Đánh thuế tài sản chưa đúng thời điểm: Nguy cơ người cần có nhà mất cơ hội

15/03/2022 06:27 GMT+7

Việc xây dựng luật Thuế tài sản nói chung được các chuyên gia cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ để không rơi vào tình trạng người cần có nhà lại mất cơ hội.

Bất động sản đang gánh nhiều thuế, phí

Đề cập luật Thuế tài sản, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược kinh tế và cạnh tranh, cho rằng vấn đề này đã không còn mới, được bàn cãi từ 15 - 20 năm trước, soạn thảo, cất bỏ, rồi lại lôi ra soạn thảo. Từ đánh thuế ngôi nhà thứ hai, đến đánh thuế nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên… Điều đó cho thấy nguyên tắc là cần có một luật Thuế tài sản. Nhưng chúng ta đưa ra bàn cãi, nói lúc này là không đúng dịp, nếu không nói là tréo ngoe.

Đánh thuế tài sản hiện nay là chưa phù hợp với điều kiện của Việt Nam

Đình Sơn

“Việc thu thuế tài sản mục đích để nguồn lực được thu, phân bổ có hiệu quả hơn, đặc biệt với bất động sản (BĐS) là hạn chế nạn đầu cơ. Thứ hai, tạm gọi là đạt yếu tố công bằng xã hội, thu thuế tài sản để xã hội được công bằng hơn. Thế nhưng, với bối cảnh hiện tại của chúng ta còn quá nhiều điều cần giải quyết, đặc biệt trong lĩnh vực BĐS. Vì thế, yêu cầu đánh thuế tài sản vào BĐS trở nên thiếu thực tế”, TS Võ Trí Thành nêu quan điểm.

Giải thích rõ hơn, ông Thành nói thị trường BĐS vẫn là lĩnh vực cực kỳ phức tạp, không đơn giản chỉ là câu chuyện đầu cơ, mua đi bán lại. Hiện dữ liệu còn thiếu tính minh bạch, cơ sở để xem xét dữ liệu cũng còn mông lung, rất nhiều vấn đề liên quan pháp lý. Chính vì thiếu dữ liệu, tính minh bạch không có, các hoạt động mua bán BĐS vẫn chưa được bắt buộc qua ngân hàng… nên đánh thuế vào tài sản đất đai lúc này cũng không thể giải quyết được vấn đề công bằng xã hội.

Tôi ủng hộ việc nghiên cứu một cách cẩn trọng để xây dựng luật Thuế tài sản cho tương lai, song tại thời điểm này việc đưa ra quy định thu thuế BĐS thì dễ mang tiếng tận thu, chưa được tính toán khoa học và dựa trên thực tế nội tại.

TS Nguyễn Trí Hiếu

“Liệu có dẹp được nạn đầu cơ không? Hay lại đẩy thị trường biến tướng thêm hình thức mua bán lách luật, nhờ người này người kia đứng tên, tiếp tục đẩy giá nhà tăng, mất cơ hội cho những thành phần cần có nhà cửa để ở là gia đình trẻ, người lao động, thu nhập thấp…”, ông Thành đặt vấn đề và cho rằng: “Muốn đánh thuế tài sản trước mắt cần phải kiểm soát được giao dịch BĐS. Cho đến bây giờ, chúng ta chưa kiểm soát được vấn đề này, nếu đánh thuế, càng khiến thị trường méo mó thêm, khiến giá nhà đất vốn dĩ đã cao, càng bị đẩy lên, khiến người có thu nhập trung bình lại càng ít có cơ hội tiếp cận nhà ở”.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho biết việc đánh thuế đất và thuế tài sản trên đất được nhiều nước áp dụng từ lâu, trong đó có Mỹ. Nhưng VN trong giai đoạn này đang đối diện nguy cơ lạm phát, vật giá leo thang. Đặc biệt, Chính phủ nỗ lực phục hồi kinh tế, nên việc đưa ra sắc thuế để thu lúc này phải cân nhắc. Đánh thêm thuế mới khi các chính sách đang hướng đến việc giảm, giãn… các loại thuế phí là không nên. Chưa kể, BĐS nói chung cũng đang gánh khá nhiều các loại thuế phí, từ thuế sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, chuyển quyền sở hữu… Thế nên, bản chất là để có một miếng đất xây nhà trên đó, người dân đã đóng khá nhiều loại thuế phí khác nhau và thủ tục khá nhiêu khê. Chính vì vậy, thay vì thu thuế tài sản trên BĐS thì việc quản lý hiệu quả trong thuế sử dụng đất cũng làm giảm thất thu rất lớn.

