Danh sách truy nã tội phạm nổi tiếng của FBI đánh dấu 65 năm tồn tại, phản ánh chân thực toàn cảnh tội phạm của nước Mỹ trong hơn nửa thế kỷ.
Một buổi họp báo công bố tên tuổi tội phạm trên danh sách truy nã của FBI
|
Ngày 14.3.1950, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) lần đầu tiên công bố danh sách các đối tượng bị truy nã gắt gao nhất nước này, liệt kê 10 cái tên kèm theo số tiền thưởng. Kể từ đó, sự tồn tại của nó là một truyền kỳ của chính FBI và nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng Mỹ. Sự hình thành và xuất hiện của danh sách “săn đầu người” này là cả một câu chuyện dài, rút tỉa từ lịch sử lập quốc của Mỹ, sự phát triển của kỹ thuật in ấn, câu chuyện về miền tây hoang dã và thậm chí liên quan cả quá trình tiến hóa của tin tức.
Gốc tích miền tây hoang dã
Trước khi Mỹ lập quốc, tiền thân của những tấm bố cáo “truy nã” đã xuất hiện nhờ vào công nghệ in ấn, dùng để truy lùng tội phạm là nô lệ bỏ trốn. Vào năm 1769, một thanh niên tên Thomas Jefferson, người sau này trở thành tổng thống đời thứ 3 của Mỹ, đã đến tòa soạn báo The Virginia Gazette nhờ cậy tờ báo đăng tin giúp nô lệ tên Sandy quay về bình an. Jefferson đã nộp 40 đồng cho tin tức về Sandy, được mô tả “có bề ngoài mập mạp, da sáng”. Và đây cũng là hành động mở màn cho việc các chủ nô sử dụng báo chí để chia sẻ thông tin về những nô lệ bỏ trốn.
Cùng với sự phát triển của công nghệ in ấn và nhiếp ảnh, các áp phích truy nã cũng trở nên phổ biến hơn. Các cảnh sát trưởng quản lý khu vực biên giới và giới thống đốc bắt đầu in các áp phích với nội dung hấp dẫn để quảng bá về địa phận của mình, cũng như rải thông tin về những kẻ sống ngoài vòng pháp luật như tên cướp khét tiếng Jesse James và Butch Cassidy.
Vào năm 1919, Cục Điều tra Mỹ (tiền thân của FBI) bắt đầu in các áp phích truy nã đối với lính đào ngũ và các tên tội phạm. Cũng trong năm đó, một tổ chức gọi là Ủy ban Tội phạm Chicago được hình thành nhằm đối phó sự trỗi dậy của thế giới ngầm ở thành phố. Đến tháng 4.1930, ủy ban này công bố danh sách “kẻ thù chung của xã hội”, đầu têu là trùm mafia Al Capone. Sự hoành hành của giới mafia Mỹ tại Chicago luôn thu hút sự quan tâm sát sao của giới truyền thông và bảng danh sách lọt vào mắt xanh của Giám đốc FBI John Edgar Hoover. Thế nhưng, phải đợi đến hơn 10 năm sau FBI mới chính thức cho ra đời danh sách của chính mình.
Vào ngày 7.2.1949, một bài viết có tiêu đề Những tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất của FBI xuất hiện trên tờ The Washington Daily News. Một phóng viên đã liên lạc với phía FBI và hỏi tên cũng như mô tả nhân dạng của “những kẻ sừng sỏ nhất” mà FBI muốn truy bắt. Giám đốc Hoover chộp ngay cơ hội và ra lệnh cho thuộc cấp tổng hợp một danh sách cung cấp cho phóng viên, hy vọng sự công khai này sẽ giúp tóm gọn những kẻ lẩn tránh pháp luật.
Sự hợp tác của công dân giúp bắt được 9 trong số 20 cái tên đầu tiên, trong đó có kẻ đứng đầu danh sách 10 người đầu tiên là Thomas Holden, với các cáo buộc: cướp nhà băng, chặn xe lửa bưu điện, vượt ngục và giết vợ. Holden xuất hiện trên danh sách truy nã vào ngày 14.3.1950, sau đó một công dân nhận dạng khi nhìn thấy hình của y trên một tờ báo ở Oregon, dẫn đến vụ bắt sống vào ngày 23.6.1951.
Chương trình trên lập tức nhận được sự quan tâm rầm rộ của dư luận. Thế là Giám đốc J.Edgar Hoover quyết định triển khai dài hạn danh sách truy nã. Kể từ đó, chương trình “Danh sách 10 tên cần truy nã nhất” hầu như dựa hoàn toàn vào hệ thống báo chí của Mỹ để truyền tải nội dung cho toàn dân, bên cạnh việc dán tại các bưu điện. Từ năm 1996 trở đi, danh sách này xuất hiện trên website chính thức của FBI và hiện phổ biến nhờ vào các công cụ truyền thông mới.
