Đã có tiếng thường thua cuộc sớm
Thất bại của quán quân Vietnam Idol 2008 trong trận đối đầu với Huy Luân ở chung kết chương trình The winner is (Tôi là người chiến thắng) vừa qua một lần nữa minh chứng cho “sự thật phũ phàng” mà ai cũng có thể dự đoán được. Trong trận tranh tài này, khán giả đều thấy và cảm nhận được lợi thế nghiêng về Quốc Thiên, từ chất giọng đến sự tự tin ở phong cách biểu diễn.
|
Song có lẽ chính lợi thế ấy lại là trở ngại đối với anh, bởi giữa sự chỉn chu đến mức an toàn của một gương mặt quen thuộc trên các sân khấu với vẻ hồi hộp tự nhiên và giọng hát nhẹ nhàng của thí sinh chưa từng đoạt vinh quang lẫn chinh chiến nhiều thì chắc chắn, cơ hội ở cuộc tìm kiếm “người chiến thắng” mới sẽ thuộc về Huy Luân nhiều hơn.
Không chỉ Quốc Thiên, các gương mặt top 3, top 6 ở Vietnam Idol những năm qua như Bảo Trâm, Lân Nhã, Lan Trinh…, hay giải nhất Tiếng hát truyền hình (2012) Lưu Hiền Trinh cũng đều dừng cuộc chơi ở những vòng trước. Sự thua cuộc của những thí sinh từng đoạt danh hiệu không chỉ ở The winner is, mà những chương trình đã, đang diễn ra cũng có không ít trường hợp: Á quân Vietnam Idol 2007 Ngọc Ánh dừng lại ở giải 4 Tiếng hát truyền hình 2008, giải nhất dòng nhạc nhẹ Sao Mai 2007 Hà Linh cũng không được huấn luyện viên của mình chọn trong vòng đối đầu Giọng hát Việt 2013 (cũng may sau đó cô được huấn luyện viên khác cứu), hay quán quân Đồ Rê Mí 2011 chỉ đi đến vòng Đối đầu Giọng hát Việt nhí 2013…
Dẫu mỗi thí sinh đã có danh hiệu khi tham gia tiếp sân chơi khác không ngoài mong muốn tiếp tục thử sức mình lẫn chinh phục ban giám khảo, khán giả nhưng thực tế cho thấy hầu hết các bạn đều khó hiện thực hóa ước mơ. Bởi, ở bất kỳ cuộc thi hay sân chơi nào thì ban tổ chức cũng mong muốn được nhìn nhận là thành công khi tìm kiếm, phát hiện, huấn luyện và tôn vinh nhân tố mới. Thế nên, rất hiếm khi quán quân, á quân cuộc thi này được vào đến vòng trong ở chương trình khác như trường hợp Tiêu Châu Như Quỳnh: sau khi đoạt giải 3 Tiếng ca học đường thi tiếp Tiếng hát truyền hình và đoạt giải nhất (2 cuộc thi này đều do một đơn vị tổ chức).
|
Đừng mơ một bước thành sao
Những năm gần đây, các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng (nhất là ca hát) ồ ạt xuất hiện đã tạo cơ hội cho những bạn trẻ có năng khiếu và muốn tiếp cận nhanh với khán giả tham gia thử sức lẫn… chạy sô.
Song, tài năng đâu phải dễ tìm và cũng không kịp “tái tạo” đủ để cung ứng cho các cuộc thi liên tiếp ấy. Thế nên chuyện nhìn thấy những gương mặt quá quen thuộc trong những cuộc thi trước (cách 1, 2 năm, thậm chí 5, 6 năm) xuất hiện ở cuộc thi hiện tại là “chuyện thường ngày ở huyện”.
Không ai ngăn cản nhu cầu, ước mơ thêm một lần thử sức, thử vận may của người dự thi, nhưng, như ca sĩ Tùng Dương chia sẻ, có thể việc tham gia chương trình truyền hình thực tế là bước đệm giúp người dự thi dễ tiếp cận công chúng hơn, nhưng điều đó chỉ phù hợp với người mới, hoặc những ca sĩ thuộc dòng underground.
Với người đã “nhẵn mặt” các cuộc thi hay sân khấu ca nhạc thì giấc mơ một bước thành sao ở các sân chơi này chỉ là giấc mơ! Bởi, với ca hát, quan trọng nhất vẫn là tài năng, là ý thức bản thân về tài năng ấy. “Nếu muốn phát triển lâu bền thì tài năng càng phải được đào tạo bài bản lẫn cọ xát thực tế. Vì vấn đề không phải đi thi hay giải thưởng, mà sau đó bạn sẽ phát triển thế nào, sáng tạo ra sao”, anh nói.
Nguyên Vân
>> Lời hứa của truyền hình thực tế
>> Món ngon khó xơi của truyền hình thực tế
>> Ra mắt chương trình truyền hình thực tế về... xây nhà
>> Mê thi truyền hình thực tế
>> Truyền hình thực tế ở sao Hỏa
Bình luận (0)