Đánh giá - Watch dogs: Cần thời gian để... "hack"
Watch dogs có đủ những tiềm năng to lớn để Ubisoft "hack" thêm một dòng game "bom tấn" mới.
Tự động phát
- Phát triển: Ubisoft Montreal
- Phát hành: Ubisoft
- Ngày phát hành: 27.5.2014
- Thể loại: Hành động thế giới mở
- Hệ máy: PC, PS4, Xbox One, PS3, Xbox 360,. Wii U
Sau 1 tuần lễ xuất hiện, game Watch dogs đã phá kỷ lục doanh thu của “gã khổng lồ” Ubisoft, mọi ngóc ngách trên các chuyên trang về game đều tràn ngập hình ảnh của anh chàng hacker Aiden Pearce … Thế nhưng game lại phải nhận điểm số không mấy “bom tấn” (IGN, Gamespot đánh giá tựa game ở mức 8/10). Vậy, đâu là vị trí thực sự của Watch dogs?
Sức ép quá lớn trước ngày phát hành
Ubisoft là một trong những tập đoàn thành công nhất trong ngành công nghiệp game. Trong khoảng 10 năm qua, chưa thời điểm nào những sản phẩm của gã khổng lồ này nằm ngoài danh sách game hay, game bán chạy hàng năm. Đặc biệt là kể từ khi dòng game Splinter cell ra mắt năm 2002, đánh dấu cuộc trỗi dậy mạnh mẽ của hãng.
Điệp viên Sam Fisher - “anh cả” trong "nhà" Ubisoft.
Suốt những năm sau đó Splinter cell, Far cry và Assassin’s creed là 3 ngọn cờ đầu vẫn miệt mài dẫn đường cho Ubisoft đi từ thành công này đến đỉnh cao khác. Nhưng, dù bạn có là fan ruột của Ubisoft (như bản thân người viết), thì cũng phải thừa nhận một thực tế rằng: các series trên đang có dấu hiệu “chững” nhẹ, game thủ đang cần một cú hích mới, một huyền thoại mới. Và cái tên Watch dogs đã ra đời đúng ngay thời điểm quan trọng đó.
Sự kỳ vọng quá lớn từ giới game thủ đã đổ ập lên đôi vai của anh chàng hacker “mũ xám” Aiden Pearce. Sức ép khủng khiếp này càng gia tăng khi Ubisoft thực hiện những chiến dịch PR quy mô lớn, đầy kích thích ròng rã suốt 2 năm trời. Tất cả mọi người đều mong chờ đến ngày “quả bom” Watch dogs phát nổ.
Hacker “mũ xám” Aiden Pearce phải gồng gánh một sức ép khổng lồ ngay từ khi… chưa chào đời.
Nhưng chỉ sau 1 tuần lễ phát hành, không ít game thủ bắt đầu kháo nhau rằng Ubisoft đã…lừa đảo họ, rằng Watch dogs chẳng xứng đáng chút nào trước những lời chào hàng mang tính “chém gió” từ nhà phát hành, rằng đồ họa của game chỉ xứng đáng bằng 50% so với quảng cảo… Gamespot và IGN (2 trang web về game hàng đầu thế giới -TNG) cũng chỉ treo điểm số quanh quẩn mức 8/10 cho Watch dogs. Ngay cả những diễn đàn về game lớn của Việt Nam, không ít người nhanh chóng kết luận Watch dogs là “quả bom xịt” lớn nhất năm nay.
Tỏa sáng bởi những chi tiết độc - lạ
Tạm bỏ qua những “lùm xùm” về đồ họa không đẹp như quảng cáo của game, độ tương thích phần cứng kém… Hãy cho Aiden Pearce một cơ hội, bình tâm thưởng thức thật kỹ trò chơi, bạn sẽ nhận ra Watch dogs hoàn toàn xứng đáng là ngôi sao tiếp theo của hãng Ubisoft.
