Đánh giày, bán dừa 'trấn lột' du khách: Truy trách nhiệm lãnh đạo UBND, công an phường

13/10/2018 08:02 GMT+7

Lãnh đạo UBND và Công an Q.1 khẳng định, nếu phát hiện trên địa bàn phường xảy ra tình trạng chèo kéo, đeo bám ' chặt chém' du khách , thì lãnh đạo UBND, công an phường phải chịu trách nhiệm.

Cụ thể, liên quan loạt bài Đánh giày kiểu “trấn lột” du kháchChoàng gánh dừa lên vai du khách rồi “chặt chém” đăng trên Thanh Niên (ngày 10 - 11.10), ngày 12.10, UBND Q.1 (TP.HCM) có văn bản chỉ đạo giao Trưởng công an Q.1, Đội quản lý trật tự đô thị, chủ tịch UBND 10 phường trên địa bàn tăng cường phối hợp lực lượng TNXP tập trung xử lý dứt điểm tình trạng mua bán hàng rong, chặt chém, chèo kéo, đeo bám, móc túi… gây phiền hà du khách; kịp thời có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Văn bản chỉ đạo của UBND Q.1 nêu rõ, nếu phát hiện trên địa bàn phường để xảy ra tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách, thì chủ tịch UBND phường phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND quận.
Trong động thái khác, đại tá Lê Hoàng Châu, Trưởng công an Q.1 (TP.HCM), đã chỉ đạo Công an P.Bến Thành phối hợp Đội cảnh sát hình sự quận kiểm tra nội dung báo phản ánh, xử lý nghiêm những người vi phạm. Đại tá Châu cũng yêu cầu Ban Chỉ huy Công an P.Bến Thành tiến hành kiểm điểm trách nhiệm trưởng, phó trưởng công an phường, cảnh sát khu vực trong việc quản lý địa bàn. Ban chỉ huy phường tiếp tục chỉ đạo phân công chốt, tuần tra xung quanh chợ Bến Thành, Sài Gòn Square và các tuyến đường khác trên địa bàn phường; phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong, trật tự đô thị phường kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm trường hợp đánh giày, hàng rong chèo kéo, “trấn lột” du khách.
Ngay sau chỉ đạo của lãnh đạo công an quận, lực lượng phối hợp đã kiểm tra 10 người đánh giày trên địa bàn phường và lập biên bản xử lý về hành vi tụ tập đông người gây mất trật tự nơi công cộng (mức phạt 750.000 đồng/người). Trong số 10 người này, công an phường chuyển N.T.Ch (26 tuổi, quê Thanh Hóa) vào Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM do không có nơi cư trú ổn định. Qua điều tra, công an phường xác định T.V.T (33 tuổi, ngụ Thanh Hóa, tạm trú ở hẻm 48 Trường Sa, P.17, Q.Bình Thạnh) là người đánh giày “chặt chém” khách trong bài báo mà Thanh Niên phản ánh. Nhưng khi công an tới kiểm tra thì T.V.T không có mặt ở địa chỉ trên.
Theo thượng tá Nguyễn Nhật Thành, Phó trưởng công an Q.1, để quản lý số người đánh giày, bán hàng rong, từ nhiều năm trước, công an quận đã chỉ đạo phường xác minh lý lịch, chụp hình từng người, thậm chí sàng lọc những thành phần có dấu hiệu vi phạm pháp luật. “Thời gian qua, công an quận tập trung điều tra truy bắt các băng nhóm, đối tượng đóng giả người bán hàng rong (chủ yếu hoạt động ở địa bàn P.Bến Nghé) để chiếm đoạt tài sản của du khách. Đến nay, công an quận cơ bản xử lý triệt để các băng nhóm này. Do tập trung đấu tranh tội phạm nói trên đã để xảy ra tình trạng như báo phản ánh. Đây cũng một phần trách nhiệm của công an. Qua đây, cũng cho thấy các cơ quan, đoàn thể chưa nắm tình hình liên tục, thường xuyên, kịp thời để xảy ra những vụ việc đáng tiếc”, theo thượng tá Thành nói và cho rằng để xử lý triệt để tình trạng này, cơ quan chức năng, đoàn thể nên quy hoạch, bố trí đưa những người đánh giày, bán hàng rong (gánh dừa...) vào một khu vực cố định, đảm bảo quản lý tốt nhất, vì đó là nhu cầu có thật không chỉ của du khách mà cả với người dân thành phố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.