Đạo diễn Trần Minh Tuấn: Chỉ có nhạc kịch, hoặc là bỏ nghề, bỏ luôn sân khấu!

Tố Tâm
Tố Tâm
30/12/2018 18:36 GMT+7

Cuộc trò chuyện với đạo diễn trẻ Trần Minh Tuấn có nhiều cảm xúc rất khác nhau: lúc hào hứng với những dự án của mình; lúc lại thấy anh nặng lòng bởi vẫn chưa thực hiện được những ước mơ đang ấp ủ…

Vở nhạc kịch Pháp Những người khốn khổ do anh dàn dựng từng gây chú ý khi tốt nghiệp Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM bởi sự dàn dựng chỉnh chu, quy mô, với độ dài đến 5 giờ đồng hồ. Được biết anh cũng đang có kế hoạch để đưa vở nhạc kịch nổi tiếng này ra công diễn trong thời gian tới?
- Đạo diễn Trần Minh Tuấn: Đã hơn 1 năm từ lúc tôi làm Những người khốn khổ. Trong một năm qua, lúc nào tôi cũng tích cực đi tìm nhà đầu tư, nhà sản xuất, nhà tài trợ, để ra mắt một vở diễn chuyên nghiệp, chỉnh chu hơn nhưng vẫn còn nhiều cái khó, vượt ra khỏi khả năng chuyên môn của mình.
Thực ra kế hoạch của tôi gần như đã tìm ra được các đối tác và thuyết phục được nhà đầu tư là một đơn vị khá lớn, có tiếng trong giới nghệ thuật. Họ đã đồng ý sẵn sàng chi 2 tỉ đồng để Những người khốn khổ được tái diễn nhưng đến khâu cuối cùng là tổ chức để ra vở, nhất là tìm kiếm chọn nhà hát thì gặp những lý do khách quan và tế nhị và bị ngưng. Tuy nhiên cho đến bây giờ tôi vẫn chưa bỏ cuộc với kế hoạch này, nếu không được nhà hát này sẽ tính nhà hát khác.
Việc tìm kiếm nhà tài trợ chấp nhận đầu tư cho kế hoạch của anh có gặp những khó khăn gì không?
- Suốt năm qua, tôi rất tích cực gõ cửa khắp nơi để tìm đối tác, dù có nhận những thất bại vẫn không sao cả, vì chính những thất bại đó giúp tôi có nhiều bài học kinh nghiệm.
Bạn bè của tôi nghe chia sẻ về việc xin được tài trợ 2 tỉ đồng để dựng vở thì cho là viển vông lắm vì với người trẻ như tôi thì làm gì thuyết phục được con số 2 tỉ. Nhưng những ai theo dõi kế hoạch của tôi sẽ biết tôi có cơ sở để thực hiện được và những người bạn trẻ vẫn đang kiên trì đi theo con đường nhạc kịch như tôi hãy lấy đó làm niềm tin, tôi làm được thì các bạn cũng làm được, quyết tâm làm thì sẽ được.
Cảnh trong vở nhạc kịch 'Những người khốn khổ' ẢNH: NVCC
* Vở diễn khi ra mắt sẽ có những khác biệt gì so với vở anh đã dựng khi tốt nghiệp?
- Cái khác thứ nhất sẽ nằm ở quy mô. Vở diễn trước kéo dài 5 giờ, nếu diễn sắp tới sẽ co gọn lại theo quy chuẩn những vở thông thường ở VN khoảng 3 tiếng rưỡi.
Thứ hai là khi ra diễn ở ngoài thì mình phải trả tiền cho tất cả mọi khâu chứ không phải như trong buổi tốt nghiệp trước đây, mọi người bỏ công bỏ sức ra 4-5 tháng trời tập luyện và diễn không có một đồng xu nào hết chỉ trong 1 lần của vở tốt nghiệp. Bởi khi ấy các anh chị quý mến, tình cảm với tôi, quý mến tác phẩm, mong muốn cùng tôi làm một điều khác lạ hơn những vở kịch nói bình thường.
* Với một vở diễn tốt nghiệp đặc biệt như vậy, chắc chắn anh đã có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ?
- Lúc tôi chia sẻ kế hoạch làm nhạc kịch này, có dàn nhạc giao hưởng đánh live, 2 người anh thân cận đã từng can: “Trời ơi sao mà đủ hả Tuấn, hồi anh tốt nghiệp làm vở bình thường thôi đã hơn con số đó rồi”. Lúc đó tôi chỉ có 40 triệu đồng trong tay nhưng hai anh cũng động viên thôi cứ làm đi, nếu thiếu thì cứ “Alo” anh, có bao nhiêu thì cho mượn bấy nhiêu vì thấy tôi rất tâm đắc với kế hoạch này và cũng thấy đây là một điều mới mẻ.
