Đảo điên giá vàng mùa Covid

Thanh Xuân
Thanh Xuân
15/10/2020 06:15 GMT+7

Trong suy thoái kinh tế , vàng luôn là kênh trú ẩn cho các dòng vốn tìm đến.

Nhưng trong suy thoái bởi đại dịch Covid-19, những cơn “sóng thần” vàng đã khiến không ít tổ chức cá nhân chao đảo, điêu đứng. Điều đó cho thấy, trong đại dịch, chuyện gì cũng có thể xảy ra. 
Đảo điên giá vàng mùa Covid

Mua vàng tại tiệm vàng Mi Hồng

ẢNH: Ngọc dương

Sốc giá, sốc dự báo

Sau 9 năm chờ đợi, vàng miếng SJC đã quay lại mức cao 49 triệu đồng/lượng vào tháng 6.2020, nhưng đây chỉ là màn dạo đầu của kim loại quý. Sang tháng 7, sức nóng của kim loại quý đã đốt cháy các mức giá kỷ lục khi vàng miếng SJC phá các ngưỡng 50 triệu, 60 triệu đồng/lượng và chính thức xác lập đỉnh 62,45 triệu đồng/lượng vào ngày 7.8. Chưa bao giờ thị trường vàng náo loạn đến như vậy. Trong tuần đầu tháng 8, cứ mỗi ngày, mỗi giờ trôi qua, giá vàng được tính tăng giảm theo đơn vị 1 - 3 triệu đồng/lượng thay vì tăng giảm vài chục ngàn đến vài trăm ngàn như trước. Chỉ mất 40 ngày, kim loại quý đã tăng 13 triệu đồng mỗi lượng, đó là điều bất ngờ đối với cả giới đầu tư vàng chuyên nghiệp. Nâng tổng mức tăng trong 8 tháng đầu năm lên 20 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng gần 46%.

Những điểm lạ trên thị trường vàng Việt Nam:

- Người dân đổ xô mua vàng khi giá lên 60 - 62,45 triệu đồng/lượng, nhưng khi giá giảm về dưới 60 triệu đồng/lượng thì không ai mua.
- Giá vàng miếng SJC cửa hàng bán cao hơn giá mua gần 2 triệu đồng/lượng nhưng người dân vẫn xếp hàng đi mua.
- Giá vàng miếng SJC “đắt” hơn giá thế giới 5 triệu đồng/lượng, tương đương 180 USD/ounce nhưng người dân vẫn đổ xô đi mua.
- Vàng miếng SJC và vàng nữ trang cùng chất lượng 4 số 9 nhưng giá SJC cao hơn 2 triệu đồng/lượng. 
-  Giữa tháng 4, hiện tượng hiếm hoi khi vàng trong nước thấp hơn thế giới từ 300.000 đến 3 triệu đồng/lượng.
- Vàng tài khoản bị biến tướng theo mô hình đa cấp để kêu gọi đầu tư.
Trước đó, sóng vàng được "nhồi" thêm từ các dự báo sốc của hàng loạt tổ chức, cá nhân uy tín trên thế giới. Vào tháng 4, khi vàng đang ở mức 1.650 USD/ounce, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) thay đổi dự báo kim loại quý sẽ tăng thêm 100 USD/ounce so với mức trước đó, lên 1.800 USD/ounce trong quý 2. Ngân hàng ANZ dự báo giá vàng có thể chạm mức 2.000 USD/ounce trong quý 2 năm nay. Ngân hàng đầu tư TD Securities cũng dự báo giá vàng sẽ tăng lên 1.800 USD/ounce vào thời gian không xa và đạt 2.000 USD/ounce vào cuối năm nay… Nhưng đó vẫn chỉ là những mức dự báo khiêm tốn. Tỷ lệ thuận với các diễn tiến của dịch bệnh, các dự báo ngày càng gây sốc. Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets (Canada) đưa ra dự báo giá vàng với 3 kịch bản, trong đó kịch bản cao nhất là giá vàng thế giới sẽ vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce (tương đương khoảng 84 triệu đồng/lượng - PV) vào quý 1/2021. Thời điểm tháng 4, Ngân hàng Bank of America đã nâng mục tiêu giá vàng trong vòng 18 tháng tới có thể tăng lên tới 3.000 USD/ounce. Công ty US Global Investors đưa ra dự báo vài năm tới giá vàng sẽ lên 4.000 USD/ounce (tương đương 112 triệu đồng/lượng - PV)...
Mới đây, ông Pierre Lassonde, Chủ tịch danh dự Hội đồng quản trị Công ty khai thác mỏ Franco-Nevada (Toronto, Canada) đưa ra mức dự báo vàng có thể lên 15.000 - 20.000 USD/ounce trong vòng 2 - 5 năm tới nếu tỷ lệ chỉ số công nghiệp Dow Jones so với vàng quay lại 1:1 và điều này đã từng xảy ra trong quá khứ. Đây là mức giá dự báo “kinh khủng” nhất trong thời gian gần đây, quy đổi ra giá trong nước tương ứng 420 - 560 triệu đồng/lượng (tính theo giá USD Vietcombank hiện nay).

