Tây Phong (tên thật Lê Thanh Phong), 46 tuổi, hiện sống và làm việc tại TP.HCM. Anh là một đạo diễn sân khấu đã sáng lập chương trình Tinh văn diễn ca tại TP.HCM để "đánh thức" các loại hình cổ nhạc Bắc bộ như: ca trù, hát xẩm, hát chầu văn, chèo, hát then, hát ả đào, hát ru… Đặc biệt, Tây Phong còn đạo diễn các vở kịch diễn ca từ các loại nhạc cổ kể trên bằng những trích đoạn về các nhân vật lịch sử đặc sắc của Việt Nam thời phong kiến. Tinh văn diễn ca là một chương trình nghệ thuật được tạo nên bởi các tiết mục hát cổ truyền và kịch diễn ca theo từng chủ đề mỗi tháng. Các chủ đề chương trình đã thực hiện: Mẫu, Phù sinh, Vọng Nguyệt… Sắp tới, chương trình dự kiến có chủ đề về Báo hiếu nhân Lễ Vu Lan.
Xin anh cho biết cơ duyên để có ý tưởng làm Tinh văn diễn ca? Chương trình có ý nghĩa gì với cá nhân anh và cộng sự?
Việc thành lập một nhóm ca, diễn các thể loại sân khấu và âm nhạc tổng hợp luôn ấp ủ trong tôi trong suốt nhiều năm làm nghệ thuật. Nhưng việc thành lập một nhóm như thế đòi hỏi nhiều cơ duyên để hình thành.
Trước đó tôi đã tổ chức nhiều đêm nhạc về các loại hình nghệ thuật cổ truyền với chủ đề riêng lẻ trong các không gian nhỏ như: "Đêm Ả đào", "Đêm nguyệt cầm Phương Nam", "À í a"cho thể loại dân ca quan họ, hát ru, hát then… Tinh văn diễn ca ra đời từ ý tưởng muốn tìm một loại hình tổng hợp để thể hiện cái "tôi" đương đại của những nghệ sĩ (NS) cùng chí hướng, vừa kết nối được những giá trị nghệ thuật cao quý vừa thể hiện sự tiếp biến trong dòng chảy đương đại...
May mắn thay, tôi nhận được sự đồng tình ủng hộ từ rất nhiều bạn bè, những người NS, nghệ nhân của dòng nhạc cổ truyền, các anh em bạn bè diễn viên... Cả những họa sĩ, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu, các anh chị làm về du lịch cộng đồng cũng dành nhiều ưu ái, ủng hộ và khích lệ chúng tôi.
Khi làm chương trình, anh và cộng sự có gặp khó khăn gì không?
Nhóm có 11 NS thường xuyên tham gia, làm việc tại TP.HCM. Cái khó là hầu hết các NS phải làm một công việc khác hằng ngày, chỉ đến khi có suất diễn mới tụ lại để tập, chuẩn bị cho chương trình vào các buổi tối. Ví dụ nữ NS hát xẩm Minh Thiện (30 tuổi) ban ngày là cô giáo dạy mầm non. Hoặc có NS như chị Ánh Tuyết (hát múa chầu văn) vốn là kế toán Nhà hát Thăng Long, nhà cạnh rạp Đại Nam ở Phố Huế, Hà Nội. Nhưng chị rất đam mê với nghệ thuật và năm 1995, khi gia đình chị chuyển vào TP.HCM thì quyết định theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. NS Cao Minh Hiền chuyên về phục trang, yêu thích hát ru nên còn có biệt danh "Hiền ru". Quá trình làm trong các đoàn nghệ thuật đã giúp chị học hỏi được cả diễn xuất kịch.
Tuy khó khăn nhưng chúng tôi cũng may mắn có được các NS chuyên nghiệp, nổi tiếng tham gia chương trình như: NS Mạnh Hùng gốc là diễn viên đoàn chèo Nam Hà, hiện tham gia nhiều sân khấu tại TP.HCM và góp phần đưa âm nhạc miền Bắc vào TP bằng cách tiếp tục dạy các thế hệ trẻ bộ môn Chèo, Ả đào… Chúng tôi cũng gặp những khó khăn về khâu tổ chức, quảng bá và bán vé...; nhưng hầu hết các chương trình của chúng tôi đều có một vài nhà hảo tâm giúp đỡ, các anh em cộng sự trong ê kíp cũng rất thông cảm, chủ động sắp xếp công việc để tập luyện.