Điểm sáng đầu tiên của Watch dogs là gameplay rất lạ, nhờ sự can thiệp sâu của chiếc smartphone “bá đạo” của nhân vật chính. Bạn có thể hack vào bất cứ thứ gì chạy bằng điện tử trong phạm vi thành phố Chicago, từ các trụ đèn giao thông, cho đến từng chiếc “dế thông minh” của mọi người dân Aiden bắt gặp trên đường phố. Tính năng này mang lại vô số những điểm sáng mà bạn chưa từng bắt gặp trong bất kỳ game nào trước đây: bạn có thể chuyển đèn giao thông thành màu đỏ, gây ra một vụ… kẹt xe náo loạn chặn kẻ truy đuổi; có thể buộc đoàn tàu điện dừng lại để Aiden tẩu thoát; hoặc đơn giản hơn là tạo một vụ…mất điện diện rộng.
Aiden sở hữu một quyền lực “tối thượng”: kiểm soát bất kỳ chiếc smartphone nào trong phạm vi thành phố Chicago.
Để “đối phó” lại khả năng cao siêu của Aiden, Ubisoft tập trung rất nhiều vào mảng A.I của game, và tạo nên điểm nhấn đáng chú ý thứ hai: Đây là trò chơi mà NPC cư xử chân thật, thông minh và đa dạng thuộc hàng số một trong dòng game hành động-phiêu lưu. Để trải nghiệm rõ điều này, bạn hãy thử tạo một cuộc xung đột tại bất cứ điểm nào tại thành phố: một giao lộ, đường cao tốc, khu dân cư đông đúc, công viên… Kẻ thù sẽ có từng phương án đối phó rất riêng biệt và độc đáo.
Các NPC này càng trở nên gần gũi và sống động hơn, nhờ vào một công cụ mang tên Profiler, theo cách gọi của game. Nhờ công cụ này, Aiden có thể hack vào kho thông tin khổng lồ của Chicago, giúp anh chàng nắm được lý lịch cá nhân của từng nhân vật trong game - ngay cả khi đang ở trong một pha giao tranh. Không ít lần người viết giương súng và chuẩn bị kết liễu một kẻ thù, để rồi nhận ra kẻ mình sắp hạ sát là trụ cột cuối cùng của một gia đình đông con, với một người vợ bệnh tật triền miền… Có thể nói, Profiler là mảnh đất màu mỡ để đội ngũ kịch bản Watch dogs tha hồ khai thác, viết nên những mảnh đời đầy thú vị, thê lương u ám, hài hước dí dỏm… cho từng NPC của game.
Yếu tố “sandbox” chưa thật sự xuất sắc
Tất nhiên, phải có lý do để Watch dogs nhận được đánh giá chỉ ở mức khá của những trang game uy tín, và đây cũng chính là khuyết điểm chết người của “bom tấn” này: không đủ sức tạo nên một thế giới tự do (sandbox) đúng nghĩa.
Nếu thế giới mở của Grand theft auto luôn luôn phá cách và tạo mọi điều kiện để người chơi có thể “quậy” hết cỡ, Saints row nhắm đến phong cách nổi loạn và khả năng dị biệt vô cùng lớn cho từng người chơi, Mafia và Sleeping dog chăm chút cho các không gian mới mẻ kích thích sự tò mò…, thì Watch dogs lại tỏ ra thiếu sự hấp dẫn, mặc dù thành phố Chicago và người dân của nó nhận được sự đầu tư rất lớn từ nhà phát hành.
Bạn không thể mua nhà riêng (hideout như trong GTA), không có một “nơi chốn thân quen” đúng nghĩa nào trong trò chơi, chỉ là những căn phòng buồn tẻ mà gần như bạn chẳng cần phải lệ thuộc vào. Mất đi một cảm giác nhập vai tối- quan-trọng trong bất kỳ tựa game sandbox thành công nào. Những nơi tập trung tương tác NPC cũng khá nghèo nàn: vài quán bar nhỏ xíu, đôi chỗ để người chơi tham gia những trò mini-game buồn tẻ (trừ điểm sáng hiếm hoi Digital trips). Xe cộ và quần áo trong game thể hiện ở mức trung bình khá, nhưng có độ tùy biến vô cùng thấp. Ngay cả hệ thống âm nhạc trong game cũng rất… chán, điều mà series GTA luôn luôn tỏ ra xuất sắc vượt trội.
