Mạng xã hội luôn là 'con dao hai lưỡi'
* Phim Chúng ta của 8 năm sau đang phát sóng là một thể loại phim "quen mặt" của anh. Có gì mới hơn không ngoài những cái tên lần đầu tham gia phim của anh như Hoàng Hà, Quốc Anh…
- Đạo diễn Bùi Tiến Huy: Nói là 'quen mặt' thôi chứ với riêng tôi, cũng phải 8 năm rồi tôi mới làm phim về chủ đề thanh xuân (phần đầu Chúng ta của 8 năm sau). Tôi nghĩ trong lĩnh vực sáng tạo, ai cũng muốn tìm cái mới, muốn làm mới mình nhưng đôi khi việc làm mới đó không quan trọng bằng cảm xúc mà tác phẩm tạo ra cho khán giả, cũng như cảm xúc mà chính tôi dành cho tác phẩm của mình, nó luôn mới .
* Một số gương mặt diễn viên trẻ tham gia trong các bộ phim truyền hình gần đây, ngoài thế mạnh là "chất trẻ" ra thì theo anh, họ còn có những ưu điểm nào để anh lựa chọn vào phim của mình?
- Tôi cũng phải casting khá kỹ càng để chọn ra dàn diễn viên của thời 8 năm trước. Như bạn nói, họ có tuổi trẻ nhưng họ cũng không phải là những gương mặt quá mới, thế nên với tôi mới hay trẻ không phải là ưu tiên hàng đầu, quan trọng vẫn phải là hợp vai.
* Là một đạo diễn chuyên về thể loại phim gia đình, tình cảm… Dù mỗi bộ phim đều có nội dung khác nhau nhưng "đóng đinh" mãi một thể loại như vậy có tạo "độ lì" cho anh?
- Gia đình, tình yêu, tuổi trẻ… như vậy cũng là nhiều thể loại rồi đấy chứ (cười). Nói vậy chứ có những lúc đọc kịch bản tôi cũng bị 'lì', nhưng khi làm việc với biên kịch, với các bạn diễn viên thì tôi luôn tìm được sự hứng khởi mới và như tôi đã nói ở trên, cảm xúc của tôi với mỗi bộ phim đều rất mới.
* Vậy anh sẽ tìm cái mới cho mỗi bộ phim do mình thực hiện bằng cách nào?
- Quên hết các bộ phim đã làm, nạp thêm nhiều vốn sống mới và nhiều cảm xúc mới.
* Làm phim truyền hình hiện nay đôi khi vì thời lượng và tiến độ phát sóng, ê-kíp làm phim phải quay cuốn chiếu rồi kịch bản đôi khi phải bị đẩy lên quá tay hoặc nội dung bị cắt xén để phù hợp… làm ảnh hưởng đến chất lượng phim. Anh có trăn trở gì về hiện trạng này?
- Có thể tôi cũng may mắn vì không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những yếu tố như bạn vừa nói, nhưng với tôi, một bộ phim có chất lượng không được như mong muốn vì lý do này hay lý do khác thì trách nhiệm lớn nhất vẫn nên là người đạo diễn nhận lấy. Vì vậy nếu có bộ phim chưa được tốt, tôi nhìn vào đó để rút kinh nghiệm, để làm tốt hơn những bộ phim tiếp theo, thay vì đổ tại những yếu tố khách quan khác.
* Thách thức của một đạo diễn khi làm phim truyền hình hiện nay là gì?
- Là có quá nhiều phim truyền hình, cả trong và ngoài nước. Vì vậy phải làm thế nào để bộ phim của mình được khán giả đón nhận.
* Trong thời đại 4.0, khi thực hiện một bộ phim truyền hình mới, ngoài truyền thông, báo chí thì mạng xã hội cũng là một kênh quảng bá rất hiệu quả. Đây cũng được xem là "con dao hai lưỡi". Bản thân đạo diễn cũng có Facebook. Vậy khi đối mặt với những ý kiến trái chiều, bình luận trên mạng xã hội về "đứa con tinh thần" của mình, thường xuyên bị soi những "hạt sạn" của phim, anh có cảm thấy áp lực không?