Một tấm áp phích truy nã James Earl Ray, kẻ ám sát mục sư Martin Luther King - Ảnh: FBI
|
Những cái tên khét tiếng
Nhờ vào bệ phóng từ giới truyền thông, sự ủng hộ nhiệt thành của công dân, tất nhiên kèm theo khoản tiền thưởng hậu hĩnh (trung bình 100.000 USD), danh sách này tiếp tục truyền thống suốt 65 năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong số đó, khét tiếng nhất là James Earl Ray, lấy tên giả Eric Starvo Gait, đã trốn khỏi một nhà tù ở Missouri vào năm 1967 khi đang thụ án 20 năm tù giam vì tội cướp bóc. Dấu vân tay của y được phát hiện trên khẩu súng trường là hung khí bắn mục sư Martin Luther King vào ngày 4.4.1968 ở Memphis, bang Tennessee. Thế là cuộc truy nã toàn quốc được triển khai. Sau hai tháng kể từ vụ ám sát, giới hữu trách bắt được Ray tại phi trường quốc tế Heathrow ở London (Anh) trước khi y lên máy bay chạy đến châu Phi. Hung thủ bị dẫn độ về Mỹ, bị kết án vào ngày 10.3.1969 và lãnh án 99 năm tù giam. Chuyện không dừng lại ở đó, Ray tiếp tục tái xuất trên danh sách những kẻ bị truy nã số một của Mỹ vào năm 1977 khi vượt ngục từ nhà tù ở Tennessee. Ray và 6 tù nhân đã đóng chiếc thang dài và trèo qua tường của trại giam, nhưng bị tóm gọn trong vòng 54 giờ. Cuối cùng, Ray chết trong tù vào năm 1998 do mắc viêm gan siêu vi C.
Một cái tên nổi bật khác trong danh sách là Theodore Robert Bundy. Chẳng ai biết được lúc nào tay Bundy bắt đầu nhuốm máu, nhưng y thừa nhận đã giết hơn 20 người trong suốt nhiều năm. Đầu tiên Bundy bị tống vào tù ở bang Utah vào năm 1975, sau đó bị kết tội sát nhân ở Colorado, nơi hắn ta vượt ngục vào năm 1977. FBI bắt đầu thu thập, phân tích lịch sử phạm tội của Bundy và phát lệnh truy nã toàn quốc với 100.000 USD tiền thưởng cho ai cung cấp thông tin dẫn đến bắt giữ tên trọng phạm. Y bị tóm vào đêm giao thừa năm 1977 nhưng lập tức chạy thoát. Trong lúc chạy trốn, Bundy
vẫn tiếp tục giết thêm 2 phụ nữ vào ngày 14.1 tại bang Florida. Đến ngày 10.2.1978, tên của kẻ giết người hàng loạt xuất hiện trên danh sách truy nã của FBI. 5 ngày sau đó, một cảnh sát ở thành phố Pensacola, bang Florida, tóm được Bundy trong lúc hắn đang lái chiếc Volkswagen vừa trộm được. Viên cảnh sát không hề hay biết mình đã bắt được một tên trọng phạm, cho đến khi kiểm tra danh sách truy nã của FBI. Bundy bị xử tử hình trên ghế điện tại Florida vào ngày 24.1.1989.
Trong một trường hợp khác, sau 5 năm có mặt trên danh sách truy nã của FBI, Eric Robert Rudolph cuối cùng đã rơi vào tay cảnh sát tuần tra lúc đang lục lọi thùng rác đằng sau một cửa hàng bán rau quả ở Murphy, bang North Carolina, vào ngày 31.5.2003. Trước đó, Rudolph lẩn trốn trong vùng núi sau khi đánh bom 4 địa điểm tại các bang Georgia và Alabama. Tay này đã bắt đầu thực hiện các vụ tấn công khủng bố từ năm 1996, khi hắn bỏ một chiếc ba lô nhét đầy bom vào công viên ở Atlanta. Hậu quả là 1 phụ nữ thiệt mạng, hơn 100 người bị thương trong vụ đánh bom ngày 27.7. Ngay sau đó, Rudolph đánh bom tiếp 2 địa điểm ở Georgia và một nơi ở Birmingham, bang Alabama, khiến một cảnh sát thiệt mạng và nhiều người bị thương. Hiện y đang đeo trên lưng vài án tù chung thân và không có khả năng được ân xá.
Tất nhiên, trên đời chẳng có gì là hoàn hảo. Không phải lúc nào các đặc vụ FBI cũng truy nã thành công. Có những cái tên vẫn bám trụ trong danh sách 10 tên tội phạm cần truy nã nhất, chẳng hạn như Victor Manuel Garena, tên cướp ngân hàng hơn 30 năm vẫn có mặt trên danh sách. Ngược lại, có những tên tội phạm xui tận mạng. Vào năm 1969, Billie Austin Bryant trở thành một trong những cái tên xuất hiện ngắn nhất trên danh sách. Trong vòng 2 giờ kể từ khi lọt vào danh sách truy nã của FBI, Bryant bị một công dân ở Washington D.C phát hiện và thế là sa lưới pháp luật.
Trong suốt 65 năm tồn tại, có 504 cái tên lọt vào danh sách truy nã của FBI. Trong số đó, 473 kẻ thủ ác bị tóm hoặc xác định vị trí, bao gồm 156 tên tội phạm bị tróc nã thành công nhờ vào sự hợp tác của quần chúng. Theo sử gia của FBI John Fox, danh sách truy nã có những cái tên như kẻ sát nhân hàng loạt Ted Bundy và tên cướp Whitey Bulger ở Boston. Tổng cộng chỉ có 7 tội phạm là nữ giới. Có một trường hợp kẻ có tên trên danh sách truy nã lại không hề biết được mình bị săn lùng, cho đến khi tìm tên mình trên Google. Thế là y quyết định đầu thú cảnh sát ở bang California, theo Đài ABC.
|
Bình luận (0)