Đạo diễn trẻ - cái nhìn gần

25/12/2008 22:41 GMT+7

Sau giải Cánh diều năm 2008 dành cho phim ngắn, nhiều kỳ vọng đang được đặt vào các đạo diễn trẻ vừa đoạt giải. Nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp đã chia sẻ câu chuyện của một người từng được giải phim ngắn 3 năm trước, bộ phim Mùa thứ năm của chị còn được chọn chiếu khai mạc Liên hoan phim Rio De Janeiro - Brazil.

* Mùa thứ năm đã được làm trong hoàn cảnh thế nào?

- Lúc đó tôi đang học năm thứ 3, hết sức bi quan, quá nhiều chuyện diễn ra trước mắt, xượt qua tai làm tôi hình thành cái ý nghĩ... chỉ còn hai năm và mình sẽ bị tống ra khỏi cái vỏ ốc an toàn - trường đại học. Viễn cảnh là sẽ chẳng thể len chân vào bất kỳ hãng phim nhà nước nào vì ngay các đàn anh đàn chị vẫn còn ngồi ngáp dài ngoài quán nước nhìn các bậc cha chú bàn luận chuyện nghệ thuật. Chả lẽ mình cũng lại xếp hàng ngồi ngáp dài như các đàn anh? Khi có thông tin về cuộc thi viết kịch bản phim ngắn và cơ hội được đầu tư làm phim thì khỏi phải nói, cái đứa sinh viên năm thứ 3 ấy đã vui sướng đến mức nào. Viết kịch bản, rồi được chọn, được hoan hỉ đi học và hoan hỉ lĩnh tiền để làm phim. Tôi còn nhớ như in, anh Phong ở Trung tâm hỗ trợ tài năng điện ảnh trẻ đã hỏi: "Em được tài trợ 13 triệu đồng đấy. Lấy cả hay là chỉ lĩnh 12 triệu 9 trăm ngàn đồng thôi cho đỡ xui?". Thế là Mùa thứ năm đã ra đời với số vốn đầu tư 12 triệu 9 trăm ngàn đồng.

 
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp quay phim tài liệu - Ảnh do nhân vật cung cấp
* Chị là đạo diễn Chít và Pi (phim truyền hình 24 tập do Vimax Film và FPT media sản xuất)? Thế mà lại có những thông tin khác. Có chuyện gì giữa đạo diễn và nhà sản xuất vậy?

- Vâng, tôi là đạo diễn. Một dạo, bọn trẻ con rất hay xúm vào hỏi: "Chị là đạo diễn Chít và Pi à?" mỗi khi tôi lượn qua những tụ điểm dành cho teen. Sau đó, bạn bè lại hỏi một cách thương cảm: "Mày là đạo diễn Chít và Pi thế sao lại nghe là...?". Đấy là thời điểm dồn dập các bài báo viết về bác Ngô Quang Hải với chức danh tổng đạo diễn của phim và chuyện kể về những nỗi vất vả, khó khăn... khi làm phim teen. Tự dưng mọi người chung quanh đã cho mình cái quyền hoặc nghi ngờ hoặc là thương cảm cho tôi. Tôi luôn bị tra tấn bởi câu hỏi quen thuộc: Chít và Pi bao giờ chiếu? Mọi người lấy được tiền cát-sê chưa? Và câu trả lời bao giờ cũng là: Chẳng biết bao giờ chiếu và tiền cát-sê thì chưa lấy được. Cứ bị hỏi và sau đó phải phân trần, giải thích vì sao, thế nào, do ai...? Sự thật là tôi cũng không biết vì sao và do ai mà lại loan truyền những thông tin như thế. Sau này, mỗi khi làm việc với khách hàng đặt làm phim quảng cáo, nếu tôi vui miệng kể chuyện về mấy cô bé diễn viên trong phim Chít và Pi, khách hàng sẽ sáng mắt lên: "À, thế ra em làm phó cho anh Ngô Quang Hải đấy à?". Ngượng lắm nhưng chỉ đành làm thinh thôi. Cũng may tôi là người thích làm phim hơn là trả lời phỏng vấn.

