Đạo diễn Lê Dân: "Bắt tay làm để... tự cứu!"

09/08/2005 22:08 GMT+7

Điều quan trọng hiện nay sau đại hội Hội Điện ảnh VN vừa bế mạc, đó là bắt tay vào làm. "Điện ảnh chúng ta đang thiếu tính chuyên nghiệp và tính đồng bộ một cách trầm trọng. Muốn tháo gỡ một cách căn bản, theo tôi, phải bắt đầu từ khâu đào tạo", nhận xét này của đạo diễn lão thành - NSƯT Lê Dân là... quá đúng! Tuy nhiên, đáng chú ý hơn, nếu cứ chờ cứ đợi thì biết đến bao giờ. Phải tự cứu mình trước khi trời cứu.

Trong nỗ lực cá nhân (cùng với một số đồng sự), đạo diễn Lê Dân gần đây đã âm thầm chuẩn bị, và kết quả là Trung tâm Nghệ thuật Sân khấu - Điện ảnh và Truyền thông (thuộc Đại học Hồng Bàng) vừa ra đời! Giám đốc là đạo diễn Lê Dân, Phó giám đốc là người đẹp Giáng My (đại diện cho Tập đoàn Truyền thông Kantana của Thái Lan tại VN). "Tôi gặp tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng ĐH Hồng Bàng, đề xuất việc xây dựng cầu nối văn hóa mà mũi nhọn là điện ảnh và truyền thông. Anh Hùng mời tôi chuẩn bị dự án cho một trung tâm như thế này...", đạo diễn Lê Dân giải thích.

* Thưa, việc đào tạo mà ông đang đeo đuổi sẽ được triển khai thế nào?

- Trước mắt, trung tâm chúng tôi sẽ bồi dưỡng, nâng cao cho giới làm phim VN ngắn hạn là 1 năm (dự kiến khai giảng vào tháng 9 tới), với các ngành: đào tạo viết kịch bản, đào tạo diễn viên, đạo diễn, và đặc biệt, đào tạo ngành tổ chức sản xuất phim (như chủ nhiệm, trợ lý...) để tạo ra một ê-kíp đồng bộ với nhau. Lâu nay giữa các khâu đó có chệch choạc về trình độ nên phim làm ra cũng chệch choạc lắm! Cuối khóa học, các học viên sẽ có bài thi thực tập. Chúng tôi mời một số nghệ sĩ nổi tiếng và có kinh nghiệm sư phạm tham gia giảng dạy. Đặc biệt, chúng tôi nhận được cam kết hỗ trợ thiết bị từ Kantana - tập đoàn này từng có kinh nghiệm trong việc kết hợp với Đại học Quốc tế Mahidol để hỗ trợ đào tạo cử nhân khoa Giải trí truyền thông (gồm cử nhân ngành sản xuất chương trình truyền hình, sản xuất phim truyện, sản xuất phim hoạt hình).

* Ông bận tâm điều gì nhất trong việc làm phim?

- Nói gần nói xa vẫn là bản sắc dân tộc. Tôi nghĩ đến phim Iran, phim của họ không ăn khách rầm rộ, nhưng chất lượng nghệ thuật rất cao đến mức thế giới phải ngả nón bái phục, xem phim Iran như một hiện tượng nổi bật. Vì phim của họ rất rõ nét bản sắc. Một phim Việt Nam gần đây mà tôi rất thích, đó là Mùa len trâu, phim đang được chiếu ở nhiều nơi trên thế giới. Tôi tâm đắc một điều: đừng quá lòe loẹt về kỹ thuật, mà hãy đi sâu vào suy tư để có được nét riêng, nét độc đáo. Trước mắt, Trung tâm chúng tôi đầu tư tập trung vào mảng phim du lịch văn hóa, phim du lịch sinh thái để đáp ứng việc giới thiệu theo chiều sâu về đất Việt, người Việt. Tiêu chí là tôn vinh văn hóa Việt.

* Liệu những bộ phim của trung tâm sẽ đem lại lợi nhuận khả quan hay không?

- Theo tôi, điện ảnh thương mại là đáng hoan nghênh ở chỗ thời gian qua một số phim tư nhân kéo khán giả trở lại rạp. Tuy nhiên, khuôn khổ của một hãng phim, một Trung tâm thuộc môi trường giáo dục như chúng tôi thì không thể đặt thương mại lên hàng đầu. Dĩ nhiên là... đừng lỗ, mà có chút đỉnh để tái đầu tư (cười). Trước hết và trên hết, tôi nghĩ, phải luôn luôn kiên trì khám phá văn hóa Việt qua phim Việt.

Vĩnh Khang
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.