Chicago chân thực và lộng lẫy nhờ sức mạnh đồ họa, nhưng vẫn chưa xứng tầm một game sandbox.
Những gì tinh tuy nhất trong chất sandbox của Watch dogs được thể hiện ở việc người chơi điều khiển Aiden đi dạo trên phố, dùng smartphone đọc tiểu sử từng NPC, ngắm đồ họa đẹp lộng lẫy, và…dừng lại ở đó. Chicago không đủ sức kéo bạn “sống” trong thế giới của Watch dogs, đặc biệt là khi cốt truyện của game đến đoạn kết và bắt đầu cho phép người chơi tự do thưởng thức game theo cách của riêng mình - thời điểm mà chẳng còn gì sót lại để “nhâm nhi”.
Mọi huyền thoại đều cần điểm khởi đầu
Nếu điểm mặt những nhân vật được xem là “biểu tượng” của ngành công nghiệp game trong khoảng 10 năm qua, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra Ubisoft mát tay thế nào trong việc tạo ra những huyền thoại.
Từ anh chàng Rayman đáng yêu, hoàng tử Ba Tư kiêu hãnh, điệp viên Sam Fisher mạnh mẽ…, tất cả đều là những nhân vật đi vào lịch sử làng game và tâm thức người hâm mộ, mà hầu như mọi game thủ đều dễ dàng nhận biết và “quen mặt”. Đỉnh cao nhất mà Ubisoft đạt được trong việc thiết kế nhân vật, chính là anh chàng sát thủ hào hoa Ezio Auditore (Assassin’s creed 2) - nhân vật game hiếm hoi mà chỉ trong một thời gian ngắn có đến 3 tựa game dành riêng cho mình, với doanh thu và tầm ảnh hưởng ở mức độ đáng nể.
Aiden Pearce thành công trong việc khẳng định tố chất “ngôi sao” - yếu tố cơ bản để trở thành huyền thoại làng game
Tất nhiên, để đạt được thành công đó Ubisoft đã từng hứng chịu rất nhiều chỉ trích khi Assassin’s creed ra mắt bản đầu tiên. Để rồi từ những bài học và sự nỗ lực đáng khích lệ, đội ngũ làm game thai nghén và cho ra đời phần 2, khai sinh nhân vật Ezio và chinh phục cả thế giới.
Nếu thử làm một phép so sánh đơn giản, bạn sẽ cảm nhận vô vàn điều tương đồng giữa Assassin’s creed 1 và Watch dogs. Tương lai của Watch dogs vẫn chưa được xác định chính thức, nhưng gần như chắc chắn một khi Ubisoft đã “nhúng tay” vào dòng game sandbox lấy bối cảnh hiện đại - mà Watch dogs là đòn đánh đầu tiên của họ - thì họ sẽ không dễ gì bỏ qua miếng ăn béo bở này, kể cả trong bối cảnh GTA đang thống trị và không có đối thủ.
Watch dogs không xuất sắc như kỳ vọng. Nhưng hình ảnh Aiden Pearce trong chiếc áo khoác tối màu, gương mặt che kín đầy bí ẩn, chậm rãi thả bộ trên đường phố Chicago… đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng người hâm mộ. Dấu ấn đó là quá đủ để Ubisoft có cơ sở, vững tin phát triển những phiên bản kế thừa trong tương lai, đưa anh chàng hacker này trở thành huyền thoại tiếp theo trong lịch sử phát triển game của hãng.
Bình luận (0)