Xe đạp nước, máy dệt lụa làm du lịch
Một minh chứng đã diễn ra ở làng Thanh Thủy Chánh (xã Thủy Thanh, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) là làm du lịch ở làng không phải mở một con đường thật to, mà phải kể những câu chuyện về làng, để khách thăm đến lắng nghe rồi yêu thích điểm đến.
tin liên quan
Quảng bá du lịch bằng bánh mìĐại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội - VN diễn ra từ 29.9 - 2.10 tại Hà Nội sẽ có khu vực ẩm thực giới thiệu bánh mì Việt, phở và các món ngon khác của Huế.
Cho đến giờ, ông Trần Công Phú, nguyên Giám đốc Bảo tàng Nông cụ Thanh Toàn, vẫn không quên được những ngày nâng cấp bảo tàng ở TX.Hương Thủy cách đây hơn 2 năm. Vẫn là những đồ làm nông mà nhà trưng bày đã để đó nhiều năm, nhưng được thay đổi cách sắp đặt. “Cái xe đạp nước là của người dân mang tới tặng lâu năm. Nhưng sau đó thì chúng tôi đưa ra phía ngoài hiên. Khách rất thích chơi xe đạp nước đó. Cái xe được khách đạp nhiều thì cũng có thể hỏng nhưng người dân có thể sửa được”, ông Phú chia sẻ. Khách tới thăm có thể ngồi đạp xe để thấy người dân đã chuyển nước vào ruộng thế nào. Tất cả đều đã được tính trong giá vé vào bảo tàng: 20.000 đồng/vé.
|
Tất nhiên, với 20.000 đồng, khách du lịch không chỉ được khám phá xe đạp nước. Họ còn được chính những người nông dân ở đây hướng dẫn xay lúa, sàng thóc gạo. Những câu chuyện nghề nông cũng được kể rất thú vị. Trên tường có gắn câu Tháng bảy nước nhảy để nói về việc cứ đến tháng 7 âm lịch lại có nước về mang theo nguồn lợi thủy sản. Ở khu vực đó, có nhiều dụng cụ bắt cá được trưng bày. Một khu vực khác lại có những dụng cụ để chế biến thóc gạo như cối xay, dần sàng... “Thực ra cũng vẫn là những đồ vật đó nhưng khi sắp xếp và làm chú thích lại thì sống động hơn. Người dân cũng được học cách giao tiếp để hướng dẫn khách về những vật dụng đó”, bà Phạm Thanh Hường, chuyên gia về di sản của UNESCO, cho biết.
Hiện tại, theo ghi nhận của Bảo tàng Nông cụ Thanh Toàn, số lượng khách đã tăng gấp 3 so với trước khi có thay đổi trưng bày. Du khách tới Huế có thể đi xe máy hoặc xe đạp tới làng để thăm cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng rồi vào thăm trưng bày này ở ngay cạnh. Họ cũng có thể đi chợ quê, ăn món Huế tại chợ làng cũng họp ở cạnh cầu.
Vẫn chưa đủ sức hấp dẫn
Trong khi ở làng Thanh Thủy Chánh, du lịch cộng đồng đã phát triển như vậy thì tại Vạn Phúc (Hà Nội), câu chuyện dường như mới chỉ bắt đầu, mặc dù tài nguyên du lịch của làng thì nhiều vô kể. “Cây đa này chúng tôi chăm lắm. Xung quanh cũng xây sửa gọn gàng, tạo thành vườn, tạo thành nơi hóng mát cho người dân. Nhưng nhiều người không biết. Họ cứ tưởng Vạn Phúc chỉ có mỗi dãy ki ốt bán hàng lụa đầu làng là hết”, ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc, chia sẻ.
|
Theo cụ Đỗ Xuân Thủy - một thành viên tích cực của cộng đồng làng Vạn Phúc, không chỉ có cây đa, đình mà chùa làng Vạn Phúc cũng rất đẹp. Chưa kể, họ còn có bến sông vắt qua. Hai giếng chùa trong làng tuy chưa rõ niên đại, nhưng là giếng cổ, từng là nguồn cung cấp nước của toàn bộ vùng Vạn Phúc xưa. Làng cũng rất gần một khu phố nhiều cửa hàng ăn uống ngon ngay trong P.Vạn Phúc, Q.Hà Đông, Hà Nội. Nhưng hơn cả, họ còn có những nghệ nhân từng được vua trọng dụng. “Cụ Nguyễn Văn Vỵ được phong bá hộ cửu phẩm với sản phẩm gấm do cụ dệt. Năm 1942 còn có 19 nghệ nhân được cấp bằng khen và phẩm hàm tại Hội chợ đấu xảo Đông Dương. Hiện tại làng cũng còn hai thợ đan được go võng để dệt lụa vân đặc trưng của làng”, cụ Thủy đã “liệt kê” tài nguyên du lịch. Theo cụ, đó chính là những người mà du khách có thể thăm, những nơi du khách có thể đến khi tới Vạn Phúc. Với những tài nguyên đó, các cụ sẽ cùng soạn tư liệu với nhiều chuyện kể để cung cấp cho hướng dẫn viên du lịch. Tour tuyến thăm làng cũng hình thành từ đó.
“Chúng tôi có gặp mặt các doanh nghiệp lữ hành và hỏi về Vạn Phúc. Họ nói là ở đó chẳng có gì thăm cả. Nhưng khi làm việc với người dân thì không phải thế. Vạn Phúc có cả tài nguyên về cảnh quan, sản phẩm văn hóa, di tích văn hóa, địa điểm giải trí... Họ có cả. Giống như ở Thanh Toàn trước đây, nhiều đơn vị lữ hành cũng bảo không có gì. Nhưng bây giờ chuyện đã khác”, bà Phạm Thanh Hường nói.