* Cho đến nay, điện ảnh đã mang lại cho chị điều gì? Chị hy vọng và thất vọng nhất điều gì ở những người chị đã từng cộng tác?

"Phim ngắn bây giờ bạo hơn xưa rất nhiều, các đề tài cũ cũ, quen quen hầu như vắng bóng, thay vào đó là những trải nghiệm độc đáo nhiều khi đến mức... giật gân. Tuy nhiên, điều này có nguy cơ trở thành nhược điểm khi đạo diễn quên mất việc chính của mình mà lại chỉ chăm chăm tìm cách làm thế nào để gây được hiệu quả sốc trên người xem".

- Thường khi nhàn tản hoặc với những việc vô thưởng vô phạt thì mình lại hay được tiếp cận với những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ... mà mình có thể tôn trọng và gọi là nghệ sĩ. Còn khi làm phim tôi lại không may mắn có cơ hội cộng tác với các nghệ sĩ đúng nghĩa. Duy nhất có phim truyền hình Chít và Pi thì mới cộng tác với Ngô Quang Hải. Mối quan hệ đạo diễn - giám đốc sản xuất thì cũng chẳng có gì để bảo rằng hy vọng hay thất vọng, nhất là với anh Hải, người đàn ông đã có quá đủ các rắc rối mang hơi hướm phụ nữ rồi. Tôi vốn hay làm việc với bạn bè cùng lứa, là quay phim, biên kịch, đạo diễn, diễn viên... chưa nổi tiếng hoặc chỉ nổi tiếng vừa vừa thôi, và họ có một điểm rất chung, là nếu tôi gọi họ bằng danh xưng nghệ sĩ thì tôi dễ bị họ cho... ăn đòn lắm. Vì họ mắc cỡ. Nhưng đúng là điện ảnh đã mang đến hy vọng cho một người quá nhiều mơ mộng như tôi. Điện ảnh cũng mang đến những niềm vui nho nhỏ, kiểu như vào bệnh viện đo huyết áp thì cô y tá bỗng giật giọng hỏi: "Nguyễn Hoàng Điệp à? Chị là đạo diễn, đúng không?"...

* Có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung và chất thể nghiệm trong phim ngắn những năm gần đây: dù số lượng rất đáng mừng nhưng chất lượng lại rất đáng lo... Ý kiến chị về phim ngắn của sinh viên?

- Tôi cũng chả mấy khi có cơ hội xem phim ngắn của sinh viên điện ảnh nếu nó không đoạt giải hoặc không có xì-căng-đan. Nhưng khi là sinh viên ngày xưa, lúc làm phim tôi chỉ ước có tiền để làm là sung sướng hạnh phúc lắm rồi, đầu óc cứ tưng tửng cả lên. Có được tí tiền là nghĩ ngay đến việc làm phim... theo ý ta muốn. Còn bây giờ, hình như sinh viên chẳng đến nỗi thiếu tiền làm phim. Các bác bộ phận ánh sáng còn bảo nhau, hồi xưa cứ phải tránh phim sinh viên chứ bây giờ sinh viên giàu lắm, đầu tư ác chiến lắm, chả việc gì phải tránh. Nhưng phim được đầu tư nhiều tiền hơn mà chất lượng vẫn không cao hơn (là những phim mà tôi biết thôi). Rồi đến chuyện phim làm ra mà xem xong không ai hiểu, hoặc đến mức bị coi là... dở hơi thì vẫn ít khi bị chửi mà có lúc còn được đặt sang loại phim... nghệ thuật cao siêu. Nhưng các bạn sinh viên vẫn luôn thực sự tin vào nghề, nên rất chịu khó đầu tư.

* Cảm ơn nhiều vì những chia sẻ của chị.

Cát Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.