Ông Hiếu nhấn mạnh: “Tôi ủng hộ việc nghiên cứu một cách cẩn trọng để xây dựng luật Thuế tài sản cho tương lai, song tại thời điểm này việc đưa ra quy định thu thuế BĐS thì dễ mang tiếng tận thu, chưa được tính toán khoa học và dựa trên thực tế nội tại”.

Giá bất động sản cao là do thiếu cung

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, chưa nên áp dụng luật Thuế tài sản (mà theo ông chủ yếu là thuế BĐS) do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, người dân và kinh tế đều khó khăn. Việc “sốt đất” trên thị trường chủ yếu là do thiếu cung khi rất nhiều dự án bị ách tắc lại. Quan hệ cung cầu rất rõ, cung thiếu cầu tăng thì giá phải lên. Trước mắt, muốn thị trường bình ổn hơn, hạ nhiệt về giá thì phải giải tỏa được nguồn cung. Trong đó phải sửa được những bất cập trong luật Đất đai, luật Quy hoạch đô thị và sửa sao cho đồng bộ và hiệu quả cao. Còn thuế phải nghiên cứu kỹ lưỡng, không làm ngay, làm vội được.

Ông Đặng Hùng Võ phân tích: “Chỉ khi nào nền kinh tế thấy cần thiết phải thay đổi nguồn thu từ BĐS và đưa sắc thuế này vào áp dụng. Nhưng quan trọng hơn là phương pháp quản lý thuế phải có tiến bộ hơn thì đưa luật thuế vào áp dụng mới có hiệu quả. Trong khi hệ thống thuế của chúng ta còn nhiều điều bất cập. Chẳng hạn, việc thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp hiện nay vẫn giao cho thôn, xóm ở nông thôn và tổ dân phố ở đô thị thực hiện theo kiểu “thủ công”. Hay thuế thu nhập cá nhân trong chuyển nhượng BĐS khi ban hành là tiến bộ hơn so với sắc thuế cũ trước đó. Nhưng trong thực tế khi giá trị chuyển nhượng ghi trên hợp đồng lại không được “thừa nhận” nếu thấp hơn giá nhà nước công bố thì trở thành vô nghĩa và từ đó không thể tính được thu nhập của người chuyển nhượng. Do vậy đa số lại vẫn áp dụng theo mức thuế 2% trên giá trị giao dịch”.

“Thực sự sắc thuế này rất phức tạp, cần phải được nghiên cứu rất kỹ, không phải “dăm câu ba điều” là có thể đề xuất được. Không phải là tăng mức thuế toàn dân mà làm sao đánh vào tình trạng đầu cơ nhà, đất hay những nhà, đất đang bỏ hoang. Làm như vậy thì phải nghiên cứu kỹ, làm thế nào để không xảy ra hiện tượng “lách” khi người có nhiều nhà sẽ nhờ con, cháu đứng tên? Hay hiểu về nhà thứ hai như thế nào? Nhà biệt thự 200 tỉ đồng cũng là nhà, một mái nhà ngói lụp xụp cũng là nhà. Vậy phải tính toán thế nào để có thể đảm bảo được sự công bằng khi tính thuế”, GS Đặng Hùng Võ chia sẻ thêm.

Hôm qua (14.3), Bộ Tài chính nêu rõ hiện chưa xây dựng dự thảo luật đối với tài sản là nhà, đất. Cụ thể, Bộ Tài chính thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng về việc nghiên cứu, rà soát luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Thời hạn báo cáo Chính phủ chậm nhất trước ngày 30.9 và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm nhất trước ngày 30.12. Vì vậy ngày 24.2, Bộ Tài chính gửi công văn lấy ý kiến số 1779/BTC-CST đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan tổng kết, đánh giá tác động về tình hình thực hiện luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Hiện nay, Bộ Tài chính chưa xây dựng dự thảo luật để lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trước khi trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Trên cơ sở vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá quá trình triển khai thi hành 2 luật thuế nói trên để đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến BĐS để báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng tiến độ quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.