Và thế là tôi cứ làm, cứ làm… Tôi nghĩ không làm thì sẽ không bao giờ đạt được cái gì nếu mình cứ “kén cá chọn canh”. Bây giờ ngồi nghĩ lại, tôi vẫn không tưởng tượng được vì sao năm ngoái mình làm được như vậy. Vở dựng hết 200 triệu đồng, gia đình hỗ trợ tôi 50 triệu thì vẫn còn thiếu hơn 100 triệu đồng, tôi đã vay mượn. Tôi nghĩ có lẽ chưa có vở diễn tốt nghiệp nào ở trường mà diễn viên chủ động cho đạo diễn mượn tiền để làm như vậy. Ví dụ như chị Vân Trang, anh Đại Nghĩa và các diễn viên trẻ rất tốt, rất dễ thương. Những cảm xúc đó không bao giờ tôi quên được. Các bạn diễn viên trẻ đi quay, cát sê được 7-8 triệu đồng, khi về tập thì lấy ra 1 triệu đưa tôi, bảo: “Để lo cơm nước cho anh em, cứ cầm đi, đừng ngại, khi nào có trả cho em. Cái này em cho mượn nhưng không đòi chứ không phải là cho luôn nên anh đừng ngại”. Tôi nghĩ đó chính là những sự đồng cảm, chung tay và tin tưởng vào vở diễn, tin tưởng vào những giá trị mình đem lại thông qua vở diễn đó nên ngoài giá trị vật chất, nó còn mang giá trị tinh thần rất lớn.
Có rất nhiều kỷ niệm mà tôi thấy cái nào cũng quý giá. Đó chính là những hành trang để mỗi khi tôi đứng trước ngưỡng cửa muốn bỏ cuộc thì tôi không cho phép mình bỏ cuộc, vì như thế mình sẽ phụ lòng của rất nhiều người đã từng đồng hành, hỗ trợ, tin tưởng mình.
Diễn viên Vân Trang trong vở tốt nghiệp 'Những người khốn khổ' của Trần Minh Tuấn ẢNH: NVCC
* Anh có nghĩ vở nhạc kịch này khi công diễn liệu sẽ thu hút khán giả?
- Thời gian gần đây, những người bạn, người em của tôi thường tổ chức những buổi hòa nhạc, khi kết thúc họ thường chọn những ca khúc trong vở Những người khốn khổ. Khi được mời đi xem, những nốt nhạc đầu tiên vang lên, tôi chứng kiến khán phòng lặng đi và vỡ tung khi trích đoạn đó kết thúc. Cảm giác đó rất thú vị và giúp tôi “đo” khán giả.
Những đêm để “đo” khán giả đó, tôi cũng đã mời những người bạn trẻ đi xem cùng và khi nhìn qua, tôi thấy họ xem và rớt nước mắt theo phần biểu diễn. Điều đó minh chứng một điều, sức hút của Những người khốn khổ nói riêng và nhạc kịch nói chung vẫn luôn có những sự hấp dẫn và trang trọng nhất định nếu chúng ta làm tới tầm của nó. Nó cũng khiến tôi tủi thân, chạnh lòng khi nghĩ vì sao những người em của mình (sinh năm 1995 thôi) mà họ đã làm được như thế. Họ tự chủ động bỏ tiền ra làm đêm diễn, tuy không lỗ cũng không mang lại lợi nhuận nhưng họ sẵn sàng bỏ chi phí ra làm, được nhà trường, các cấp, các thầy hỗ trợ cho rất nhiều để làm ra những đêm diễn như vậy.
Khi xem đêm diễn đó xong, tôi ước có một ngày nào đó, vở Những người khốn khổ của mình được diễn với quy mô dàn giao hưởng hơn 80 nhạc cụ, dàn hợp xướng hơn 50 người. Những điều này các bạn trẻ tôi chứng kiến đã làm được. Về diễn viên tôi cũng muốn quy tụ tất cả các nghệ sĩ yêu mến nhạc kịch ở TP.HCM. Với những trang trọng, chỉnh chu như vậy, mình có thể làm nên một tác phẩm nhạc kịch không thua gì thế giới và sẽ là tác phẩm để đời đúng nghĩa với mỗi người tham gia.
* Làm nhạc kịch khó khăn như vậy, có khi nào anh nghĩ mình sẽ dừng lại hay rẽ sang một hướng đi khác?
- Sau khi tốt nghiệp ra trường, những người trẻ như tôi có thể tìm một công việc ổn định để làm, bỏ ước mơ, ảo vọng làm nhạc kịch này đi. Nhưng tôi tin mình vẫn có thể trình diễn một thứ nghệ thuật chỉnh chu, trang trọng mà không lỗ. Vì tôi thấy nhu cầu xem nghệ thuật của khán giả vẫn có, vấn đề là làm sao chất lượng sản phẩm của mình tới được những người đó.
