'Đánh thuế thật nặng lướt sóng bất động sản sẽ hết đầu cơ, bong bóng'

27/11/2024 16:13 GMT+7

Đồng tình với đề xuất đánh thuế chuyển nhượng nhà, đất theo thời gian sở hữu, nhiều chuyên gia cho rằng đánh thuế nặng với trường hợp buôn nhà, đất kiểu 'lướt sóng' sẽ chặn đáng kể tình trạng đầu cơ.

Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Bộ này đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định đối với thu nhập chịu thuế của cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản để đảm bảo đồng bộ với luật Đất đai năm 2024.

'Đánh thuế thật nặng lướt sóng bất động sản sẽ hết đầu cơ, bong bóng'- Ảnh 1.

Bộ Tài chính đề xuất có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của một số nước

ẢNH: TRẦN QUANG

Tại điều 247 luật Đất đai năm 2024 cũng đã sửa đổi, bổ sung khoản 1 điều 14 luật Thuế thu nhập cá nhân quy định cụ thể: "Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng từng lần; trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì thu nhập chịu thuế tính theo giá đất trong bảng giá đất". Theo đó, cũng cần cập nhật quy định này vào dự thảo luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế).

Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất có thể nghiên cứu để thực hiện thu thuế đối với thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ như kinh nghiệm của một số nước.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản, nhìn nhận thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản theo thời gian nắm giữ là hướng đi đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên cần có tính toán hợp lý để đảm bảo thực thi luật hiệu quả, khả thi.

Nguyên tắc đánh thuế phải phân tách ra chủ thể mua bất động sản để sử dụng và chủ thể mua nhằm mục đích đầu tư, đầu cơ. Người liên tục mua đi bán lại trong thời gian ngắn thì nhu cầu không phải để ở mà nhằm đầu tư kiếm lời. Những người mua để kinh doanh này thì phải đánh thuế cao, còn người mua tài sản để ở, giải quyết nhu cầu an sinh, an cư thì không đánh thuế hoặc đánh thuế thấp.

"Tôi đồng tình với việc phải đánh thuế cao hơn với các trường hợp chuyển nhượng nhà, đất trong thời gian ngắn, còn đánh thuế như thế nào thì quá trình làm luật sẽ có tính toán cụ thể hơn", ông Đỉnh nói.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Văn Thức, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH BCTC, thu thuế thu nhập cá nhân trong chuyển nhượng bất động sản theo thời gian sở hữu là cách nhiều nước đã triển khai. Đó là cách làm hay, song cần xem xét thời gian quy định như thế nào cho hợp lý với điều kiện thực tế tại Việt Nam.

Để triển khai việc này cần khảo sát kỹ thực tế, chọn mẫu những dự án bất động sản tiêu biểu, điển hình đánh giá xem khi đưa sản phẩm vào thị trường, tình hình luân chuyển như thế nào. Sau khảo sát, đánh giá thì lựa chọn ra các phương án với khoảng thời gian phù hợp để tiến hành đánh thuế, luật phải phù hợp với thực tiễn.

"Nếu làm kiên quyết, đánh thuế thực sự nặng vào những giao dịch bất động sản mua nhanh, bán nhanh mang tính lướt sóng kiếm lời, tin rằng sẽ giải quyết được tình trạng đầu cơ, bong bóng bất động sản.

Ví dụ, mỗi lần lướt sóng bán nhà thu lời khoảng 200 - 300 triệu đồng mà mức thuế đánh vào cũng lên tới 200 - 300 triệu đồng thì không ai lướt sóng nữa", ông Thức nói.

"Thuế 2% lớn lắm"

Hiện nay, thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng từng lần, thuế suất áp dụng là 2%. Không ít chuyên gia cho rằng nên xem xét điều chỉnh mức thuế suất này.

Chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện xây dựng luật mới, phải trả đúng lại tên gọi, đúng bản chất là thuế thu nhập cá nhân, không nên thu khoán.

Trường hợp mua bán đất đai, nhà cửa mà có hóa đơn chứng từ đầy đủ thì chỉ nên thu thuế trên phần lãi, không thể cứ thu 2% trên tổng giá trị. "2% lớn lắm, như thế phải gọi là thuế tài sản hoặc thuế doanh thu. Kể cả là thuế doanh thu cũng chỉ nên tính ở mức 1%, 2% là con số lớn mang tính lạm thu và là một trong những nguyên nhân làm đẩy giá bất động sản lên cao", ông Tú nói.

Đồng tình với việc cần giảm mức thuế suất 2%, ông Đỉnh phân tích, trong ngắn hạn, bảng giá đất còn thấp, mức thuế 2% không phải là gánh nặng. Tuy nhiên, từ năm 2026 trở đi (khi bảng giá đất mới được ban hành - PV), bảng giá đất mới sẽ phản ánh tương đối sát giá thị trường nên mức thuế suất 2% cũng là gánh nặng lớn với đa số người dân, đặc biệt những người không có mục đích kinh doanh.

"Tôi ủng hộ việc giảm thuế suất xuống dưới 2%, nhưng giảm thế nào, xuống 1% hay 0,5% thì phải có quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng", ông Đỉnh nói.

Nhận định đánh thuế với chuyển nhượng bất động sản theo lợi nhuận giữa mua và bán cũng là một hướng hợp lý, công bằng, song theo ông Đỉnh, điều này khó thực thi ở thời điểm hiện tại, một phần là bởi sự phức tạp trong công thức tính và thiếu cơ sở dữ liệu.

Ông Thức cũng nhìn nhận, đánh thuế trên phần lợi nhuận chuyển nhượng bất động sản là phương án đảm bảo độ công bằng cao, song tình hình thực tế tại Việt Nam chưa khả thi. Khi nào mọi giao dịch đều thông qua ngân hàng, không dùng tiền mặt mới có thể xem xét áp dụng phương án đánh thuế này như cách nhiều nước đã làm.

"Hiện nay, giao dịch bất động sản vẫn dùng nhiều tiền mặt, áp dụng cách thu thuế đó chắc chắn dẫn tới thất thu", ông Thức nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.