Đánh mạnh 'chạy chức, chạy quyền'

20/01/2018 08:30 GMT+7

Cho rằng việc chạy chức, chạy quyền hiện nay đã được làm rõ một bước, song Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu cần tiếp tục thảo luận để tìm ra biện pháp giải quyết triệt để, bởi đây vẫn là vấn đề nhức nhối.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại phát biểu của ông tại hội nghị ngành này năm 2014, rằng trong nhân dân luôn râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, cần làm rõ có hay không hiện tượng này. Nếu có thì ai chạy, chạy ai? “Nay đã làm rõ một bước, nhưng qua thảo luận chuyên đề tại hội nghị này, cần tìm ra giải pháp triệt để. Đây vẫn là vấn đề nhức nhối”, Tổng bí thư lưu ý.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt tay các đại biểu dự hội nghị Ảnh: Ngọc Thắng
Phải chống lợi ích nhóm trong công tác cán bộ
Phải tìm đối tượng nào là chạy chức chạy quyền, có biện pháp phù hợp đối với từng đối tượng, người chạy và người được chạy
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính
Nhấn mạnh vai trò của công tác cán bộ, Tổng bí thư khẳng định nếu xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công việc của ban tổ chức các cấp là then chốt của then chốt. “Nếu cái chốt rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ; còn nếu chẳng may cái chốt này mà mọt, trục trặc thì không biết tình hình sẽ thế nào?”, từ cách đặt vấn đề này, Tổng bí thư yêu cầu phải thẳng thắn làm rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác tổ chức xây dựng Đảng để kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.
Theo Tổng bí thư, hiện vẫn còn một số cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng Đảng; vai trò nêu gương, phê bình và tự phê bình còn chưa cao, cá biệt có nơi vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. “Chính vì những khuyết điểm này nên tình hình vi phạm kỷ luật của cán bộ, đảng viên còn diễn biến phức tạp, đáng báo động”, Tổng bí thư đánh giá.
Bất cập khác mà Tổng bí thư chỉ ra tại hội nghị, là công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. “Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?... Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong việc này thế nào?”, Tổng bí thư đặt câu hỏi.
Tổng bí thư nhắc nhở 5 nhiệm vụ ngành Tổ chức xây dựng Đảng cần thực hiện năm 2018, trong đó trọng tâm là chuẩn bị nội dung trình các hội nghị T.Ư sắp tới, trước mắt là đề án Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, để trình Hội nghị T.Ư 7; đồng thời, chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Việc kiểm điểm, đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ phải tiến hành một cách nghiêm túc, dân chủ, công khai, minh bạch, chặt chẽ và trung thực để đây thực sự là cơ hội quý để chia sẻ, học tập lẫn nhau, là một dịp tổng duyệt lại đội ngũ.
Theo Tổng bí thư, thực tế hiện nay, cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao, việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế, hiện tượng chạy chức, chạy quyền còn diễn biến tinh vi, phức tạp. Vì vậy, hội nghị cần thảo luận làm rõ mức độ hiện nay của tình trạng chạy chức, chạy quyền và đặc biệt là đề xuất hướng xây dựng cơ chế để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng này.
“Chúng ta phải chống cho được tệ bè phái, cục bộ, cá nhân chủ nghĩa, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ và cũng không để bị lợi ích nào cám dỗ, không để bị chi phối bởi quan hệ cá nhân, thân quen nào không trong sáng. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Cấp trên “đốt lửa to”, cấp dưới “đốt lửa nhỏ”
  Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính - Ảnh: Ngọc Thắng     
Góp ý đầu tiên tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Bùi Văn Hải cho rằng trong một thời gian dài có những nơi, những lúc, có bộ ngành, lĩnh vực tư duy, tư tưởng có vấn đề, cứ đổi mới phải là phá cách, nên đã vượt ra khỏi khuôn khổ, quy định. Bên cạnh đó, việc xử lý lại lỏng lẻo, không nghiêm, dung túng nên dẫn đến những tật xấu này tác động đến cả cán bộ, công chức, thậm chí có những viên chức thường bên dưới cũng lộng quyền.