Động lực nào để anh có thể 'đánh thức' những loại hình nghệ thuật dân gian đang "ngủ quên" ngay trên mảnh đất đã sinh ra nó?
TP.HCM là nơi tiếp cận và dung nạp tất cả các loại hình văn hóa với tiềm năng kinh tế và sự năng động, với đội ngũ NS dồi dào được quy tụ khắp nơi. Sự năng động có thể biến các loại hình nghệ thuật từ một món ăn tinh thần đặc biệt thành một món ngon nhưng phù hợp với nhiều đối tượng hơn. Tôi hy vọng với những ưu thế thuận lợi của vùng đất hào sảng và cởi mở như TP.HCM, Tinh văn diễn ca sẽ có cơ hội để lan tỏa nơi miền đất hứa.
Thông điệp chính của anh trong các chương trình Tinh văn diễn ca là gì?
Tinh văn diễn ca muốn truyền tải một số thông điệp trong quá trình hình thành và vận động nghệ thuật của nhóm, đó là không có ranh giới giữa nghệ thuật cổ truyền và đương đại; tất cả những gì ông cha để lại là một phần tinh hoa cần lan tỏa, gìn giữ. Với Tinh văn diễn ca, "cổ" không có nghĩa là giữ gìn một cách khô cứng, bảo tồn phải phù hợp với thời đại, đủ sức hấp dẫn, mang đầy đủ giá trị mỹ học thời đại. Chúng tôi luôn nhớ câu nói của nhà nghiên cứu âm nhạc Mịch Quang: "Học chết để diễn sống", nghĩa là học căn bản cho thấu đáo rồi khi ra diễn phải sống với tinh thần sáng tạo, để nghệ thuật như "đang bước đi" giữa thời đại của họ.
Để thực hiện một chương trình định kỳ theo tháng, anh mất bao lâu và cần những kiến thức tổng hợp gì để kết cấu chương trình có sự liền mạch, hấp dẫn?
Như tên gọi của chương trình, tôi dùng những điển cố, điển tích, các áng thơ văn cổ kim của dân tộc, những câu chuyện dân gian, lịch sử... làm chất liệu. Đây là quá trình đúc kết tổng hợp từ rất nhiều nguồn; đôi khi các chương trình có thể hình thành rất nhanh, nhưng cũng có khi mất nhiều tuần để tạo nên một chương trình có giá trị.
Trong 5 số đã thực hiện, điều anh cảm nhận được ở mặt hài lòng và chưa hài lòng là gì?
Một chương trình muốn biết nó có tồn tại và phát triển hay không, có lẽ phải cần thời gian trả lời. Hiện tại với những kết quả đạt được là dấu hiệu tốt để Tinh văn diễn ca có thể tự tin đi tiếp trên con đường đã chọn. Tinh văn diễn ca sẽ cố gắng hết sức và cũng mong mỏi chương trình được lan tỏa và tiếp cận nhiều đối tượng khán giả hơn.
Tôi rất ấn tượng với vai diễn Đặng Mậu Lân, trích đoạn "Cậu trời" của anh trong Tinh văn diễn ca số 5. Có điều tôi hơi băn khoăn là với những trích đoạn ngắn như thế, đòi hỏi cả khán giả và NS phải có một nền kiến thức nhất định để cảm thụ. Làm cách nào để anh giúp những khán giả trẻ hoặc người chưa từng biết về nhân vật Đặng Mậu Lân có thể hiểu và cảm?