Trong khi đó, làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá (xã Kim Chung, H.Hoài Đức, Hà Nội) đã có tới 2 bảo tàng: bảo tàng Nguyễn Văn Huyên và bảo tàng nhiếp ảnh. Người dân ở đây cùng PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, đã lên kế hoạch để biến làng nghề này thành một điểm đến du lịch ở Hà Nội. Ở đó, khách có thể thăm không gian của những hiệu ảnh xưa, chuyện “bếp núc” khó khăn của nghề ảnh thời chiến tranh, khi nguyên liệu ảnh lúc nào cũng thiếu. Họ cũng đã chọn “đại sứ ẩm thực” của mình là món bún nộm cần để đãi khách du lịch...
tin liên quan
Người dân tự xây dựng thuyết minh du lịch cho làng Vạn PhúcNhóm 25 người am hiểu lịch sử văn hóa làng Vạn Phúc (Q.Hà Đông, Hà Nội) đã tham gia hội thảo xây dựng khung thuyết minh diễn giải và điểm thu hút tham quan làng Vạn Phúc diễn ra trong các ngày 25 - 26.4.
“Hiện nay một số làng của mình cũng tạm gọi là phát triển được. Bát Tràng, Vạn Phúc có hấp dẫn khách hơn một chút so với các làng khác, song vẫn chưa là gì so với tiềm năng của nó và với thế giới. Nhìn sản phẩm của họ cũng chưa có gì đặc trưng. Đơn cử sản phẩm gốm, nhìn vào đó cũng không có gì chắc là của Bát Tràng hay mang nơi khác về”, TS Nguyễn Thu Thủy nhìn nhận. Tuy nhiên, bà Thủy đánh giá cao mô hình làng Thanh Thủy Chánh (Thừa Thiên-Huế), làng Trà Quế, làng Triêm Tây (Quảng Nam)... Du khách quốc tế đặc biệt thích thú với những tour trồng rau của người dân làng Trà Quế. Thậm chí những quà tặng cũng có nét địa phương riêng. Chẳng hạn, có những chiếc cốc xinh xắn in hình các sản vật hay di tích địa phương.
“Chúng tôi cũng sẽ làm theo phương pháp phát duy di sản đó để có tour du lịch Vạn Phúc hấp dẫn. Trong nhà tôi có đầy máy dệt cổ người làng bỏ đi mà tôi tiếc quá mua lại. Sau này làm tour, tôi sẽ mang ra để khách học dệt và tương tác”, ông Phạm Khắc Hà hào hứng nói.
Giá trị lịch sử thuở hàn vi
Chẳng ngôi làng nào trên hành tinh này sinh ra đã sống trên nhung lụa, mà đều phải trải qua thời cơ cực. Cho đến một ngày đất nước trở nên giàu có, người dân bản địa chợt hiểu rằng phải “làm một cái gì đó” để lưu dấu thuở hàn vi, vì không có thời khốn khó ấy, chắc đã không có ngày huy hoàng hôm nay.
Nước Nhật hàng trăm năm trước, khi chưa có các thương hiệu đình đám như Toyota, Sony, Mitsubishi... thì đã được biết đến với lực lượng samurai oai vệ, nổi bật với các thanh katana - loại binh khí mà chúng ta vẫn quen gọi là kiếm Nhật - được cung cấp bởi các làng lò rèn lừng danh. Ngày nay, Nhật Bản đã đưa các làng rèn katana truyền thống vào điểm đến tham quan. Nổi bật có tỉnh Gifu ở miền trung của xứ sở hoa anh đào có một địa điểm như thế. Đến đây, du khách có thể tận mắt chứng kiến cách chế tác đầy công phu những thanh katana với nhiều lớp thép phức tạp. Sau khi quan sát thực tế, du khách có thể tiếp tục khám phá các hiện vật lịch sử ở một bảo tàng nhỏ bên cạnh khu vực rèn kiếm.
Tương tự như thế, trước khi phát hiện ra “vàng đen”, Dubai (UAE) cách nay vài trăm năm cũng là vùng đất nghèo nàn, người dân chủ yếu lặn biển mò ngọc trai để kiếm sống. Ngày nay, dù đã trở thành vùng đất giàu có xa hoa nhưng du khách đến Dubai vẫn thường được đưa đến vị trí ngôi làng chài năm xưa để phần nào thấu hiểu lịch sử phát triển của khu vực Ả Rập. Lịch sử ấy được cô đọng trong một bảo tàng nhỏ với điểm nhấn là những chiếc ghe được phục chế đúng nguyên bản thời trước, bên cạnh đó phục dựng lại cảnh lặn biển mò ngọc trai.
Nói đến làng nghề, không thể không nhắc đến Kampong Ayer (làng nổi) ở Brunei. Đây là khu dân cư hình thành trên dòng sông Brunei cách nay đã 1.300 năm. Không chỉ cất nhà trên sông, Kampong Ayer chiếm đến 10% dân số của Brunei (khoảng 40.000 người), có trường học từ cấp 1 đến cấp 3 và cả trạm cứu hỏa. Đến Kampong Ayer, du khách có thể đặt gia chủ nấu ăn cho cả nhóm và trải nghiệm nghề đánh bắt cá sông truyền thống, nên nơi đây còn là cả một viện bảo tàng sống động, độc đáo của Brunei.
Đoàn Xuân Hải
|
Bình luận (0)