Nếu làm hài kịch và tâm lý xã hội, chắc chắn tôi sẽ làm dở hơn nhiều so với những đạo diễn “cây đa cây đề” bây giờ. Nhạc kịch là vùng trũng còn mênh mang, chưa ai khai thác mấy, hoặc khai thác rồi cũng… chết nhưng tôi thấy có những vở người ta vẫn thắng thì tại sao mình không làm. Hơn nữa, tôi nhìn thấy ở mình có rất nhiều mối quan hệ với bạn bè, diễn viên trên thế giới và tìm được nhiều kiến thức nhạc kịch từ họ. Thế thì tại sao mình không làm? Cho nên với tôi chỉ có nhạc kịch, hoặc là bỏ nghề, bỏ luôn sân khấu.
Cảnh trong vở 'Những người khốn khổ' ẢNH: NVCC
* Có vẻ anh rất quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình?
- Nếu bạn không có niềm tin và quyết tâm thì cũng sẽ thất bại như những người khác thôi. Nghĩa là nếu như bạn muốn đi tìm một sự khác biệt thì quyết tâm của bạn phải đủ lớn và khác biệt hơn những người khác. Để làm một điều gì đó khác biệt thì không thể nóng vội mà tôi đã chuẩn bị một lộ trình, kế hoạch dài hạn, đàng hoàng, chỉnh chu. Trước mắt, nhiều nhóm, đạo diễn nhạc kịch đã bị “gãy”, tôi không muốn khi mình bắt đầu làm sẽ bị như vậy.
Hiện có những chương trình hay công ty mời tôi về làm đạo diễn với mức lương rất hời nhưng tôi đều từ chối. Đôi khi tôi nghĩ mình có bị điên hay không khi một đạo diễn trẻ như mình nhận được những đãi ngộ như vậy mà lại từ chối. Tôi vẫn trung thành với lý tưởng của mình, tuy không mang đến những giá trị vật chất và cả tiếng tăm nhưng tôi sợ khi đã đi làm sẽ bị cuốn vào vòng xoáy của công việc đó, tôi sẽ không còn thời gian dành cho nhạc kịch, không thể trung thành với lý tưởng của mình nữa.
* Anh thấy điều gì khó khăn nhất khi làm nhạc kịch?
- Làm kịch bây giờ đã khó, làm nhạc kịch càng khó hơn. Nó khó ở đây ngoài kinh phí, thì việc tìm nhà hát là khó nhất. Mình không thể diễn nhạc kịch ở một nhà hát kịch nói được, trong khi đó ở TP.HCM hiện chưa có đến 5 nhà hát có thể diễn được nhạc kịch. Vấn đề là nơi đủ chỗ ngồi thì có giá rất cao, nơi giá hợp lý hơn thì chỗ ngồi quá ít khiến giá vé có thể sẽ phải đẩy lên cao. Đây chính là bài toán khó.
* Ngoài Những người khốn khổ, anh còn có những kế hoạch nào khác với nhạc kịch?
- Tôi đã chuẩn bị nhiều kịch bản có thể chuyển hóa thành nhạc kịch được kể cả thuần Việt và chuyển thể từ nước ngoài. Hiện tôi đang ấp ủ 6 kịch bản, trong đó có một vở thuần Việt, thuần Sài Gòn là Một kiếp thương hồ, nói về những phận người trôi nổi trên những kênh rạch ở Sài Gòn.
Nhạc kịch thực ra chưa phổ biến nhiều với khán giả trong nước, anh nghĩ những dự án nhạc kịch của mình liệu có thành công khi tiếp cận với khán giả?
- Tôi nghĩ sẽ thành công vì thực ra những vở nhạc kịch mà khán giả Việt Nam biết đến nhiều chỉ thông qua những vở kinh điển của nước ngoài đem về thôi. Những vở đó thì đúng là không phải khán giả nào cũng hiểu được. Còn khán giả vẫn chưa biết nhiều đến những vở nhạc kịch đánh theo thị hiếu của chính khán giả. Có những vở nhạc kịch rất đời thường, rất đời sống.
Những vở nhạc kịch như thế chỉ khác là ở cách làm trang trọng, quy mô hơn, còn nội dung thì có những vở về chủ đề thiếu nhi vẫn cháy vé ở nước ngoài, hoặc đơn giản nói về tình yêu trai gái bình thường. Nhạc kịch không phải là một cái gì đó hàn lâm, xa vời mà nội dung của nó bản chất vẫn là để phục vụ khán giả.
Xin cám ơn anh và xin chúc những dự án, kế hoạch của anh sẽ đạt được thành công trong năm mới!
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.