40 tỉ USD đổ vào quỹ vàng

Trước những dự báo đồng loạt tăng giá vàng của các tổ chức tài chính lớn trên thế giới, nhiều dòng vốn cũng đổ mạnh vào thị trường kim loại quý. Quỹ đầu cơ của huyền thoại đầu tư Ray Dalio rót hơn 400 triệu USD vào vàng trong quý 2 khi giá vàng tiến tới mức kỷ lục. Cụ thể, Công ty Bridgewater Associates (do ông Ray Dalio thành lập) đã tăng khoản đầu tư vào quỹ vàng lớn thế giới SPDR từ 600,6 triệu USD lên 914,3 triệu USD, trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất của quỹ ETF vàng. Ngoài ra, công ty này cũng tăng khoản đầu tư tại Quỹ đầu tư vàng iShares Gold Trust từ 176 triệu USD lên 268,4 triệu USD. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett trước đây không ưa thích vàng nhưng tháng 8 năm nay cũng đã bỏ ra 565 triệu USD để nắm giữ 20,9 triệu cổ phiếu của Công ty đào vàng lớn thứ 2 thế giới Barrick Gold trong danh mục đầu tư quý 2.
Dòng vốn trên thị trường “bơi” theo “cá mập” đổ vào vàng qua các quỹ đầu tư. Theo Hội đồng Vàng thế giới (WGC), lượng vốn của nhà đầu tư tiếp tục đổ vào vàng sau khi thu hút 40 tỉ USD vào các quỹ vàng chỉ trong 6 tháng đầu năm, đây là mức cao lịch sử, nâng lượng vàng nắm giữ của các quỹ đầu tư tăng cao, lên 734 tấn. So với đầu năm, Quỹ đầu tư vàng SPDR hiện nay đã mua ròng 354,32 tấn và lượng vàng nắm giữ lên 1.247,57 tấn.
Trong bối cảnh rối ren, vàng đã phát huy vai trò là tài sản trú ẩn an toàn và được các nhà đầu tư săn đón trong “cơn bão” Covid-19. Ngân hàng trung ương các nước đã tăng cường tích trữ vàng. Theo WGC, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã mua 650 tấn vàng trong năm 2019, đây là mức cao trong vòng 50 năm qua, đứng sau năm 2018 với số lượng 656 tấn. Số vàng dự trữ của 10 ngân hàng trung ương lớn không ngừng tăng lên trong 7 tháng đầu năm, đạt hơn 23.655 tấn. Trong một cuộc khảo sát của WGC, trên 50% các ngân hàng trung ương cho biết sẽ không bán vàng trong 5 năm tới.
Với hơn 25 năm hoạt động trong lĩnh vực vàng, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho biết đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần vàng tăng “sốc” trước những biến cố về khủng hoảng kinh tế, chính trị. Đơn cử cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 xảy ra đã kích hoạt cho vàng tăng giá 2 năm liền sau đó, đạt mức đỉnh trên 1.900 USD/ounce vào năm 2011. Hay vào năm 2001, sau khi Mỹ bị khủng bố tấn công tòa tháp đôi trung tâm thương mại làm hàng ngàn người chết, những cuộc trả đũa của Mỹ đã kích hoạt vàng tăng từ mức 270 USD/ounce lên 730 USD/ounce nhiều năm sau đó. Gần đây nhất là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã kích hoạt giá vàng năm 2019 tăng mạnh lên 1.500 USD/ounce thay vì mức 1.290 USD/ounce cuối năm 2018.
Trú ẩn vào vàng khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm là nguyên lý trên thị trường bởi dòng vốn đổ vào kim loại quý do tính thanh khoản cũng như có khả năng chịu được các biến động về chính trị, kinh tế mà không mất giá, đồng thời có thể quy đổi ra tiền mặt nhanh chóng nếu cần thiết. Trong bối cảnh các nước đua nhau giảm lãi suất nội tệ cũng như bung ra các gói kích thích kinh tế khổng lồ hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khủng hoảng, đặc biệt Mỹ đã giảm lãi suất về gần 0% cũng như liên tục đẩy các gói hỗ trợ kinh tế có thể lên đến 10.000 tỉ USD… thì việc rót tiền vào vàng và vàng tăng sốc trở lại sau nhiều năm trầm lắng cũng là điều dễ hiểu.

