Gần mà xa
Từ Buôn Mê Thuột chỉ mất hai giờ ô tô đường Hồ Chí Minh cực tốt là đặt chân tới thị xã Gia Nghĩa, thủ phủ Đắk Nông nhưng khách du lịch về địa phương này khá thưa vắng, họa hoằn lắm mới gặp vài tốp du khách đi phượt. Mà dân đi phượt thì họ rất “ky bo” trong khoản tiêu pha. Các danh thắng ở Đắk Nông mà số phượt thủ này ghé thăm thì luôn mở toang cửa nhưng Nhà nước không thu của họ được đồng bán vé nào. Đã vậy, họ cũng ăn uống qua quít cho xong bữa rồi ngủ lều bạt nên các dịch vụ ăn-ngủ-nghỉ coi như số không! Thời gian gần đây có rất nhiều hãng lữ hành xin tổ chức tour du lịch tại Đắk Nông như: Công ty TNHH TM DV Việt Trần Việt Nam Vacations, Công ty cổ phần du lịch khám phá và phát triển cộng đồng chi nhánh Đắk Nông… Các Công ty Vietravel, Saigontourist đã tổ chức đoàn khảo sát để tổ chức tour. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các tour, tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh. Dù vậy, để có thể kéo du khách về với mình như một số tỉnh khác là cả một câu chuyện dài. Nói Đắk Nông tuy gần mà xa là vậy.
Tiềm năng
|
Với hệ thống giao thông đã được cải thiện kể từ sau khi tách tỉnh (2004), đặc biệt là đường Hồ Chí Minh nối Tây nguyên với các tỉnh phía Nam đã được nâng cấp, mở rộng vài ba năm nay, việc đặt chân đến Đắk Nông là khá dễ dàng, song du khách lại chưa mặn mà đến với “thị xã hoa vàng” này. Tất cả cũng vì tiềm năng du lịch của vùng đất này chưa được đánh thức.
Mới đây, chúng tôi có dịp đi Tà Đùng, nằm cách Gia Nghĩa chừng 50 km về phía nam. Đây là khu bảo tồn thiên nhiên có diện tích trên 22.000 ha, thuộc hai xã Đắk P’lao và Đắk Som, H. Đắk Glong. Người ta ngăn dòng để làm thủy điện trên sông Đồng Nai, vô tình đã biến Tà Đùng thành một vịnh Hạ Long thu nhỏ giữa núi rừng cao nguyên hùng vĩ bởi vô số các “đảo mi ni” vốn là những ngọn núi lúc chưa ngập nước. Thoát ra khỏi nơi ồn ào đầy khói bụi của Sài Gòn chừng 250 km là đã có thể thu vào tầm mắt “cảnh thần tiên” này. Thế nhưng, Tà Đùng chỉ “rửa mắt” cho du khách thích khám phá trong khoảnh khắc chứ không thể níu chân họ bởi không có một dịch vụ nào kèm theo.
Nhưng Đắk Nông đâu chỉ có Tà Đùng! Một “mỏ vàng” có thể kéo du khách về với núi rừng, đó là hệ thống hang động núi lửa trải dài trên địa bàn 5 huyện và một phần của thị xã Gia Nghĩa. Các miệng núi lửa, tập trung đậm đặc ở huyện Krông Nô, đã ngưng hoạt động từ hàng triệu năm trước, dấu vết còn lại của nó là những hang động chằng chịt và độc đáo. Khác với những hang động được hình thành từ các núi đá vôi sau nhiều triệu năm bị nước mưa bào mòn, hệ thống hang động tại Krông Nô được hình thành từ những miệng núi lửa. Đây là cơ sở mà tỉnh Đắk Nông làm hồ sơ để được công nhận là công viên địa chất - một địa chỉ có thể kéo khách du lịch về mình một cách thuyết phục nhất. Cùng với những hang động giăng mắc khắp các vùng rừng của Đắk Nông là những thác nước trở thành thắng cảnh quốc gia như thác Dray Sap, thác Gia Long, thác Trinh Nữ…
Quần thể Công viên địa chất núi lửa Krông Nô còn là khu vực có bề dày lịch sử, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể sẵn có như: Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, Sử thi Ot N’rong, hệ thống văn hóa lễ hội, dệt thổ cẩm… Đường mòn Hồ Chí Minh, di tích khu căn cứ kháng chiến Nâm Nung trong kháng chiến chống Mỹ, di tích anh hùng N’Trang Lơng, N’Trang Gưh thời kỳ chống pháp đầu những năm thế kỷ 20…
Bao giờ đánh thức?
Trước khi “đánh thức” tiềm năng du lịch như vừa kể, tỉnh Đắk Nông đang gấp rút hoàn thành các tiêu chí để trình cấp có thẩm quyền công nhận Công viên địa chất núi lửa Krông Nô. Trước mắt, tỉnh đã thành lập Ban quản lý Công viên địa chất núi lửa Krông Nô bao gồm một số công chức, viên chức được điều từ các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Ngoại vụ… Họ là những cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, hiểu biết sâu về những lĩnh vực mà mình đảm trách. “Cần phải xác định giá trị của nó để đưa giải pháp bảo tồn và chia sẻ những giá trị ấy để mọi người cùng hưởng lợi và cùng có trách nhiệm giữ gìn và phát huy”, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông nêu quan điểm.
Công viên địa chất núi lửa không chỉ bó hẹp trong phạm vi hang động mà nó bao quát nhiều lĩnh vực, gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể, kể cả những cánh rừng nguyên sinh và các loại cây-con đặc thù của vùng đất này. Chính vì sự “bao trùm” như thế nên việc bảo vệ giá trị nguyên bản của nó là điều rất cần thiết.
Hy vọng những tiềm năng du lịch đang được tỉnh Đắk Nông đánh thức sẽ mang lại những khởi sắc cho vùng đất vốn giàu tài nguyên và cảnh đẹp này.
Bình luận (0)