‘Đánh thức’ du lịch cộng đồng

01/01/2021 08:00 GMT+7

Quảng Trị là địa phương giàu tiềm năng về du lịch nhưng nhiều năm qua vẫn chưa được khai thác hết.

Chính vì thế, chính quyền địa phương và ngành chức năng, đặc biệt là Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Quảng Trị, đang nỗ lực “đánh thức” tiềm năng này, nhất là với du lịch cộng đồng...
Hệ thống giếng cổ Gio An có niên đại hàng ngàn năm là tiềm năng hiếm có để phát triển du lịch cộng đồng

Hệ thống giếng cổ Gio An có niên đại hàng ngàn năm là tiềm năng hiếm có để phát triển du lịch cộng đồng

Ảnh: Nguyễn Phúc

Những gợi mở nơi giếng cổ ngàn năm

Ở xã Gio An (H.Gio Linh, Quảng Trị) hiện có gần 20 ngôi giếng cổ. Theo các nhà sử học, những giếng này có niên đại ngót 5.000 năm và đã được Bộ VH-TT-DL công nhận di tích lịch sử - văn hóa quốc gia vào năm 2001.
Hệ thống giếng cổ Gio An đều mang những cái tên ngắn gọn và ngồ ngộ: giếng Gái 1, giếng Gái 2, giếng Nậy (thôn An Hướng); giếng Dưới, giếng Búng, giếng Trạng, giếng Đào, giếng Côi (thôn An Nha); giếng Máng (thôn Long Sơn); giếng Pheo (thôn Tân Văn) và giếng Tép, giếng Ông, giếng Bà, giếng Gai (thôn Hảo Sơn)… Nếu đến Gio An, chỉ cần ngắm nhìn hệ thống giếng cổ này bạn thực sự sẽ phải ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp cũng như thiết kế đầy khoa học, giàu tính ứng dụng của những người thợ Chăm hàng ngàn năm trước. Kỳ lạ thay, chỉ ở những giếng cổ với dòng nước trong vắt, mát lành, loài rau liệt (còn gọi rau xà lách xoong) mới sống, xanh mướt.
Nhưng giếng cổ cũng gặp những vấn đề của mình theo thời gian, có cái hư hỏng, có cái hoang phế... Để làm “sống lại” những chiếc giếng cổ đã thành phế tích, từ những năm 2015, tỉnh Quảng Trị đã đặt vấn đề cứu vãn hệ thống thủy lợi đặc biệt này. Lần lượt giếng Đào, giếng Trạng, giếng Pheo... hồi sinh dù với nguồn kinh phí ít ỏi. “Phục dựng giếng cổ là công việc đặc thù khi xếp hàng trăm viên đá mồ côi lại với nhau, máy móc hiện đại không thể can thiệp. Sử dụng xi măng sắt thép thì coi như đi ngược lại với mục đích bảo tồn”, ông Nguyễn Quang Chức, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và bảo tàng tỉnh Quảng Trị, nói.

Người dân phải là chủ thể

Nhưng dưới con mắt của những người làm công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Quảng Trị, câu chuyện của những chiếc giếng cổ ở Gio An không dừng lại ở việc bảo tồn. Cụ thể, trung tuần tháng 7.2020, Sở VH-TT-DL, Trung tâm Xúc tiến ĐT-TM-DL du lịch tỉnh và UBND H.Gio Linh đã ký kết phối hợp triển khai thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị di tích hệ thống các công trình khai thác nước cổ gắn với phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) trên địa bàn xã Gio An.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Trung tâm Xúc tiến ĐT-TM-DL tỉnh Quảng Trị đã triển khai 5 chương trình, kế hoạch chi tiết gồm: Hỗ trợ xúc tiến, xây dựng sản phẩm DLCĐ giếng cổ Gio An; hội nghị giới thiệu và vận động các hộ dân tham gia phát triển DLCĐ gắn với phát huy giá trị di sản hệ thống khai thác nước cổ Gio An; hỗ trợ hộ người dân tham gia học tập thực tế tại mô hình DLCĐ đang phát triển tại tỉnh Quảng Bình; tập huấn phát triển DLCĐ và kỹ năng hoạt động DLCĐ; hội thảo phát triển DLCĐ Gio An và khảo sát xây dựng tour du lịch Giếng cổ Gio An.

Ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm xúc tiến ĐT- TM- DL tỉnh Quảng Trị (bìa phải), trao giấy chứng nhận tham gia khóa tập huấn phát triển kỹ năng du lịch cộng đồng cho các hộ dân Gio An

Ảnh: Nguyễn Phúc

“Tất cả những gì chúng tôi làm là dần hướng người dân Gio An xây dựng mô hình DLCĐ gắn với xóa đói giảm nghèo bền vững, gắn khai thác với bảo tồn giếng cổ. Điều vui nhất là những người dân “chân đất” đã biết về khái niệm DLCĐ, dịch vụ homestay… Chính vì thế, từ 19 hộ đã tăng lên 66 hộ đăng ký tình nguyện tham gia phát triển mô hình DLCĐ tại đây”, ông Nguyễn Đức Tân, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến ĐT-TM-DL tỉnh Quảng Trị, vui mừng nói.
Cũng theo ông Tân, năm 2021, ngành chức năng, địa phương và Hiệp hội du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh sẽ nghiên cứu hình thành tour du lịch Gio An, tối thiểu thời gian 1 ngày 1 đêm; thực hiện Famtrip DLCĐ Gio An đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, truyền thông về sản phẩm DLCĐ tại đây. “Để mọi thứ được hoàn chỉnh, đáp ứng đủ các điều kiện phát triển du lịch bền vững, chính quyền và ngành chức năng hẳn còn rất nhiều điều phải làm nhưng dù thế nào thì người dân phải là chủ thể”, ông Tân nhấn mạnh.
Ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết ngành văn hóa Quảng Trị cũng đang hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ VH-TT-DL, trình Thủ tướng phê duyệt đưa hệ thống giếng cổ độc đáo này vào danh mục di tích cấp quốc gia đặc biệt. Chưa hết, đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm tới hệ thống giếng cổ Gio An và tham quan khảo sát, như Tập đoàn FLC, Công ty Oxalis... “Nếu được xã hội hóa, giếng cổ Gio An sẽ có cơ hội cho sự phát triển của mình”, ông Nam nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.