Ngay trong đêm ông mất, nhóm nhà báo chúng tôi đến trước ngôi nhà Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu. Đường phố thật tĩnh lặng như đang chờ đợi một điều gì. Từ trước 0 giờ đã có hàng chục bạn trẻ đến lặng lẽ đặt những bông hoa và thắp sáng hàng trăm ngọn nến lung linh bên lề đường trước cổng nhà Đại tướng. Nhiều người trong số họ âm thầm ngồi bên nhau nhìn những ngọn nến bập bùng. Tôi liên tưởng đến những ngọn nến từng bập bùng cháy trong những ngày “lễ trọng” ở các nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn...
Và, trước và sau khi tư gia Đại tướng mở cửa đón khách vào viếng (6.10), mỗi ngày có hàng ngàn người từ sáng sớm đến tận đêm khuya, lặng lẽ trong đau thương, trật tự, kiên nhẫn xếp hàng vào viếng di ảnh Đại tướng. Ngoài một số cựu chiến binh (không mang huân - huy chương trên ngực như thông lệ) và một số người lớn tuổi, còn lại gần 80% trong số họ là thanh niên sinh viên - học sinh và thanh niên công nhân lao động... Hầu hết họ ăn mặc bình thường, giản dị, như vừa tan sở làm hoặc vừa xong công việc đâu đó. Một số người ôm những bó hoa, nhưng nhiều người chỉ cầm một bông hoa. Tôi chắc trong số đó không ít người như sự tình cờ đi qua cũng tự giác lặng lẽ xếp hàng tham gia vào dòng người chờ viếng Đại tướng. Một chiến sĩ cảnh vệ nói với chúng tôi qua hàng rào chè tàu trước nhà Đại tướng: “Thủ đô chưa bao giờ chứng kiến một đội hình thanh niên đông đảo, đa dạng và trật tự đến vậy”... Còn những chiến sĩ công an đang được tăng cường giữ gìn trật tự kia, tôi chắc rằng trong đời hành nghiệp của mình, các anh chưa bao giờ có những phút thảnh thơi đứng nhìn “đám đông” một cách nhàn nhã như lúc này. Không một lời nhắc nhở, không một động tác thừa mà hàng ngàn người như cùng hòa với các anh “đang làm nhiệm vụ”...
Điều gì đã đánh thức tâm hồn hàng ngàn, hàng vạn thanh niên đến vậy, tổ chức đoàn thể nào tổ chức được một đội hình kỳ diệu và cảm động và tự giác đến vậy... Hỏi là đã có câu trả lời ngay trên đường phố và trong sân nhà Đại tướng những ngày này... Tôi tin, khi những người trẻ biết noi theo những gương sáng - người hiền, khi những người trẻ biết trân trọng quá khứ và tôn trọng lịch sử... Họ chính là những điểm tựa vững chắc cho Tổ quốc trường tồn. Như lời Đại tướng từng nói với tuổi trẻ lúc sinh thời: “Thanh niên sống có lý tưởng là sống vì nhân dân và thanh niên biết hy sinh là quốc gia mãi mãi trường tồn”.
Lê Đức Hùng
Hà Nội, ngày 7.10.2013
>> Đại tướng và những tình cảm với ngôi trường cũ
>> Chính thức chọn Vũng Chùa - Đảo Yến để an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Chuẩn bị kỹ cho Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được chuyển bằng máy bay vào Quảng Bình
>> GSTS Võ Tòng Xuân: Đại tướng dặn tôi 'Đừng quên cây mít nhé
>> Nhiều thế hệ không cầm được nước mắt khi nhắc đến Đại tướng
Bình luận (0)