Đánh thức con Rồng Việt Nam

15/12/2005 13:45 GMT+7

Thế giới lại bị những cơn địa chấn dữ dội nhất khó mà lường trước được sau sự kiện 11/9 tại Mỹ. Khi chúng tôi in số báo vào thời điểm ngày đầu tiên xảy ra sự kiện với dòng tít: Nước Mỹ bị tấn công thì nhiều bạn đọc thuật lại rằng họ không tin vào mắt mình. Làm sao nước Mỹ lại có thể bị tấn công được. Nước Mỹ mạnh, giàu có và là nước từng muốn đơn độc giải quyết mọi vấn đề của thế giới kể cả khi Mỹ chỉ có 1 phiếu tại diễn đàn Liên hiệp quốc, nhất là sau khi Liên Xô và Đông u sụp đổ. Bản đồ địa chính trị đã thay đổi.

Cuộc chiến chống khủng bố đó được Mỹ phát động, mà theo Thủ tướng Anh Tony Blair có thể sẽ kéo dài đến nửa thế kỷ, tức là bằng thời gian của cuộc chiến tranh lạnh, dù nay có vẻ về cơ bản vấn đề Taliban và al-Queda đã được giải quyết.

Ở nước ta, khi bước vào năm Nhâm Ngọ thì những thách thức của chính đường lối và nền kinh tế của nước ta đặt ra không nhỏ. Chỉ riêng so với các nước trong vùng thôi cũng đủ khiến cho chúng ta giật mình. Việc Trung Quốc đã gia nhập WTO cũng đặt ra thách thức mới cho cả 10 nước ASEAN, đặc biệt là đối với Việt Nam, Campuchia, Lào. Nếu tính luôn cả Hồng Kông, quy mô xuất khẩu của họ bằng gần 1,2 lần quy mô xuất khẩu của toàn bộ 10 nước ASEAN. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Trung Quốc (chưa kể Hồng Kông) năm 2000 đạt được 60 tỉ USD, bằng toàn bộ kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan và hơn 2 lần kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của 10 nước ASEAN. Việt Nam sẽ đối phó như thế nào với sự cạnh tranh rất mạnh trên thị trường thế giới và ngay chính trong thị trường nội địa, dù rằng một cơ quan tư vấn về rủi ro kinh tế và chính trị - FEIC có trụ sở tại Hồng Kông cho thấy sau sự kiện 11.9, Việt Nam được coi là nước đạt được sự bình ổn xã hội xếp hạng cao nhất trong khu vực.

Cũng phải cần nhớ lại rằng, vào giữa thế kỷ 20, Việt Nam chúng ta có trình độ phát triển tương đương với Thái Lan và nhiều nước khác ở châu Á, song điều kiện lịch sử chiến tranh kéo dài đã tách chúng ta ra khỏi dòng thác công nghiệp hóa lan nhanh ở khu vực. Do vậy, đến cuối thế kỷ 20, khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế của ta còn cách biệt khoảng 20 năm so với Thái Lan.

Năm 1986, Nghị quyết Đại hội lần VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam, nhưng mãi đến thập niên cuối thế kỷ 20, những tác động của đổi mới mới đi vào đời sống của người dân.

Những ưu thế về tiềm năng của ta là rất lớn, nhất là tiềm năng về nguồn nhân lực, về vị trí địa lý, về tài nguyên thiên nhiên, về sự ổn định chính trị xã hội. Để khai thác những tiềm năng đó rất cần chúng ta phải đổi mới việc tuyển chọn cán bộ, tiến cử người hiền tài, loại bỏ kẻ bất tiếu, cho nên dùng người hiền tài không lưỡng lự, loại bỏ kẻ gian không chần chừ, đời Đường, Ngu do đó mà thay đổi phong tục - biểu dương người tốt, việc hay , loại bỏ kẻ xấu, người dở, thành Chu do vậy mà làm nên thịnh trị thái bình như dụ đời Lê ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư. Nếu chúng ta khơi dậy những ưu thế đó của đất nước và khơi dậy lòng tự hào dân tộc của mọi người dân Việt Nam bất luận ở đâu, học tập từ bên ngoài những tiến bộ về quản lý, khoa học kỹ thuật, những bài học thành công lẫn thất bại, thì cái khoảng cách 20 năm giữa ta và các nước chung quanh sẽ được rút ngắn rất nhiều. Mới đây thôi, một sự kiện cuối năm 2001 là Bộ Công an và cơ quan điều tra đã bắt một trùm xã hội đen khét tiếng điều hành nguyên một guồng máy tội ác ở TP.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh lân cận. Ai cũng hoan nghênh và thở phào nhẹ nhõm, nhưng trong lúc đó một số người có trách nhiệm của một vài cơ quan bảo vệ pháp luật lại chạy tội cho bị can, để nhằm tránh tội cho mình.

Không thắng được cái ác trong bản thân mỗi con người, không tuyển lựa được nhân sự công tâm, có đạo đức, có tâm huyết, có trình độ vào bộ máy công quyền hẳn chúng ta khó có thể đạt được những điều mong muốn cho sự phát triển bền vững của đất nước và của chế độ.

Chúng ta phải tự đánh thức Việt Nam, đánh thức một con rồng ngủ quên như tiêu đề của một cuốn sách do các học giả người Việt Nam trong và ngoài nước viết vừa được ấn hành ở TP Hồ Chí Minh. Và không thể nào "chúng ta ngủ quên trong căn nhà nhỏ, đèn thắp thì mờ, ngủ quên không thấy quê hương", như lời nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết với một giọng buồn rầu - một lời kêu gọi thống thiết thời đất nước còn chiến tranh. Không thể!

Dứt khoát là chúng ta không thể ngủ quên mà phải tự đánh thức và con Rồng Việt Nam sẽ thức giấc vươn lên ngang tầm với thời đại và lịch sử dân tộc như tựa đề của cuốn sách Đánh thức con rồng ngủ quên.

Lời cảm ơn

Sửa soạn đón Tết Nhâm Ngọ vừa qua, chúng tôi bất ngờ nhận được vài số báo Tết ở quê nhà gửi sang làm quà, trong đó có tờ Báo Xuân Thanh Niên với hình bìa to nhiều màu sắc rực rỡ với hàng chữ tít lớn: "Đánh thức con Rồng Việt Nam". Tò mò chúng tôi mở ra xem ngay và đã đọc được lời giải thích trong bài xã luận trang đầu của ông Tổng biên tập:

"Chúng ta phải tự đánh thức Việt Nam, đánh thức một con rồng ngủ quên như tiêu đề của một cuốn sách do các học giả người Việt trong và ngoài nước viết vừa được ấn hành (...)

Dứt khoát là chúng ta không thể ngủ quên mà phải tự đánh thức và con Rồng Việt Nam sẽ thức giấc vươn lên ngang tầm với thời đại và lịch sử dân tộc".

Đây là các dòng chữ trên một tờ báo đã được giới trẻ ở Việt Nam mua đọc nhiều. Nhắc đến tên quyển sách và mục đích chính của nó trong một dịp trang trọng, tờ báo đã cho nhóm tác giả sách Đánh thức con rồng ngủ quên niềm vui thấy được chút hưởng ứng cho công việc của mình.

(Nhóm chủ biên "Những vấn đề kinh tế Việt Nam: Thử thách của hội nhập" - Phạm Đỗ Chi, Trần Nam Bình và Vũ Quang Việt-New York, 2002)

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên Xuân Nhâm Ngọ 2002)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.