Đảo chiều chiến lược, kinh tế Trung Quốc có 'thoát hiểm' ?

22/07/2024 05:50 GMT+7

Giữa tình trạng khó khăn kéo dài, kinh tế Trung Quốc dự kiến chuyển hướng về chiến lược phát triển, nhưng liệu có khả thi?

Tuần qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 3 của nhiệm kỳ hiện tại.

Cuộc cải cách sâu rộng

Tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin hội nghị trên đã thông qua "nghị quyết về cải cách sâu rộng hơn nữa một cách toàn diện nhằm thúc đẩy hiện đại hóa Trung Quốc".

Đảo chiều chiến lược, kinh tế Trung Quốc có 'thoát hiểm' ?- Ảnh 1.

Trung Quốc đang muốn thúc đẩy nhu cầu nội địa

AFP

Theo đó, nghị quyết đưa ra hơn 300 biện pháp cải cách quan trọng, tất cả đều liên quan đến cải cách ở cấp độ hệ thống, cơ chế và thể chế. Trung Quốc sẽ tăng tốc nỗ lực xây dựng một hệ thống thị trường tiêu chuẩn cao. Đó là thị trường quốc gia thống nhất, bao gồm phát triển thị trường đất xây dựng đô thị - nông thôn thống nhất, thị trường dữ liệu và công nghệ tích hợp trên toàn quốc, thị trường điện lực quốc gia thống nhất. Các bộ, ngành sẽ hoàn thiện cơ chế lâu dài cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia các dự án trọng điểm quốc gia, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân có năng lực chủ trì thực hiện các đột phá công nghệ quan trọng.

Cuộc cải cách lần này được xem là một nỗ lực thay đổi lớn nhằm xây dựng thị trường trong nước làm động lực thúc đẩy nền kinh tế, chứ không còn lệ thuộc vào việc xuất khẩu như trước đây. Qua đó, Trung Quốc hướng đến sự phát triển một chuỗi cung ứng và tiêu thụ toàn diện.

Nghị quyết trên được thông qua sau khi Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 15.7 công bố dữ liệu cho thấy kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 4,7% trong quý 2/2024, thấp hơn so với mức kỳ vọng 5,1%. Như thế, trong cả 2 quý đầu năm nay, kinh tế nước này đều tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng.

Giữa bối cảnh như vậy, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 16.7 vẫn đăng bài xã luận khẳng định sự tin tưởng vào việc kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng được đề ra trước đó là 5%. Thế nhưng, tờ South China Morning Post dẫn thông tin từ một số ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2024 xuống dưới 5%. Điển hình, Barclays giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc từ 5% xuống còn 4,8%, Goldman Sachs cắt giảm dự đoán từ 5% xuống còn 4,9%.

Nguyên nhân kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn trong thời gian qua, tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng được cho là vì sự trì trệ của thị trường bất động sản, nhiều khoản nợ xấu khó giải quyết bắt nguồn từ giai đoạn trước có tăng trưởng tín dụng mức cao để thúc đẩy kinh tế phát triển nóng. Khi kinh tế khó khăn, chi tiêu trong nước cũng giảm xuống vì người dân có xu thế tiết kiệm, thì những chính sách kích thích lại chưa đủ mang lại hiệu quả.

Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 3 trên, hội nghị toàn thể cũng thừa nhận những lo ngại về tình trạng suy thoái tài sản kéo dài của Trung Quốc và những tác động lan tỏa tiềm ẩn. Thông cáo của hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết phải "phòng ngừa và giải quyết rủi ro" xuất phát từ lĩnh vực bất động sản, nợ của chính quyền địa phương và các tổ chức tài chính vừa và nhỏ.

Hội nhập sâu mới là chìa khóa ?

Trong khi đó, sự chuyển hướng chính sách như trên được cho là chưa đủ để giải quyết gốc rễ khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc. Tờ South China Morning Post hôm qua (21.7) dẫn lời giáo sư Ngô Hiểu Cầu, Giám đốc Viện nghiên cứu Tài chính quốc gia - Đại học Nhân dân Trung Quốc (Bắc Kinh), cảnh báo Trung Quốc không thể thay thế nhu cầu bên ngoài bằng nhu cầu trong nước, đồng thời kêu gọi "các tiêu chuẩn mới" để vực dậy niềm tin của công chúng về cơ bản.

Nhận xét trên được đưa ra khi ông phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Hồng Kông. Mang tên "Sức mạnh của Trung Quốc và Chương mới của nền kinh tế toàn cầu: Phát triển và Triển vọng", diễn đàn do Đại học Hồng Kông tổ chức. Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng: "Nhu cầu bên ngoài đặc biệt quan trọng đối với Trung Quốc vì nước này không thể tự mình tiêu thụ nguồn cung dư thừa… Đừng nghĩ rằng Trung Quốc có thể dựa vào tiêu dùng nội địa của chính mình vì nền kinh tế của nước này đang phát triển lớn hơn".

Không những vậy, ông cho rằng thị trường Trung Quốc vẫn chưa hoạt động hoàn toàn theo tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực, cần phải hội nhập sâu hơn nữa với thị trường toàn cầu thì mới giải quyết được những vấn đề căn cơ.

"Nhiều người đánh giá thấp tầm quan trọng của thị trường bên ngoài vì họ không nhận ra rằng việc mở cửa là rất quan trọng đối với tương lai của Trung Quốc. Thực tế, mở cửa là cuộc cải cách vĩ đại nhất của Trung Quốc", giáo sư Ngô nhận xét và đặt vấn đề: "Vấn đề thực sự với nền kinh tế Trung Quốc là sự tự tin và kỳ vọng thấp của người dân".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.