Trú ẩn cũng rủi ro

Nhưng trong dịch bệnh, mọi nguyên lý đầu tư đều có thể đảo lộn. Ông Huỳnh Trung Khánh thừa nhận, vàng đã không đi theo một chu kỳ 10 năm như nó đã từng trải qua. Với biến động giá khoảng 500 USD/ounce, vàng thường mất khoảng 3 năm nhưng trong năm 2020 quãng thời gian này đã bị thu hẹp, chỉ mất vài tháng. Khác với những khủng hoảng trước đây, đại dịch Covid-19 chưa biết khi nào mới có thể khống chế được sự lây lan. Điều này đồng nghĩa với việc khôi phục kinh tế của các nước còn gặp nhiều khó khăn, những gói kích thích kinh tế khổng lồ được duy trì với mức lãi suất thấp, cộng thêm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có điểm dừng… Tất cả những điều này vẫn đang làm lực đẩy cho vàng và những chuyên gia, tổ chức thế giới dựa vào đó để đưa ra các mức dự báo vàng tăng trong thời gian tới lên 2.500 USD/ounce hay 5.000 USD/ounce.
Đó cũng là lý do, nhiều cái chết trên thị trường vàng đã xảy ra ở những giai đoạn vàng biến động mạnh. Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP vàng bạc đá quý SJC Phú Thọ, cho biết dự báo giá vàng chỉ mang tính chất tham khảo, có thể đúng nhưng cũng có thể sai vì “không ai có thể dự báo được chính xác đường đi của vàng”. Đặc biệt, năm 2020 thị trường chứng kiến đại dịch Covid-19 với những yếu tố bất định, không biết khi nào khống chế được dịch bệnh và sức ảnh hưởng của nó đến các nền kinh tế ra sao. Với các gói hỗ trợ kinh tế mà Mỹ tung ra khá lớn đã làm cho USD yếu đi, đây cũng có thể là điều mà Mỹ mong muốn trong những giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm. Nền kinh tế lớn nhất thế giới này sẽ để cho USD yếu nhằm kích thích sức tiêu dùng. Trong khi đó, vàng thường biến động ngược chiều so với USD nên khả năng sẽ tăng. Thế nhưng, một điểm đặc biệt của thị trường năm nay là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 có sức ảnh hưởng đến giá vàng. Cuộc chạy đua giữa các ứng cử viên vào Nhà Trắng có thể làm giảm đà tăng giá của kim loại quý trong ngắn hạn cũng như thị trường chứng khoán sẽ thu hút nguồn vốn rẻ khi các thông tin về vắc xin phòng chống Covid-19 được công bố. Ông Trần Thanh Hải khuyến cáo vàng đang đứng ở mức cao trong lịch sử, người mua vàng và nắm giữ kim loại quý cần cân nhắc kỹ nếu không sẽ mua ở đỉnh như từng xảy ra vào năm 2011. Lúc đó vàng SJC lên trên 49 triệu đồng/lượng và nhiều người nghe theo các dự báo vàng lên 2.000 USD/ounce, mua “bất chấp” dẫn đến phải mất gần 9 năm sau giá mới quay lại mức này.
Ông Huỳnh Trung Khánh nhận xét tốc độ tăng giá của vàng thời gian qua đã thu hút những “tay chơi” trên thị trường thế giới như các quỹ đầu tư, định chế tài chính lớn. Việc mua bán của họ đều có chiến lược nên đầu tư theo họ “lướt sóng” qua vàng tài khoản là khá rủi ro. Đó là chưa kể Việt Nam không cho phép đầu tư vàng tài khoản nên mức độ rủi ro sẽ càng cao hơn. Riêng mua vàng vật chất, cần hết sức bình tĩnh tránh việc đổ xô mua ở mức giá cao. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.