Hiện tại Tinh văn diễn ca có ba trích đoạn mang dấu ấn lịch sử với ba nhân vật được khắc họa là Nguyễn Trãi, Trịnh Sâm, Đặng Mậu Lân, các tiết mục này đều được người xem đánh giá tốt. Tuy nhiên chúng tôi cũng mong muốn những trích đoạn này sẽ phát huy tác dụng đối với nhiều đối tượng hơn, cụ thể là những khán giả trẻ. Sắp tới chúng tôi sẽ tóm tắt phần nội dung các vở kịch hoặc tiết mục ca cổ trên tờ bướm để khái quát câu chuyện lịch sử, cũng như giải thích một số loại hình nghệ thuật mà chúng tôi đưa vào vở diễn để khán giả dễ tiếp cận hơn.
Tương tự, kết cấu chương trình là những tiết mục ca cổ đan xen nhau, phần cuối là một trích đoạn kịch kết hợp với diễn xướng bằng cổ nhạc. Làm cách nào để anh kết nối các tiết mục đó trong một chương trình hoàn chỉnh?
Chúng tôi kết nối chương trình theo hai cách, thứ nhất là lấy chủ đề đêm diễn để quy tụ tất cả các thể loại nghệ thuật, dùng những bài hát cơ bản, tinh túy nhất của mỗi thể loại để giới thiệu cho chủ đề hôm đó. Cách thứ hai chúng tôi làm là dùng một thể loại nghệ thuật duy nhất để khái quát sự phát triển qua từng thời kỳ lịch sử của nghệ thuật đó, đồng thời cũng đưa các sáng tác mới giới thiệu dưới góc độ ứng dụng của thể loại đó trong đời sống đương đại.
Được biết Tinh văn diễn ca có bán vé, anh có nghĩ đó là một khó khăn cho anh và cộng sự khi mà các loại hình nghệ thuật dân gian trên rạp hát ngày càng bị yếu thế?
Chương trình của chúng tôi cũng như của các nhóm tương tự chắc chắn gặp khó khăn trong việc bán vé. Tôi nghĩ hầu hết các nhóm nghệ thuật cổ truyền còn tồn tại là nhờ họ có một quỹ nào đó hỗ trợ, hay được sự giúp đỡ, chia sẻ từ các nhà hảo tâm. Tôi và các cộng sự luôn cố gắng để từng chiếc vé đến tay khán giả, bên cạnh đó chúng tôi cũng rất mong có sự giúp đỡ từ các tổ chức, hiệp hội... để chỉ tập trung chuyên môn phục vụ tốt cho khán giả. Bên cạnh đó, hiện nay nhóm đang có sự giúp đỡ về địa điểm biểu diễn, thiết bị âm thanh, ánh sáng từ gia đình NS Ánh Tuyết. Điều đó phần nào giúp chúng tôi bớt áp lực để thực hiện chương trình. Tuy nhiên về lâu dài, đó cũng là một bài toán cần được giải, bởi chính chất lượng của chương trình để thu hút khán giả và có thể tự sống được.
Nếu có một đề xuất hoặc kỳ vọng để lan tỏa Tinh văn diễn ca, với anh đó là gì?
Tôi mong nhóm có cơ hội được diễn ở những không gian lớn và quy mô hơn, đồng thời cũng mong các trường phổ thông, đại học tiếp cận nhóm trong các chương trình giao lưu, ngoại khóa... Bởi đây chính là cơ hội để kết nối các giá trị văn hóa dân tộc với thế hệ trẻ, giúp cho các loại hình văn hóa dân gian không mai một và biến mất.
Với vai trò trong mỗi số Tinh văn diễn ca như đạo diễn, diễn viên, thiết kế mỹ thuật, kiêm sản xuất chương trình, liệu có quá sức với anh để tập trung vào thế mạnh của bản thân?
Tôi nghĩ đây là nhiệm vụ của người NS đương đại, họ sẽ phải làm tất cả để thể hiện cá tính riêng của mình... Tôi làm nhiều vai trò nhưng với tinh thần thoải mái nhất có thể. Đặc biệt, bên cạnh tôi có rất nhiều anh chị em bạn bè ở các chuyên ngành giúp đỡ như: biên kịch, họa sĩ, thiết kế... Họ luôn cho tôi lời khuyên trong những lúc khó khăn, tôi hạnh phúc khi có những khán giả yêu thương dõi theo con đường của tôi, điều đó khiến tôi vượt qua tất cả.
Bình luận (0)