Đạo diễn 'Sol vàng' từng bị bắt nạt chỉ vì là... phụ nữ

07/08/2017 12:42 GMT+7

Hòa Yên là 'nữ cường nhân' đứng sau thành công của Sol vàng, Sài Gòn đêm thứ bảy, Tình khúc vượt thời gian, Bóng cả cuộc đời... Trong những năm qua chị âm thầm chỉ đạo những chương trình lớn của VTV mà ít ai biết về những góc khuất nghề nghiệp.

* Chào đạo diễn Hòa Yên, xin được hỏi chị đến với công việc này từ cơ duyên nào?
- Đạo diễn Hòa Yên: Tôi bắt đầu về làm cho Đài truyền hình Việt Nam (VTV) bắt đầu từ tháng 10.2001. Qua nhiều lần thi tuyển tôi được chọn vào làm biên tập viên phòng văn nghệ, đến năm 2008 thì chuyển vào TP.HCM và làm việc tại Trung tâm Đài Truyền hình Việt Nam.
* Công việc đạo diễn đóng vai trò như thế nào trong đời sống của chị? Chị đã hi sinh gì cho nó?
- Từ nhỏ tôi đã được theo mẹ đi làm (mẹ là đạo diễn, ba từng là một nhà quay phim - PV), lăn lộn ngoài phim trường, ăn bờ ngủ bụi cùng với mẹ, các cô chú anh chị làm nghề nên tình yêu dành cho nghệ thuật nói chung và công việc đạo diễn nói riêng cứ đến âm thầm, nhẹ nhàng bên mình lúc nào không biết. Bây giờ có thể nói đó là niềm đam mê lớn nhất của tôi. Thậm chí ăn, ngủ, chơi, xem phim, hay đi du lịch đều có thể nghĩ đến công việc đạo diễn của mình.
Nói về hi sinh, chắc là nhiều chứ. Lớn nhất là không có thời gian nhiều dành cho con gái, thứ hai là có nhiều lời mời làm một công việc khác nhẹ nhàng hơn, lương cao hơn nhưng rồi vẫn quyết định ở lại VTV làm việc và tiếp tục quay cuồng với nghề đạo diễn.
Hòa Yên từng đi hát nhưng thừa nhận không có duyên với nghiệp ca sĩ
* Được biết chị từng làm ca sĩ, biên tập. Những công việc này hỗ trợ cho chị như thế nào khi đến với nghề đạo diễn?
- Tôi từng đi hát, cũng từng nghĩ sẽ không sống được nếu không được hát, nhưng cái duyên của nghiệp ca sĩ chắc không có nên chuyển sang làm biên tập âm nhạc. Bây giờ là đạo diễn chủ yếu về mảng ca nhạc nên dĩ nhiên đã giúp ích rất nhiều trong công việc hiện tại.
Ngoài ra, ngay từ nhỏ tôi được mẹ cho học nhiều thứ như: học nhảy, học may, học make up, học bơi, học đàn nhưng rất tiếc học không đến nơi đến chốn nên bây giờ không biết chơi nhạc cụ nào cả. Không biết đàn là điều tôi thấy hối hận nhất. Thậm chí còn học quay phim từ ba và các chú làm cùng cơ quan. Chính cái gì cũng học, cũng biết một chút nên có lẽ thích hợp với nghề đạo diễn hơn.
* Chị cảm thấy mình thăng hoa với những loại chương trình như thế nào?
- Thăng hoa nhất với tôi là dàn dựng một chương trình ca nhạc trữ tình, bolero trên sân khấu. Vì khi ra ý tưởng dàn dựng cho một bài tôi tưởng tượng mình chính là ca sĩ đang đứng trên sân khấu, vì thế luôn muốn nghĩ ra ý tưởng nào đẹp nhất, lạ nhất, lung linh nhất. Cái cảm xúc mỗi lần thăng hoa ấy thật khó tả.
Nữ đạo diễn ăn, ngủ trên trường quay
* Áp lực lớn nhất của một nữ đạo diễn là gì khi ra hiện trường và điều phối rất nhiều con người?
- Áp lực lớn nhất có lẽ tôi là phụ nữ. Vì những người quay phim nam họ nghĩ mình không biết gì, thậm chí bị bắt nạt. Thời gian đầu trong lúc làm việc ức mà khóc suốt, cứ nghĩ chắc việc này không thích hợp với mình. Nhưng khi về nhà bình tĩnh lại mới thấy do tôi chưa chứng minh được với mọi người khả năng của mình và cách diễn đạt ý tưởng của mình chưa tốt nên họ không làm theo. Bây giờ thì tốt hơn nhiều rồi.
* Phương tiện nào là sắc bén nhất của người đạo diễn: sự linh hoạt, quyết đoán hay khả năng thuyết phục?
- Theo tôi thì cả ba đều thật sự cần thiết.
* Chị nghĩ mình sẽ theo nghề đến khi nào?
- Tôi nghĩ tất cả phụ thuộc vào sức khỏe của mình. Bây giờ thì vẫn còn say nghề lắm nên chắc chắn đi đường dài với nó.
* Kỷ niệm về nghề mà chị nhớ nhất?
- Đó là chương trình đầu tiên tôi nhận làm đạo diễn chương trình truyền hình trực tiếp do Hội Chữ Thập đỏ TP.HCM thực hiện năm 2012 tại Nhà hát Bến Thành. Lúc nhận làm chương trình này tôi lo lắng mất ăn, mất ngủ cả tháng trời. Khi chương trình diễn ra thành công, mọi người vui mừng lên bắt tay chúc mừng, riêng có mình tôi trốn ra sau cánh gà khóc ngon lành...
Nữ đạo diễn và ca sĩ Thái Châu
* Những chương trình chị tâm đắc nhất đến thời điểm này?
- Chương trình văn nghệ Truyền hình trực tiếp Trại hè Việt Nam - 10 năm tiếng gọi cội nguồn diễn ra tại Cà Mau năm 2013 hay Sol vàng, Sài Gòn đêm thứ bảy, Tình khúc vượt thời gian... phát sóng trên VTV9. Hay chương trình như Bóng cả cuộc đời, các chương trình đi bộ vì nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật nghèo diễn ra hằng năm... đều để lại cho tôi những cảm xúc đặc biệt.
* Chị nghĩ sao khi lĩnh vực đạo diễn, nữ giới chỉ chiếm trên đầu ngón tay? Cát-sê chương trình có phân biệt theo giới tính không? Chị có thể chia sẻ bí quyết để giúp các bạn nữ nuôi dưỡng ước mơ của mình?
- Công việc đạo diễn không đơn giản, ngoài đầu óc nó còn cần năng lực quản lý. Hơn nữa những đặc thù nghề này khiến nữ giới ít lựa chọn để theo đuổi. Hiện tại nữ giới theo nghề không nhiều nhưng ít ra họ có những dấu ấn riêng, tôi tự hào vì điều đó. Riêng chuyện cát-sê nó không phụ thuộc vào giới tính mà phụ thuộc phần lớn vào khả năng. Tôi nghĩ rằng một khi lao động bằng năng lực thì sẽ được trả số tiền xứng đáng. Chúng ta không thể ngồi một chỗ nói hoa vượn, không mang lại hiệu quả nào cho nhà sản xuất lại đòi cát-sê cao.
Bí quyết riêng tôi nghĩ đó là sự quyết đoán. Hơn nữa, con người ta sống một lần trong đời nên hãy theo đuổi ước mơ tận cùng. Hãy tin vào bản thân thay vì tin lời khuyên nhiều chiều từ ai khác.
* Xin cám ơn chị!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.