Trong thời gian qua, huyện đã tập trung khai thác có hiệu quả một số mô hình kinh tế trên lĩnh vực này. Tuy nhiên, so với lợi thế hiện có vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Do đó việc xem xét, đánh giá dưới góc độ kinh tế về tiềm năng, thực trạng và trăn trở đưa ra các gợi mở có tính giải pháp là điều cần thiết cho giai đoạn phát triển tới.
Với vị trí địa lý và là đầu mối giao thương với nhiều trung tâm tỉnh lỵ trên trục quốc lộ 29, quốc lộ 19C và đường Đông Trường Sơn; cách TP.Tuy Hòa chừng 60 km, TP.Buôn Ma Thuột chừng 120 km; tổng diện tích tự nhiên của huyện Sông Hinh 89.320 ha, trong đó đất lâm nghiệp có rừng hơn 38.674 ha, chủ yếu là rừng tự nhiên (27.583 ha).
Huyện có đặc thù về khí hậu giao thoa giữa vùng duyên hải miền Trung và Tây nguyên, địa hình đồi núi, nhiều sông suối và tấm lá chắn là ngọn Hòn Đen, Hòn Cồ, tạo nên hai vùng tiểu khí hậu đặc trưng, phía tây bắc (xã Ea Lâm) nắng lắm, phía đông nam (xã Sông Hinh) mưa nhiều. Huyện có nhiều thác đẹp, cảnh tự nhiên hoang sơ, thuần khiết và vốn dĩ là vùng nguyên liệu dược phẩm từ rừng rất phong phú, đa dạng cũng tạo cho chúng ta cơ hội bảo tồn, sản xuất, chế biến và phát triển dược liệu trở thành thế mạnh. Cùng với đó, là huyện có 22 dân dộc anh em sinh sống, với truyền thống đặc thù và nhiều giá trị từ bản sắc văn hóa đa dạng, độc đáo đã mang lại cho Sông Hinh vẻ đẹp tiềm ẩn, hấp dẫn hữu nhiên để phát triển du lịch gắn với kinh tế rừng.
Phát triển du lịch
Cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đời sống người dân Sông Hinh dần được nâng lên, nhu cầu đi lại tìm hiểu khám phá, tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng ngày càng trở thành một vấn đề thiết yếu của cuộc sống, tạo sự lan tỏa, thu hút gia đình, bạn bè, du khách khắp nơi về với Sông Hinh. Và du lịch dần trở thành lĩnh vực kinh tế hấp dẫn của huyện.
Dù mới manh nha, nhưng du lịch Sông Hinh đã thúc đẩy sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, góp phần tích cực cho việc cải thiện điều kiện sống của người dân, mang lại nguồn thu đáng kể. Có thể dễ thấy là du lịch Sông Hinh đã khai thác, phát huy các dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn, ẩm thực, các hoạt động văn hóa tập trung gắn với đầu tư các điểm công cộng sạch đẹp, bắt mắt thu hút du khách tham quan, trải nghiệm như thác H’Ly, thác Drai Tang, Đồi Thông, hồ Trung Tâm, buôn Lê Diêm. Nhưng còn đó sự bỏ ngỏ, chưa có đầu tư khai thác và nhất là chưa có các dịch vụ có tính điểm nhấn, tạo nền tảng bền vững cho du lịch.
|
|
Thời gian tới rất cần sự thu hút, đầu tư, tập trung phát triển thêm trên các khía cạnh còn bỏ ngỏ để khai thác lợi thế của huyện, đa dạng hóa sản phẩm du lịch cũng như tăng tính trải nghiệm cho du khách. Cụ thể, ngoài việc duy trì và phát huy hiệu quả các hoạt động phát triển du lịch như hiện nay, kế hoạch dài hơi là tập trung kêu gọi đầu tư các dự án mang tính điểm nhấn như trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, homestay cao cấp… Cùng với đó là vận động người dân tham gia làm kinh tế du lịch; mạnh dạn áp dụng, thí điểm, thực hiện các mô hình du lịch, theo hướng chú trọng xây dựng các homestay cộng đồng (biến nhà ở thành nơi đón tiếp, trải nhiệm của du khách); phát triển văn hóa ẩm thực, tạo ra các sản phẩm như trang phục, quà lưu niệm và phục dựng các hoạt động văn hóa đặc sắc thường xuyên tại cộng đồng...
Phát triển kinh tế rừng
Các ông, bà, ma, mí ngày trước vẫn hay truyền miệng nhau câu nói “Cọp núi Lá, cá Sông Hinh”, điều này cho thấy vốn dĩ tài nguyên rừng của huyện Sông Hinh rất phong phú, đa dạng. Và với tỷ lệ độ che phủ rừng hiện nay 43,3% cũng cho thấy nguồn lực to lớn của rừng ở Sông Hinh.
Trong thời gian tới, ngoài việc thực hiện tốt các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về quản lý, bảo vệ rừng, hưởng ứng phong trào trồng một tỉ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động, huyện sẽ sớm hoàn chỉnh lại khâu giao khoán rừng cho người dân, giải quyết các chồng chéo, vướng mắc, bất cập trong công tác bảo vệ và phát triển rừng như hiện nay, tạo điều diện cho các hộ dân ở gần rừng đều có rừng để quản lý, khai thác.
Trên cơ sở đó vận động nhân dân thực hiện các mô hình kinh tế rừng như: trồng vườn rừng (rừng nhiều tầng tán); trồng dược liệu dưới tán rừng như sa nhân, mật nhân, đinh lăng, diệp hạ châu, thạch đen, sâm đá, sâm dây, đương quy, cà gai leo…, nuôi các loại con có dược tính hoặc có giá trị kinh tế cao phù hợp với không gian rừng như heo, gà, ong, rắn… Và với hiện trạng hiện nay, việc phát động nhân dân trồng các loại cây xanh, cây da, cây si dọc các bờ sông, bờ suối để tạo sinh cảnh, chống xói lở, thanh lọc nguồn nước cũng là một giải pháp cấp thời, mang lại nhiều lợi ích.
Định hướng phát triển du lịch gắn với kinh tế rừng là hướng đi quan trọng, động lực trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn của huyện Sông Hinh. Định hướng này cho đến nay đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực, tạo được một luồng sinh khí mới hào hứng trong nhân dân.
N.C.H
BOX:
Thực tiễn cho thấy, sự phát triển du lịch và kinh tế rừng có mối quan hệ mật thiết, bổ trợ lẫn nhau, nhất là hiện nay khi cái “gu” của khách du lịch có thiên hướng ưu tiên các hoạt động mang tính trải nghiệm, khám phá tự nhiên thì yếu tố tác động qua lại giữa hai thành tố này lại càng khắng khít.
Bình luận (0)