Từ ý tưởng kịch bản Khát vọng trẻ (KTV) 4, anh đã thiết kế sân khấu như thế nào? Những khó khăn mà anh gặp phải trong quá trình thực hiện?
Khó khăn chung hiện nay khi dàn dựng một chương trình ca nhạc là bị lệ thuộc vào địa điểm biểu diễn (không đủ tiêu chuẩn, chật hẹp, có nơi bị dội âm thanh), đặc biệt tại các nhà thi đấu thể dục thể thao, vốn thiết kế không phục vụ biểu diễn ca nhạc. KVT 4 được thuận lợi về hình thức: kịch bản đưa ra ý tưởng thực hiện sân khấu, không phải từ một sân khấu sẵn có rồi đưa nội dung vào. Tuy nhiên, các chuyên viên âm thanh phải tìm cách khắc phục kỹ thuật để đừng bị dội âm.
|
Với hai nội dung trong một, sân khấu KVT 4 phải thể hiện được nội dung Tổ quốc nhìn từ biển và Khát vọng trẻ. Sau khi đi tiền trạm tại Nhà thi đấu Tiên Sơn - Đà Nẵng, tổ thiết kế quyết định chọn khán đài C, thỏa mãn được phần nhìn cũng như thuận tiện ghi hình phát sóng. Từ đó, xếp đặt làm sao để chỉ khoảng 5 phút là có thể thay đổi không gian của chương trình thành hai phần tách bạch. Sau nhiều lần thay đổi bản vẽ, những người thực hiện chương trình đã tìm ra giải pháp cho 4 sân khấu nằm cả trên và dưới khán đài.
Do di chuyển từ TP.HCM ra Đà Nẵng nên chương trình phải hạn chế đạo cụ, cảnh trí mà tập trung vào việc sử dụng màn hình LED và máy chiếu. Đây là chương trình sử dụng hình ảnh của phim rất nhiều và công phu. Tất cả phục vụ cho ý đồ: phần một, câu chuyện kể từ lúc người lính rời đất liền (Quang Dũng), lên tàu (Quang Linh), rồi ra đảo (Đức Tuấn) và nỗi niềm hậu phương (Thanh Thúy, Mỹ Như), rồi cảnh hoàng hôn trên sóng dữ (Phương Vy). Kết phần một là sự khẳng định bảo vệ biển đảo.
|
Phần hai lại là những gì thuộc tuổi trẻ: một MTV yêu đời, Hà Anh Tuấn thì trăn trở, Thanh Thảo nhí nhảnh, Kasim Hoàng Vũ năng động, Suboi và các bạn trong tiết mục này lại bùng nổ...
Đây là chương trình ca nhạc đưa vũ đạo Vovinam lên sân khấu. Anh đã phải dàn dựng tiết mục này như thế nào để khán giả xem không có cảm giác là màn thi đấu Vovinam đối kháng? Bao nhiêu võ sinh Vovinam tham dự tiết mục? Anh và võ sư Võ Danh Hải phối hợp như thế nào để dàn dựng tiết mục này?
Thời còn đi học tôi cũng là môn sinh Vovinam, gặp anh Nguyễn Quang Thông (Tổng biên tập Báo Thanh Niên) cũng là dân Vovinam, rồi khi về công tác tại kênh Let's Việt-VTC9 thực hiện chương trình Võ đài chiến thắng (dành cho Vovinam), tháng trước TP.HCM lại tổ chức giải Vovinam quốc tế..., vì vậy khi làm chương trình, tôi nghĩ ngay trong đầu làm sao đưa Vovinam lên sân khấu ca nhạc. Tại sao chúng ta cứ phải dùng Thiếu Lâm, Thái cực đạo trong nhiều loại hình khác?
Sau khi bàn bạc với võ sư Võ Danh Hải, chúng tôi thống nhất cử người huấn luyện những đường nét cơ bản Thập tự quyền cho Vũ đoàn Sài Gòn, từ đó biên đạo múa Hải Hà uyển chuyển hơn trong lực động, tạo hình cho múa từ cơ sở dữ liệu Vovinam. Bên cạnh đó, để tăng "không khí", ban tổ chức cũng đồng ý mời 70 môn sinh Vovinam sẽ cùng biểu diễn dưới hàng ghế khán giả. Rất cám ơn nhạc sĩ - thiếu tướng An Thuyên khi ông đã viết một ca khúc mở màn rất tuyệt vời, có đất để anh em thực hiện.
Tiết mục đưa đạo cụ là những chiếc tàu lớn và cả những chiến sĩ hải quân lên sân khấu được dàn dựng như thế nào? Anh gặp khó khăn nhiều khi phải dàn dựng những tiết mục về đề tài biển đảo, ngư dân, về bảo vệ vùng biển của Tổ quốc hay không?
50 sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng trong trang phục hải quân (màu trắng) dưới tài phối màu của chuyên gia ánh sáng Ngọc Bảo. Tôi nghĩ khán giả nghe các ca khúc về đề tài biển đảo, ngư dân, về bảo vệ vùng biển của Tổ quốc sẽ rất xúc động. Tôi tin tưởng dù có ước lệ về hình thức đi chăng nữa, hy vọng người nghe - xem vẫn tập trung hơn vào lời ca tiếng hát, chất chứa nỗi niềm của một dân tộc. Ở phần một này, tôi hướng về cái hồn hơn là hình thức, cố gắng dẫn dắt người nghe điều mình muốn nói.
Theo anh, điểm độc đáo nhất của việc thiết kế sân khấu cho KVT 4 lần này là gì?
Khi thiết kế sân khấu KVT 4, tôi luôn tạo bố cục chặt chẽ phục vụ một câu chuyện kể ở phần đầu và ngẫu hứng ở phần sau.
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)