Những Bông sen vàng, Bông sen bạc cũng như nhiều giải thưởng khác của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 đã được công bố. Tuy nhiên, sau đó vẫn còn những tiếc nuối và cả tranh cãi.
Đạo diễn Lương Đình Dũng tại lễ bế mạc và trao giải Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 |
NVCC |
Đạo diễn Lương Đình Dũng, một gương mặt “trẻ” và mới trong thành viên ban giám khảo hạng mục Phim truyện điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam năm nay, cũng từng là thành viên ban giám khảo của Liên hoan phim Quốc tế Pune (Ấn Độ) và là cố vấn phim tại Liên hoan phim quốc tế Blacknights (Estonia) đã chia sẻ với Thanh Niên xung quanh câu chuyện về giải thưởng cũng như cách làm sao để quảng bá liên hoan phim hiệu quả.
Chưa có nhiều phim Việt mang tầm nhìn lớn
* Lần đầu tiên ngồi vào vị trí thành viên giám khảo hạng mục phim truyện điện ảnh của Liên hoan phim Việt Nam, anh có tiêu chí riêng nào của mình khi “cầm cân nảy mực”?
- Đạo diễn Lương Đình Dũng: Điều tôi đánh giá cao nhất khi chấm những tác phẩm dự liên hoan phim chính là ngôn ngữ điện ảnh để kể câu chuyện của phim.
Có một thực tế, phim Việt Nam đang dần dần chinh phục được thị trường trong nước. Nhiều người bảo như vậy là quá tốt rồi. Tất nhiên là mừng chứ. Tuy nhiên, vì sao chưa có nhiều phim Việt chinh phục được thị trường quốc tế? Theo tôi, đó là vì chưa có nhiều phim Việt khai thác đúng nghĩa là bộ phim có câu chuyện mang tầm nhìn lớn, tức là có những câu chuyện không còn biên giới, không chỉ khán giả Việt Nam mới hiểu, mới thích.
Bên cạnh đó, chưa có nhiều phim được thực hiện bằng ngôn ngữ điện ảnh thực sự, mà hình ảnh chỉ mang tính miêu tả nội dung câu chuyện phim mà thôi.
Đạo diễn Lương Đình Dũng (ngoài cùng bên phải) và diễn viên Trương Ngọc Ánh trao giải Đạo diễn xuất sắc |
NVCC |
* Theo đánh giá của anh, những bộ phim tranh giải năm nay như thế nào?
- Tôi không tham gia trong ban giám khảo của các kỳ Liên hoan phim Việt Nam trước. Tuy nhiên, với số lượng và chất lượng phim như năm nay thì tôi nghĩ có thể thấy được thị trường sản xuất phim tại Việt Nam đang có đà tiến tốt.
Dù dịch bệnh gây khó cho sản xuất phim, mà số lượng phim tham dự không hề nhỏ, song hành là những phim tham dự chất lượng. Xét cho cùng, có phim thì mới có liên hoan phim, nếu không có phim thì muốn tổ chức cũng không được.
* Anh tiếc cho những phim nào không đoạt giải?
- Khi đứng ở vai trò một nhà làm phim thì tôi luôn muốn có nhiều chiến thắng hơn cho những đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên, liên hoan phim nào cũng có tiêu chí và quy định riêng của ban tổ chức. Và mọi người cũng cần hiểu là các phim không đoạt giải không có nghĩa là phim đó không hay, không đặc biệt.
Ở những liên hoan phim quốc tế khác cũng vậy thôi, phim hay cũng có thể không dành giải ở liên hoan phim này nhưng lại có thể đoạt giải danh giá ở liên hoan phim khác. Điều đó là bình thường, không có gì lạ lẫm cả.
Đạo diễn Lương Đình Dũng (thứ 3 từ trái sang) cùng thành viên ban giam kháo hạng mục Phim truyện điện ảnh và ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 |
Dù vậy, ở góc nhìn cá nhân, ngoài phim Miền ký ức, tôi thấy tiếc cho cả Tiệc trăng máu, Lính chiến…. Ngoài ra, nếu năm nay có giải Chỉ đạo hành động cho phim thì tôi sẽ chấm cho Võ sinh đại chiến.
Tôi cũng mong Liên hoan phim Việt Nam các kỳ sau có thêm những hạng mục giải thưởng khác cho hạng mục phim truyện điện ảnh, như ngoài hạng mục Chỉ đạo hành động, nên có thêm giải cho dựng phim, hoá trang, phục trang… Bởi các phần công việc này vô cùng quan trọng để tạo nên một bộ phim. Đó cũng là một phần mà liên hoan phim nên làm để phát triển điện ảnh hơn.
Không chấm phim dựa trên lỗ, lãi
* Trịnh Đình Lê Minh là một nhân tố trẻ được vinh danh với giải đạo diễn phim truyện xuất sắc. Tuy nhiên bộ phim Bằng chứng vô hình của Trịnh Đình Lê Minh là phim Việt hóa từ bộ phim Blind của điện ảnh Hàn Quốc bị nhận xét “yếu” hơn so với bản gốc, thậm chí doanh thu phòng vé thất bại thảm hại. Quan điểm cá nhân của anh về giải thưởng này như thế nào?
