Thế nhưng, hiện vẫn không khó bắt gặp hình ảnh người già ngồi trên các vỉa hè được người đi đường cho tiền; trẻ em bán vé số, xin ăn tại các giao lộ; người khuyết tật xin ăn, bán tăm bông…
Vừa qua, Báo Thanh Niên cũng ghi nhận thực trạng nêu trên qua loạt bài Thu dung người lang thang xin ăn (đăng từ ngày 28 - 30.12.2023). Qua đó, nêu lên những ý kiến, giải pháp của cơ quan nhà nước và chuyên gia. Cụ thể như: các địa phương cần tăng cường nắm, phối hợp quản lý địa bàn, tạo việc làm cho người khó khăn; lập đường dây nóng để dân báo tin; hay kiến nghị thành lập, mở rộng các trung tâm công tác xã hội tại cộng đồng để cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người không may rơi vào cảnh khó khăn, cần trợ giúp.
Có một ý kiến nhận được nhiều tranh luận của độc giả: Kêu gọi người dân không trực tiếp cho tiền người lang thang, xin ăn. Những người không đồng tình giải pháp này đứng ở quan điểm rằng họ đang thực hành quyền con người, tình thương, lòng trắc ẩn; trong bối cảnh hệ thống an sinh của nhà nước chưa bao phủ hết người nghèo, cần sự chung tay của xã hội. Nhóm còn lại tin việc cho tiền người lang thang, xin ăn đang vô tình "tiếp tay" cho những kẻ chăn dắt, triệt tiêu động lực phấn đấu tìm công việc ổn định, cải thiện cuộc sống.
Khó có thể sớm giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang, xin ăn, nhất là với đô thị có tính chất đặc thù như TP.HCM. Song, chúng ta hoàn toàn có thể hướng đến giải pháp mạnh mẽ hơn để trẻ em, người già không phải lang thang, xin ăn nữa. Đó là đánh mạnh vào những kẻ cầm đầu, chăn dắt, khiến trẻ em - thay vì được cung cấp một môi trường sống, học tập tốt đẹp - lại bị những kẻ này bắt đi ăn xin; người cao tuổi - thay vì có thể hưởng tuổi già ở nơi tử tế - lại bị những kẻ chăn dắt đưa ra đứng ở những ngả đường dưới thời tiết khắc nghiệt.
Bình luận (0)