- Ban đầu tôi cũng thấy áp lực, nhưng rồi cũng quen dần. Khán giả thường bình luận trên mạng xã hội ngay khi họ vừa xem phim xong nên nhiều khi sẽ bị cảm xúc chi phối. Việc của ê-kíp sáng tạo là tỉnh táo trước những lời khen chê.
* Trong quá trình làm phim truyền hình nhiều năm, với vị trí đạo diễn, anh có gặp những rào cản, "vùng cấm" nào khiến mình trăn trở và phải "gia giảm" khi thực hiện bởi màn ảnh nhỏ cũng có nhiều phim có cảnh nóng, cảnh bạo lực, tiêu cực bị "soi" vì cho rằng ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của giới trẻ?
- Phát sóng để phục vụ nhiều đối tượng khán giả khác nhau nên việc cần điều chỉnh, ví dụ bớt những cảnh nóng, bạo lực… là điều dễ hiểu và tôi không coi đó là rào cản, là vùng cấm. Suy cho cùng, một bộ phim có được khán giả đón nhận hay không đâu có phụ thuộc vào những yếu tố 'nóng, bạo lực' đó.
Mỗi phim của tôi đều có những gương mặt diễn viên mới
* Những năm gần đây phim truyền hình "nở rộ", các diễn viên hầu như là những gương mặt quen thuộc xuất hiện liên tục trong rất nhiều bộ phim. Thậm chí cùng thời điểm phát sóng của 2-3 phim đều có mặt diễn viên đó. Vậy khi thực hiện một bộ phim mới, việc tìm kiếm diễn viên có phải là vấn đề khiến anh trăn trở?
- Chẳng phải gần đây đâu mà việc chọn diễn viên luôn là điều đạo diễn trăn trở cho mỗi bộ phim của mình. Như tôi đã nói ở trên, ưu tiên trong việc chọn diễn viên của tôi không phải là gương mặt mới hay không, hoặc có phải đã quen thân hay không, mà đơn giản là diễn viên đó phải hợp vai.
* Trong phim Chúng ta của 8 năm sau, vẫn là những gương mặt quen thuộc như Minh Huyền, Mạnh Trường, Quỳnh Kool... Có vẻ như bản thân anh hay một số đạo diễn của VFC cũng không dám mạo hiểm để chọn những gương mặt khác hay những cái tên này mới đủ sức hút người xem?
- Không thể phủ nhận sức hút của những diễn viên đã kinh nghiệm và tên tuổi. Tuy nhiên đó cũng là "con dao hai lưỡi" vì nếu các bạn không tìm tòi những lối diễn mới, tìm hiểu nhân vật mới một cách kỹ càng thì họ có thể bị lẫn với các vai diễn trước đó, hoặc không vượt qua được vai diễn "đóng đinh" tên tuổi. Vậy nên trước khi lựa chọn diễn viên vào phim, cả ê-kíp đã phải cùng ngồi bàn bạc, nghiên cứu khá kỹ để đưa ra quyết định. Còn việc lựa chọn gương mặt mới thì tôi khá cởi mở và quan sát các thế hệ diễn viên, cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên để lựa chọn phù hợp nhất cho những tác phẩm của mình. Và nếu bạn để ý các phim của tôi làm thì hầu như mỗi phim đều có những gương mặt mới lần đầu đóng phim hoặc lần đầu đóng cho VFC.
* Phim truyền hình đang rất đa dạng về thể loại. Ngoài dòng phim gia đình, tình cảm thì thể loại hình sự, chính luận cũng rất "ăn khách". Anh có nghĩ mình sẽ "rẽ lối" để thực hiện một thể loại phim khác sắp tới không?
- Tôi cũng đang nghĩ đến việc đó, nên rất có thể trong tương lai, tôi sẽ có một bộ phim "khác màu" hẳn đi.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Bình luận (0)