Ông Hải đề xuất cần cụ thể hóa các thể chế xuống từng ngành, từng địa phương, cơ quan tổ chức để tránh sự mập mờ giữa tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách. Bên cạnh đó, cần phải có sự phân cấp, phân quyền thật cụ thể. “Có một vấn đề nào đó của địa phương muốn báo cáo lên T.Ư mà có khi chạy 5 - 7 bộ, 10 bộ vẫn không biết bộ nào chịu trách nhiệm chính. Để giải quyết được có khi mất đến hàng năm”, ông Hải đơn cử.
Theo ông Hải, đi liền với chế độ công khai minh bạch phải đẩy mạnh hơn nữa chế độ thanh, kiểm tra, giám sát. “Vừa rồi Ủy ban Kiểm tra T.Ư làm rất mạnh nhưng mới chỉ dừng lại ở Ủy ban Kiểm tra T.Ư, còn dưới chưa mạnh lắm. Tới đây, các địa phương cần đẩy mạnh và quyết liệt hơn việc kiểm tra, giám sát, thanh tra”, ông Hải đề nghị và cho rằng “thanh tra phải gắn với xử lý kiên quyết”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ ra 3 khâu khó khăn, vướng mắc trong quy trình 8 bước phòng chống suy thoái, tham nhũng, trong đó quan trọng nhất là chưa có cơ chế xác định trách nhiệm của các cơ quan Đảng, chính quyền mỗi cấp trong việc phối hợp tiếp nhận, xử lý các thông tin liên quan tới cá nhân, tập thể có biểu hiện suy thoái, tham nhũng.
Bên cạnh đó, theo ông Nhân, công tác đánh giá tác dụng của việc xử lý, rút kinh nghiệm của nhiều địa phương và bộ, ngành trong phòng chống tham nhũng, suy thoái chưa được thực hiện thường xuyên, nên sai phạm cũ chưa được khắc phục đã xuất hiện sai phạm, suy thoái, tham nhũng mới. “Đây là nguyên nhân của tình trạng ở cấp trên “đốt lửa to”, cấp dưới “chậm đốt lửa” hoặc “đốt lửa nhỏ”, trong khi suy thoái, tham nhũng hằng ngày, hằng giờ hủy hoại niềm tin của nhân dân, tài sản của nhà nước, sức chiến đấu của Đảng và sức mạnh tổng hợp của đất nước”, ông Nhân nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính khẳng định vừa qua chúng ta đã buông lỏng, không có đủ công cụ kiểm soát nên bị lợi dụng, tha hóa, biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho. Do đó, tiến tới phải xây dựng quy chế, quy định của Đảng, trên cơ sở đó luật pháp hóa, đồng thời công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, bởi đây chính là công cụ để kiểm soát quyền lực. “Nếu để một vài người sử dụng quyền lực sẽ lạm phát quyền lực, sẽ tha hóa quyền lực”, ông Chính nói.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư cũng cho rằng phải tìm đối tượng nào là chạy chức chạy quyền, có biện pháp phù hợp đối với từng đối tượng, người chạy và người được chạy, đồng thời, các biện pháp cũng phải công khai minh bạch, có quy định, quy chế để nâng cao trách nhiệm giải trình.
Báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2017, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư, cho biết năm 2017, ngành đã tham mưu luân chuyển 471 cán bộ, điều động và biệt phái 1.467 cán bộ đối với cấp tỉnh; luân chuyển 2.378 cán bộ, điều động và biệt phái 3.500 cán bộ đối với cấp huyện. Riêng ở cấp T.Ư đã tiến hành quy trình bầu cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển 424 nhân sự. Trong đó, có 5 Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư; 3 bộ trưởng và chức danh tương đương; 6 trưởng ban cơ quan Đảng, đoàn thể T.Ư; 8 bí thư tỉnh, thành và Đảng ủy trực thuộc T.Ư.
Trong năm 2017, Ban Tổ chức T.Ư đã rà soát, thẩm định tiêu chuẩn chính trị đối với 1.122 cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý, trong đó đã loại bỏ 47 trường hợp không đủ điều kiện. Tính đến hết ngày 31.12.2017, cả nước có 56.329 tổ chức cơ sở Đảng, trong đó có 25.483 Đảng bộ cơ sở và 30.836 chi bộ cơ sở. Năm 2017, kết nạp mới 207.297 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong Đảng lên hơn 4,9 triệu đảng viên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.