cải tiến dễ nhìn thấy nhất là Fox Engine, mang đến lối chơi thú vị và trải nghiệm đồ họa chỉ có được ở những thế hệ console trong tương lai.
Điều quan trọng nhất hiện giờ là Konami cần cải thiện hơn một chút về những vấn đề còn lại, bỏ tiền ra để mua thêm bản quyền của các đội tuyển còn thiếu. Nếu đáp ứng được 2 điều này, chắc chắn sẽ có nhiều người ủng hộ PES hơn.
(Ảnh: VentureBeat)
Mặt khác, hiện giờ đối thủ của PES là FIFA lại chọn hướng đi an toàn, giống hệt như lúc PES khi còn trong thời hoàng kim. Nghĩa là không có sự thay đổi lớn giữa FIFA 13 và 14, trừ phần cập nhật chuyển nhượng.
Kết quả: Cuối cùng đội Nhật cũng có được một bàn thắng an ủi, chấm dứt “bài ca phá lưới” của đội Bắc Mỹ. dù thua trận đấu với tỉ số 4-1 nhưng lòng nhiệt huyết và tinh thần thể thao của người Nhật vẫn tràn đầy, sẵn sàng cho trận tái đấu năm sau.
Tổng kết
Dù cái bóng của FIFA quá lớn, nhưng phía PES vẫn cho thấy cải tiến rõ rệt, đặc biệt là “vũ khí” Fox Engine. Trong khi EA lại không có được sự đột phá táo bạo nào, cho thấy cuộc chiến giữa 2 tựa game vẫn chưa ngã ngũ, mà có thể bùng lên mạnh hơn bao giờ hết vào năm 2015.
Bình luận (0)