- Ban giám khảo không chấm bộ phim dựa trên lỗ hay lãi của tác phẩm. Còn để nói lý do vì sao lại lựa chọn hay so sánh cách làm phim của đạo diễn nào hơn đạo diễn nào trong những bộ phim tranh giải thì tôi xin phép không chia sẻ để tránh áp đặt suy nghĩ hay quan điểm cá nhân của mình ảnh hưởng tới các bộ phim.
* Ý kiến cá nhân của các thành viên trong ban giám khảo có khi nào dẫn tới tranh luận gay gắt?
- Từ lúc đề cử những bộ phim vào từng vòng một đã có những tranh luận sôi nổi. Và trong lúc đề cử giải thưởng thì cũng có những tranh luận rất căng thẳng. Với tôi, chuyện đó là đương nhiên trong bất cứ ban giám khảo nào tại liên hoan phim nào mà tôi từng làm việc. bởi chỉ như vậy, ban giám khảo mới có thể “đào sâu” được tác phẩm một cách tốt nhất từ nhiều góc cạnh khác nhau, từ nhiều quan điểm khác nhau từ đó đi đến kết luận nhận được đồng thuận cao nhất.
Có 2 hạng mục mà tôi và mấy thành viên trong ban giám khảo đề xuất trao 2 giải vàng bởi vì cả 2 tác phẩm xứng đáng với số điểm sát nhau. Khi đề xuất, chúng tôi cân nhắc rất nghiêm túc và không hề có suy nghĩ đến chuyện chia sẻ giải thưởng. Tuy nhiên, việc đó không diễn ra. Đó là điều cá nhân tôi tiếc nuối nhất.
Cần có chính sách thu hút nhà làm phim
* Có tới 3 bộ phim tranh giải năm nay Mắt biếc, Kiều và Gái già lắm chiêu 5 có bối cảnh quay tại Huế. Anh nhìn nhận thế nào về cơ hội cho địa phương quảng bá du lịch, thu hút các nhà làm phim, cũng như việc kết hợp giữa điện ảnh và du lịch từ liên hoan phim?
- Tôi thấy đây là cơ hội quảng bá tốt cho Huế. Một bộ phim thành công có tác dụng quảng bá rất mạnh mẽ, sâu, rộng, khác với các hình thức khác. Phim ảnh sinh động, dễ lôi cuốn con người ta chú ý và có sức mạnh bền bỉ, như có bộ phim được sản xuất đế cả trăm năm trước, nhưng sự nổi tiếng của bộ phim vẫn giúp cho việc quảng bá bối cảnh quay phim một cách hiệu quả.
Tôi chưa nắm rõ chính sách của Huế dành cho các nhà làm phim như thế nào để thu hút họ nhiều hơn. Tuy nhiên, Huế khá nhạy bén và năng động với việc quảng bá trong liên hoan phim lần này.
Tôi cho rằng, nhiều tỉnh, thành nên có chính sách khuyến khích các nhà làm phim một cách rõ ràng, cụ thể, và công bố trên trang thông tin về việc hỗ trợ hay giúp đỡ, thậm chí là đầu tư cho đoàn phim nếu nhận thấy tiềm năng mang lại lợi ích cho tỉnh, thành. Như vậy, sẽ mang hiệu quả tốt trong việc thu hút các nhà làm phim về tỉnh, thành mình.
Bộ phim nhận giải Bông sen vàng phim truyện điện ảnh xuất sắc có nhiều bối cảnh quay tại Huế |
TL |
* Trên thực tế, Liên hoan phim Việt Nam hay giải thưởng Cánh diều đang dần giảm sức hút với công chúng. Với những kinh nghiệm đã tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế, Anh cho rằng để tạo thương hiệu cho liên hoan phim cần phải làm gì?
- Tổ chức được một liên hoan phim lớn không hề đơn giản, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay, Tôi thấy ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam năm nay đã dũng cảm và linh hoạt. Thậm chí, với tôi, liên hoan lần này được tổ chức chuyên nghiệp không khác gì nhiều liên hoan phim quốc tế tôi từng tham dự.
Tuy nhiên, để quảng bá liên hoan phim trong nước như Liên hoan phim Việt Nam thì cần có kinh phí, ví dụ như cần có một quỹ của liên hoan phim dành cho các nhà làm phim hay dự án tiềm năng của trong nước, hoặc thậm chí cả nước ngoài.
Ở nhiều Liên hoan phim quốc tế lớn gần chúng ta, họ có hình thức tài trợ cho các dự án phim tốt gửi tới xin hỗ trợ, có khi mức hỗ trợ chỉ 5.000 đến 10.000 USD/dự án cũng khiến các nhà làm phim thấy quá hạnh phúc rồi. Từ điểm xuất phát đó, các nhà làm phim được ghi dấu ấn, có thêm cơ hội tìm đến những quỹ khác vận động kinh phí tiếp. Sau khi phim hoàn thiện, logo liên hoan phim đã tài trợ gắn vào phim như một danh dự của dự án. Dự án nào tốt thì liên hoan phim đó lại tiếp tục xem xét trao giải.
Theo tôi, đó là hình thức dù chi phí không nhiều nhưng lại hiệu quả và cho thấy sự khôn khéo trong việc quảng bá của những ban tổ chức liên hoan phim đó. Nếu Liên hoan phim Việt Nam làm được như vậy cũng là cách để quảng bá Liên hoan phim Việt Nam, và cái tên Liên hoan phim Việt Nam còn có thể được thế giới biết đến.
Bình luận (0)